Hà Nội: Thêm 1 bệnh nhân mắc liên cầu lợn

16/09/2024 - 06:38

PNO - Ngày 15/9, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tuần qua thành phố đã ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc liên cầu lợn. Bệnh nhân nam (34 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu. Rất nhanh sau đó, bệnh nhân rối loạn ý thức, lơ mơ, đi tiểu không tự chủ.

Bệnh nhân đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn (do Streptococcus suis gây ra). Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa có thêm thông tin dịch tễ từ bệnh nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn có khả năng tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các vết thương hở hoặc ăn thực phẩm chế biến chưa chín từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn.

Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn. Điển hình, hồi tháng 8/2024, Sở Y tế Hà Nội thông tin đã ghi nhận ca tử vong do nhiễm liên cầu lợn đầu tiên trong năm. Đó là 1 bệnh nhân nữ 86 tuổi, trú tại huyện Quốc Oai. Bà được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ… Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) - cho hay, bệnh do liên cầu khuẩn lợn gây ra có thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ cho đến 2-3 ngày. Liên cầu khuẩn lợn gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc… Dù đã cảnh báo nhiều song theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, hiện còn nhiều người dân vẫn ưa chuộng ăn tiết canh lợn - loại thức ăn có nguy cơ gây bệnh cao. Mới đây, đơn vị này còn tiếp nhận một bệnh nhân suy đa tạng vì ăn tiết canh ngày đầu tháng để… lấy may. “Tại một số nơi, người dân quan niệm, tiết canh có màu đỏ nên lựa chọn ăn để được may mắn. Điều này không đúng và nguy cơ gây hại cho sức khỏe” - bác sĩ Phạm Văn Phúc nói.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Phạm Văn Phúc khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, chỉ ăn các sản phẩm từ thịt lợn đã được chế biến chín. Thịt lợn cần lựa chọn loại đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Trong quá trình chế biến, các dụng cụ được để ở nơi sạch sẽ, dùng riêng dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI