Hà Nội: Sốt xuất huyết đến sớm, lo người dân nhầm bệnh

27/06/2023 - 18:31

PNO - Sau 5 ngày đau đầu, sốt cao, đau thượng vị nên bà T.T.M. mới đến bệnh viện để khám dạ dày nhưng lại phát hiện mắc sốt xuất huyết.

 

Các bác sĩ thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)

Các bác sĩ thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)

Sốt xuất huyết nhưng đi khám dạ dày

Có tiền sử tăng huyết áp và K vú đã phẫu thuật 3 năm, mới đây, bệnh nhân Đ.T.V. (83 tuổi, Hoàng Mai - Hà Nội), lại xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi nên được người nhà đưa đi khám. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai),  bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các biểu hiện như tràn dịch màng phổi/tràn dịch màng bụng. Bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nên đã được nhập viện theo dõi, điều trị kịp thời nay đã qua cơn nguy kịch.

Cùng điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới bệnh nhân T.T.M. (60 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) - làm nghề bán rau tại chợ Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu bệnh kéo dài 5 ngày trước khi vào viện như: nôn và đau thượng vị, sau đó sốt cao, đau đầu, nôn vài lần, không chảy máu mũi, không chảy máu chân răng.

Bệnh nhân đến khám và nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa gan-mật-tụy, xét nghiệm Dengue dương tính nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới với các dấu hiệu cảnh báo. Lúc này tiểu cầu của bệnh nhân hạ chỉ còn 10 G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương….

Nhiều ca có dấu hiệu cảnh báo

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Năm nay sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng Năm, tháng Sáu, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện và hiện Trung tâm đang điều trị cho 6 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.

Do thời gian này đầu vụ dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai... thì mới đến viện.

Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,….

Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng 1 vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc).

Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L. "Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng-màng phổi…

“Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyên, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện. Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (COVID-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng sốt xuất huyết, do hiện nay chưa có vắc xin, việc phòng bệnh vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng. Hiện nay bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI