Biến chứng nguy hiểm
Vốn là thanh niên khỏe mạnh nhưng sau khi xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau người ê ẩm, N.T.P. (25 tuổi, Hà Nội) bắt đầu sốt 5 ngày liên tiếp. Cơ thể P. rệu rã, không thể ngồi vững hay đứng lên như bình thường. Nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai khám và có kết quản xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, trong quá trình điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa |
Anh H.V.T. (38 tuổi, Hà Nội) cũng đang được điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới. T. nhập viện sau 5 ngày sốt cao. Khi vào viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh… May mắn, cả P. và T. đã được điều trị tích cực và hiện tình trạng đang ổn định.
Bên cạnh nhiều ca bệnh hồi phục, theo ông Đỗ Duy Cường, có một số trường hợp bệnh nhân nguy kịch, tiên lượng xấu. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân T.T.S. (62 tuổi, Hà Nội). Bà S. vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, ăn kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp dùng thuốc giảm đau thường xuyên và được chẩn đoán SXH Dengue nặng. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) - cũng cảnh báo biến chứng nguy hiểm của SXH. Đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (53 tuổi, TP Hà Nội) nhập viện sau 7 ngày sốt cao, đau bụng vùng thượng vị. Bệnh nhân được chẩn đoán SXH kèm theo nhiễm vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc; xuất hiện các đám đông đặc rải rác và ổ áp xe trong phổi… Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, SXH khiến cơ thể bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, từ đó dễ dẫn tới nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
Sốt xuất huyết đến sớm và nặng hơn
Gần đây, thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang diễn biến thất thường. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi Aedes aegypti - truyền bệnh SXH Dengue - phát triển, sinh sôi… Số ca SXH, vì vậy cũng bắt đầu tăng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), riêng tháng Bảy đã có hàng chục ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo đến từ khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình. Ông Đỗ Duy Cường nhận định, các ca SXH có vẻ đến sớm và nặng hơn mọi năm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội), nếu như trong tháng Năm và Sáu bệnh viện không ghi nhận ca mắc SXH thì từ đầu tháng Bảy tới nay đã có 55 trường hợp khám, nhập viện vì căn bệnh này. Tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 ca mắc SXH. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Quốc Bảo - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) - dự báo, với thời tiết như hiện nay, số ca mắc SXH có nguy cơ tăng cao hơn trong tháng Tám, Chín. Khi số bệnh nhân tăng cao, các trường hợp có nguy cơ biến chứng, tăng nặng cũng sẽ cao hơn.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ ngày 26/7 đến 2/8, thành phố đã ghi nhận thêm 171 ca mắc SXH, tăng 46 ca so với tuần trước đó. Số ca bệnh tập trung tại một số quận, huyện như Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ. Cộng dồn năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận gần 1.600 ca SXH. Trước nguy cơ bệnh bùng phát vào “mùa cao điểm”, các địa phương đã tổ chức 27 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng, chống dịch tại hơn 100.000 hộ gia đình, gần 800 địa điểm là trường học, khu vực công cộng…
Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội - lưu ý, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số ổ dịch SXH phức tạp, kéo dài. Do đó, Hà Nội tiếp tục chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng kịp thời. Ngành y tế cũng sẽ giám sát các khu vực ổ dịch SXH đang hoạt động, khu vực nguy cơ như Đan Phượng, Thạch Thất, Thường Tín, Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Phú Lương (Hà Đông)…
TPHCM: Cảnh giác cao với sốt xuất huyết Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến cuối tháng Bảy, TPHCM đã phát hiện 232 trường hợp mắc bệnh SXH, cao hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm là 4.853 ca. Trong đó, riêng quận 1 có 116 ca… Trước tình hình trên, HCDC thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại các điểm nguy cơ. Kết quả nhiều điểm có lăng quăng, đa số vật chứa là chậu kiểng, lọ hoa, xô nước hứng từ máy lạnh, hay các vật dụng chứa nước ngoài trời đều có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng khuyến cáo mùa mưa đã bắt đầu, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh SXH lại gia tăng. Sở Y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát. Trong đó, chú ý đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, dọn dẹp vệ sinh, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà; ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, kem xua muỗi… Khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh SXH, người dân hãy phản ánh lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý. Phạm An |
Huyền Anh