Hà Nội thu phí xe giảm tắc đường: Chỉ có giải pháp tình thế, không thể bài bản

03/12/2016 - 09:51

PNO - Vị chuyên gia nhận định, những giải pháp bài bản ta đã nói trong hội thảo đúng, tất cả đều đúng thế nhưng đến lúc làm thì không thể làm được vì điều kiện không cho phép.

Mới đây, tại hội thảo "Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" được Sở GTVT Hà Nội tổ chức vào ngày 30/11, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp  nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Trong đó, Viện Chiến lược có đề cập tới giải pháp tổ chức thu phí xe ôtô vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm, lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu trung tâm 4 quận nội thành.

Đưa ra quan điểm trước giải pháp này, PGS TS. Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, ĐHGTVT Hà Nội cho rằng việc thu phí xe ô tô vào nội đô trong giờ cao điểm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Vị chuyên gia phân tích cụ thể hơn, nhiều thành phố lớn trên thế giới họ áp dụng thu phí xe cá nhân vào giờ cao điểm nhưng người ta áp dụng theo kiểu, không cấm phương tiện đi vào, mà là giảm lượng xe đi qua nội đô. Ngoài ra, cũng có thành phố họ  không thu phí nhưng vì nó tắc đường quá nên là người dân vẫn phải gửi xe ở bên ngoài để đi vào trong nội đô.

Ha Noi thu phi xe giam tac duong: Chi co giai phap tinh the, khong the bai ban
Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô để giảm tắc đường

Tuy nhiên, theo ông Toản, ở đây có một sự khác biệt lớn, đó là giao thông ở nước ngoài họ không bị tắc còn tại Việt Nam vốn đã bị tắc đường thì không thể thu phí được.

Hơn nữa, theo ông, nguyên nhân chính gây ra tắc đường hiện nay là do các phương tiện cá nhân như xe máy ở Việt Nam rất nhiều.

''Xe ô tô ngoại tỉnh đi vào Hà Nội hầu hết không phải là đi ngang qua nội đô, mà người ta phải vào nội đô. Nếu người ta đi ngang qua nội đô mà bị thu phí thì người ta có thể vòng đường khác người ta đi, ví dụ như đi trên đường vành đai để không qua nội đô.

Thế nhưng bây giờ thực tế là họ phải vào nội đô, vậy thu phí thì người ta đi bằng gì, người ta đi đâu. Hiện nay chỉ có một giải pháp khả thi nhất là không đi vào nội đô nữa mà sẽ gửi xe ở bên ngoài rồi đi bộ vào. Thế nhưng ngay cả giải pháp ấy nếu mà có dùng cũng lại nảy sinh ra một vấn đề khác đó là gửi xe ở đâu", vị chuyên gia phân tích tình huống.

PGS Toản ví von: "Cũng giống như vừa rồi chúng ta tổ chức một loạt phố đi bộ ấy, thì lại phải giải quyết  cái chỗ để  xe cho người ta. Đấy là xét trên một diện hẹp, chứ còn bây giờ nếu ví dụ lấy từ vành đai 2 trở vào thì bao nhiêu xe để gửi.

Nếu chỗ gửi xe được giải quyết nhưng lại phải đi bộ 7 - 10 cây số để vào nội đô xem chừng sẽ bất khả thi. Lúc này lại chuyển sang phương tiện giao thông công cộng. Thế nhưng phương tiện giao thông công cộng hiện nay cũng không đáp ứng đủ điều kiện".

Trước dự báo của Viện Chiến lực và phát triển Giao thông Vận tải cũng dự đoán, đến năm 2025 và 2030, trong vành đai 3 với kịch bản trên diện tích chiếm dụng mặt đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị là 7,5 lần và 10,6 lần, điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện không thể di chuyển, PGS Toản cho rằng, điều này ai cũng có thể dự báo. Chắc chắn là nó sẽ xảy ra, nhưng về giải pháp tức thời thì không có.

Theo chuyên gia, bản chất của ùn tắc giao thông là do sự phát triển nóng của nền kinh tế. Sự phát triển của nền kinh tế thật ra là nguyên nhân rất đáng mừng, chứ không phải nguyên nhân tiêu cực.

Nói thêm về vấn đề này, ông cho rằng, những giải pháp được đưa ra trong hội thảo không có giải pháp nào là không hợp lý. Thế nhưng muốn thực hiện được những giải pháp này thì hoặc là đòi hỏi cơ sở hạ tầng, hoặc là đòi hỏi phân bố lại dân cư, hoặc là hạn chế các phương tiện.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản thể hiện quan điểm: ''Bây giờ tóm lại là cũng chỉ có những giải pháp tình thế, chứ không thể có giải pháp bài bản. Những giải pháp bài bản chúng ta nói trong hội thảo, lý thuyết nọ lý thuyết kia. Đúng, tất cả đều đúng thế nhưng đến lúc làm thì không thể làm được vì điều kiện không cho phép.

Tôi chợt nhớ tới đại diện của Ngân hàng thế giới có nói rằng: Giải pháp gì thì có nhiều giải pháp nhưng Việt Nam nên nghĩ là mình làm được cái gì. Những giải pháp đề ra dù là nó rất bất hợp lý nhưng làm được, thì nó cũng vẫn đúng. Còn những giải pháp nghe rất hợp lý nhưng không làm gì được thì nó vẫn chỉ dừng lại ở giải pháp mà thôi."

Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI