Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp để hạn chế xe ô nhiễm

25/12/2024 - 06:52

PNO - Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về xây dựng vùng phát thải thấp (LEZ) để cải thiện chất lượng không khí, trong đó chọn 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm thí điểm xây dựng LEZ từ năm 2025, giao UBND TP Hà Nội lên phương án giảm phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng này, hỗ trợ dân mua xe mới.

Trước đó, ngày 11/12, trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, sẽ có phương án hỗ trợ tài chính cho việc đổi xe cũ lấy xe mới thân thiện với môi trường. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”, trong đó có việc đo kiểm khí thải miễn phí và hỗ trợ 2-4 triệu đồng để chủ xe chuyển đổi xe máy được sản xuất trước năm 2002 sang xe máy mới.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, toàn thành phố có hơn 6,9 triệu chiếc xe máy, trong đó 70% đã có thời gian sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn khí thải lớn.

Hà Nội có hơn 6,9 triệu chiếc xe máy, trong đó 70% đã có thời gian sử dụng trên 10 năm
Hà Nội có hơn 6,9 triệu chiếc xe máy, trong đó 70% đã có thời gian sử dụng trên 10 năm

Làm nghề chạy xe ôm truyền thống quanh bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội gần 10 năm nay, anh Nguyễn Trung Quân - quê ở tỉnh Hưng Yên - rất muốn đổi chiếc xe máy chạy bằng xăng sang xe máy điện. Chỉ tay vào chiếc xe Dream, anh nói không biết nó đã trải qua bao đời chủ mà chỉ nhớ đã mua lại từ một người bạn trên phố Láng Hạ vào năm 2000. Anh than, xe cũ nên chạy tốn xăng, tốn tiền sửa chữa. Nếu có tiền, anh sẽ mua xe máy điện bởi mỗi lần sạc đầy bình chỉ mất khoảng 10.000 đồng. Nhưng giá xe máy điện khá cao. Bởi vậy, nếu được hỗ trợ tiền, anh sẵn sàng đổi chiếc xe Dream cũ này để mua ngay chiếc xe máy điện.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - từ năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã triển khai phương án chuyển đổi xe máy gây ô nhiễm, trong đó có chương trình đo kiểm khí thải xe máy miễn phí và hỗ trợ đổi xe máy cũ. Do vướng dịch COVID-19, đến tháng 11/2023, sở mới triển khai chương trình này. Tuy nhiên, mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/xe là quá thấp bởi giá 1 chiếc xe máy loại rẻ cũng khoảng 18 triệu đồng.

Ông nói: “Với mức hỗ trợ như thế, những người có thu nhập thấp, trung bình sẽ không thể mua được xe mới. Nếu tăng số tiền hỗ trợ lên khoảng 7 triệu đồng trở lên thì tính khả thi sẽ cao hơn”. Ông cũng cho rằng, để việc kiểm soát khí thải nói chung, chuyển đổi xe máy nói riêng được đồng bộ, thông suốt, cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, sự hỗ trợ của các nhà sản xuất, kinh doanh xe máy và có sơ kết, đánh giá thí điểm, chỉ ra những ưu nhược điểm để rút kinh nghiệm và nhất là phải có sở, ngành cụ thể chịu trách nhiệm.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 47/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó quy định mô tô, xe máy lưu thông trên 5 năm thì chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Đối với mô tô, xe máy lưu thông trên 5 năm đến 12 năm, chủ xe phải kiểm định khí thải định kỳ 24 tháng/lần. Với xe lưu thông trên 12 năm thì chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng/lần.

Theo ông, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, trong đó có nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách để đề xuất các phương án xử lý đối với phương tiện không đạt tiêu chuẩn và phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn có phương tiện để di chuyển. Lộ trình này nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và cộng đồng. Lộ trình này cần sớm được hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành thành quyết định và triển khai thực hiện.

Ông góp ý: “Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của các nhà sản xuất, kinh doanh xe máy. Họ phải có các chính sách hỗ trợ như giảm giá bán xe, khuyến khích trả góp với thời hạn dài, lãi suất thấp. Nếu người dân không được hỗ trợ gì hoặc mức hỗ trợ chỉ mang tính tượng trưng thì chủ trương hạn chế, dẹp bỏ xe máy cũ (nhằm giảm phát thải khí độc hại ra môi trường) khó thành hiện thực”.

Nam Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI