“Tết Việt - Tết phố 2024” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức từ ngày 28/1 - 28/2.
Chương trình có nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm nét văn hoá Việt xưa. Đoàn rước lễ trong sáng 28/1 với trang phục truyền thống xuất phát từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Cổ phục Việt một lần nữa được xuất hiện trước công chúng với đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Đoàn rước đi qua nhiều tuyến phố cổ Hà Nội.
Theo anh Nguyễn Đức Bình (nhóm Đình làng Việt), ý tưởng ban đầu của hoạt động tết Việt thường niên là tổ chức gặp nhau để các thành viên ở rất nhiều nơi trở về sum họp. Nhóm có hàng chục ngàn thành viên tham gia với rất nhiều thành phần từ họa sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu văn hóa đến những sinh viên, người trẻ tuổi đam mê văn hóa và văn hóa truyền thống.
Theo anh Bình, điểm mới của chương trình năm nay đó là Ban Quản lý phố cổ mời được đội hát Then của đồng bào Tày Nùng tham gia với vai trò về âm nhạc hoặc chia sẻ về cái tết của đồng bào Tày Nùng; hoặc chia sẻ về tết của các vùng miền, về đặc trưng tết Bắc, tết Nam… Tục rước lễ tế thành hoàng làng với các thành viên mặc trang phục áo dài ngũ thân… tạ ơn Thành Hoàng và cầu mong năm mới vạn sự tốt đẹp.
Tại buổi lễ khai mạc, Ban quản lý phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: đoàn rước dâng lễ cửa đình, lễ cáo yết Thành hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây nêu…
Diễn ra trên phố cổ trong không khí se lạnh và tết đang đến rất gần, đoàn rước lễ với trang phục truyền thống nhận được nhiều sự chú ý.
Biểu diễn nghệ thuật trên đường diễu hành qua các tuyến phố cổ.
Đông đảo người dân và du khách thích thú ngắm nhìn đoàn diễu hành trong cổ phục Việt.
Dịp này, tại ngôi nhà di sản Mã Mây cũng diễn ra các hoạt động bao gồm: sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón tết của một gia đình Hà Nội xưa; tổ chức gói và luộc bánh chưng; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên…