Hà Nội: Số ca sởi gia tăng

15/01/2025 - 06:06

PNO - 2 tháng nay, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Hà Nội đã điều trị cho hơn 60 bệnh nhi mắc sởi. 50% trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng.

Sau khi sốt cao, ho kèm theo những nốt đỏ lấm tấm trên da, bé N.T.T. - 19 tháng tuổi, TP Hà Nội - được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc sởi và có biến chứng viêm phổi nặng, cần nhập viện điều trị. T. là một trong 10 bệnh nhi mắc sởi nặng đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, trong đó chủ yếu là trẻ chưa tới độ tuổi tiêm phòng và chưa tiêm phòng đầy đủ.

CDC Hà Nội nhận định, số mắc sởi đang có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ
CDC Hà Nội nhận định, số mắc sởi đang có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ

2 tháng nay, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng đã điều trị cho hơn 60 bệnh nhi mắc sởi. 50% trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 1 tháng nay, số ca mắc sởi tăng theo tuần. Thống kê mới nhất, tuần qua, thành phố ghi nhận 120 ca mắc sởi tại 22 quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 556 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh.

CDC Hà Nội nhận định, số mắc sởi đang có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Trong 3 tháng đầu năm 2025, số ca mắc sởi có thể tiếp tục tăng do gia tăng giao lưu, tiếp xúc. CDC Hà Nội kêu gọi người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% trường hợp nghi ngờ mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân… Các đơn vị phối hợp rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi, tư vấn để trẻ tiêm bổ sung đầy đủ.

Thạc sĩ Trần Thị Xuyên - điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương - hướng dẫn, trong trường hợp trẻ bệnh nhẹ, được chỉ định điều trị ngoại trú, cha mẹ cần cách ly, chăm sóc con đúng cách để bảo vệ sức khỏe của trẻ và phòng ngừa lây lan. Theo đó, cho trẻ sinh hoạt ở phòng riêng thoáng mát, đủ ánh sáng mặt trời. Mở cửa nơi có ánh nắng vào khung giờ 10 - 16g hằng ngày. Phòng của trẻ cần được vệ sinh hằng ngày, người chăm sóc trẻ luôn đeo khẩu trang, theo dõi nhiệt độ của trẻ.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, phụ huynh cho con uống paracetamol liều 10 - 15mg/kg, cách 4-6 giờ. Trẻ cần được vệ sinh mắt 3-5 lần/ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; xịt vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối biển 3-5 lần/ngày; vệ sinh răng miệng, đánh tưa miệng 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Cho trẻ tắm hằng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió. Tăng cường dinh dưỡng bằng cách tích cực cho trẻ bú mẹ, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và uống nhiều nước. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: lươn, trứng, cá, sữa, các loại rau quả có màu đỏ, vàng hoặc cam…

“Khi trẻ có biểu hiện li bì, bú kém, ăn kém, bỏ bú; nôn nhiều, tiêu chảy; khó thở, thở nhanh; ho liên tục, sốt cao không đáp ứng thuốc, hết ban vẫn còn sốt; co giật, hôn mê... phụ huynh nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế thăm khám” - nữ điều dưỡng lưu ý.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI