Dự án "Tuyến tàu điện số 6" ở Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) là 1 trong 8 toa thuộc tuyến tàu điện sản phẩm du lịch của quận Ba Đình.
Dự án "Tuyến tàu điện số 6" được đặt tên dựa trên ý tưởng về một tuyến tàu điện tiếp nối sứ mệnh của hệ thống 5 tuyến tàu điện mặt đất của Hà Nội xưa, đã ngừng hoạt động từ năm 1991.
Không gian này được thiết kế gồm 2 tầng. Tầng 1 của toa xe điện là không gian trưng bày các hiện vật xưa cũ của một thời bao cấp. Tầng 2 là khu vực để du khách thưởng thức ẩm thực và ngắm cảnh. Ngoài ra còn có khu vực sạp báo, đánh cờ... để du khách trải nghiệm.
Toa tàu đầu tiên của "tuyến tàu điện số 6" mang tên "Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm", lấy chủ đề về thời kỳ bao cấp. Tất cả các đồ vật trưng bày trong toa tàu đều là những món đồ thật từ thời bao cấp, đồ sưu tầm hoặc được người dân địa phương quyên góp.
Khu vực bếp tái hiện lại một không gian bếp xưa cũ của người Hà Nội với những vật dụng thân quen như bếp củi, nồi chảo gang...
Cái chạn là một trong những đồ dụng rất đỗi thân thương trong mỗi gian bếp xưa của người dân thời bao cấp. Những cái chạn ấy hoặc là đóng lấy từ gỗ tạp vụn mót được từ những thùng hàng trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, hoặc mua sẵn từ các phố.
Khu vực mâm cơm tái hiện lại những món ăn xưa cũ và gần như thiếu vắng món thịt. Đó là những món như cơm độn khoai sắn, rau muống luộc, dưa cà, dưa cải, sang lắm thì dưa xào ít tóp mỡ, tép đồng kho khế, phở chan cơm nguội... những vật dụng quen thuộc không chỉ với người Hà Nội mà cả với người Sài Gòn xưa như chiếc lon Gô cũng xuất hiện.
Một mâm cơm điển hình của những năm thời bao cấp với chỉ vài món đơn sơ và gần như không có thịt. Thời tem phiếu, hầu như ít người sẽ chọn mua thịt nạc nguyên mà thường sẽ chọn mua phần lẫn nạc nhiều mỡ vừa để làm tóp mỡ, vừa có mỡ xào rán...
Những chiếc xe đạp Phượng Hoàng hai gióng đã từng là phương tiện phổ biến nhất ở thời bao cấp, hầu như nhà nào cũng đều có một chiếc xe đạp Phượng Hoàng, chỉ những ai có của ăn của để thì mới sắm một chiếc Cub hay Simson.
Nhiều người lầm tưởng rằng toa tàu này là xe khách hoặc xe buýt cũ được cải tạo lại. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một chiếc tàu điện được lắp ráp mới, bám sát với thiết kế và cấu trúc của tàu điện Hà Nội xưa.
Vòi nước sạch thời bao cấp, ở mỗi phố sẽ có một vòi nước thế này. Cảnh người dân đứng xếp hàng chờ lấy nước là một hình ảnh xưa cũ mà đầy hoài niệm.
Xung quanh toa tàu còn bố trí các không gian khác như rạp chiếu bóng lưu động với phông nền là những chiếc chăn con công xưa cũ, một quán nước chè chén và trà đá với một sạp báo bày phía sau tạo thành một không gian check in cho các bạn trẻ.
Không chỉ là một không gian trưng bày các hiện vật xưa cũ, Toa Bao cấp còn phục vụ các món ăn, đồ uống mang đậm hương vị Hà Nội xưa. Thực đơn của toa này tương đối đa dạng với các món giải khát như trà đá, chè xanh, nhân trần với giá chỉ từ 5.000 đồng. Thực đơn còn có các món ăn vặt quen thuộc của thế hệ cũ như bánh gai, bánh gio mật mía, chè lam, bánh nhãn, kẹo lạc, mứt chuối, nem chua... với giá từ 10.000 đến 60.000 đồng.
Khu vực bảng tin được làm từ gỗ và khoá sắt bằng lưới B40 cùng bảng chữ "Không có gì quý hơn độc lập - tự do"
"Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm" mở cửa miễn phí từ 15g đến tới 22g mỗi ngày, tại ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Kathie (Du khách người Anh) cho biết: "Tôi đã từng nghe tới Việt Nam nhưng chỉ biết đây là một đất nước yên bình, điểm đến du lịch với ẩm thực đa dạng. Nhìn vào những đồ vật này và được nghe thuyết minh, tôi cảm thấy Việt Nam dường như đã trải qua thời kì đó rất khó khăn nhưng lại rất đáng nhớ".