Hà Nội tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng thay vì đủ 9 tháng tuổi

10/02/2025 - 16:09

PNO - Nhằm ứng phó ca mắc sởi tăng, Hà Nội tiêm vắc-xin ngừa cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, thay vì đủ 9 tháng tuổi như thông lệ.

Một trẻ em tiêm vắc-xin phòng sởi (Ảnh: Phạm An)
Một trẻ em được tiêm vắc-xin phòng sởi - Ảnh: Phạm An

Trẻ em trong nhóm tuổi này (bao gồm trẻ em vãng lai trên địa bàn) sẽ được tiêm vắc-xin sởi tại các trạm, trung tâm y tế hoặc điểm tiêm chủng cố định khác. Nhóm này chưa đủ điều kiện để tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, kháng thể mẹ truyền cho trẻ có thể giảm xuống dưới mức bảo vệ. Theo lịch tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ em cần được tiêm 2 liều vắc-xin sởi lần lượt vào lúc đủ 9 tháng tuổi và đủ 18 tháng tuổi.

Hiện tại, dịch bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại Hà Nội và cả nước. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận gần 600 ca mắc bệnh tại 30 quận, huyện, thị xã. 2 tháng đầu năm 2025 có 100 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm trước không có trường hợp nào.

Còn theo Bộ Y tế, có khoảng 5.000 ca mắc sởi trong năm 2024, cao gấp 100 lần so với năm 2023. Tại Bệnh viện nhi Trung ương, có 31% số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi. Còn với nhóm trẻ trên 9 tháng tuổi có 40% chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Tháng 11/2024, Bộ Y tế lần đầu phê duyệt triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TPHCM, khi số ca mắc sởi ở nhóm này liên tục tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em thuộc nhóm này như biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi "sởi 0". Sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trẻ được tiêm ngừa sởi ở một trạm y tế (Ảnh: Phạm An)
Trẻ được tiêm ngừa sởi ở một trạm y tế - Ảnh: Phạm An

Cuối tháng 11/2024, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng; ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao như vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Theo thông tin WHO công bố vào tháng 7/2024, số ca mắc sởi tăng là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Con số này chỉ khoảng 80%, trong mức miễn dịch cộng đồng là 95%. Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc tiêm chủng, khiến nhiều quốc gia không đạt độ bao phủ cần thiết để ngăn chặn dịch bùng phát.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI