Hà Nội: Rất nên đặt tên đường Victor Tardieu

23/05/2022 - 06:10

PNO - “Victor Tardieu hoàn toàn xứng đáng được đặt tên cho một con phố ở Hà Nội”, tiến sĩ Phạm Long chia sẻ trong cuộc nói chuyện chuyên đề “Người thầy đầu tiên và di sản tầm nhìn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, diễn ra vừa qua tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên giới mỹ thuật chia sẻ mong muốn có một con phố mang tên người được xem như đã “khai sinh” ra nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Câu chuyện này có ý nghĩa hơn khi Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương) chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập (1924 - 2024), 85 năm ngày mất của Victor Tardieu (12/6/1937 - 12/6/2022). 

Họa sĩ Victor Tardieu (ảnh tư liệu)
Họa sĩ Victor Tardieu (ảnh tư liệu)

Victor Tardieu đến thăm Đông Dương năm 1921 với tư cách là người đoạt Giải thưởng Đông Dương về hội họa (Le Prix de l’Indochine), và “phải lòng” xứ sở này nên ở lại “lâu hơn dự kiến”. Ông nói về tình cảm của mình: “Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại diện mạo thực sự của họ”. Ông đã đề xuất với chính quyền Pháp tại Đông Dương thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời cũng là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này cho tới khi ông qua đời. 

Tiến sĩ Phạm Long đánh giá: “Với những đóng góp to lớn của Victor Tardieu, ông hoàn toàn xứng đáng là một danh nhân văn hóa - người đại diện tiêu biểu cho mối giao lưu văn hóa Pháp - Việt trong nửa đầu thế kỷ XX”.

Đã có đường Victor Tardieu từ năm 1944 

Tiến sĩ Phạm Long kể, trong lúc tra cứu kho lưu trữ tư liệu thời Pháp thuộc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Hà Nội), ông và đồng nghiệp đã tìm thấy bản sao y tờ nghị định về việc đặt tên “Phố Victor Tardieu” cho một con phố tại Hà Nội, do Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ký ngày 28/6/1944. Tiến sĩ Phạm Long nói: Đây là một bằng chứng hết sức quan trọng cho biết, từ năm 1944, ở Hà Nội đã có một con phố được đặt tên là “Phố Victor Tardieu”, nằm bên hông Trường Mỹ thuật Đông Dương, nối từ đầu phố Yết Kiêu tới phố Lê Duẩn hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Long cũng dẫn lại tài liệu cho thấy, sau khi ký nghị định nói trên, vị Toàn quyền Đông Dương cũng đã có kế hoạch từ Đà Lạt ra Hà Nội dự lễ khánh thành phố Victor Tardieu và gắn tấm bảng kỷ niệm tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, dù đã có sự đốc thúc liên tục của Thống sứ Bắc kỳ và sự chuẩn bị khẩn trương của Phủ Đốc lý Hà Nội, chuyến đi Hà Nội theo mong muốn của Toàn quyền Decoux, nhằm khánh thành con phố mới và đặt tấm bảng kỷ niệm họa sĩ Victor Tardieu vào năm 1944 đã không thực hiện được. Một trong những nguyên nhân chính phải kể đến là những hoạt động quân sự của Nhật tiến hành tại Đông Dương và Hà Nội vào thời gian này. 

Bản sao y nghị định về việc đặt tên “Phố Victor Tardieu” cho một con phố tại Hà Nội, do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 28/6/1944 (ảnh tư liệu)
Bản sao y nghị định về việc đặt tên “Phố Victor Tardieu” cho một con phố tại Hà Nội, do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 28/6/1944 (ảnh tư liệu)

“Đã đến lúc, chúng ta nên đặt lại tên đường mang tên cụ. Vị trí đẹp nhất, phù hợp nhất, vẫn là đoạn phố cũ từng được mang tên ông, nơi có Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, tức Trường Mỹ thuật Đông Dương khi xưa”, ông Long nói.

Hà Nội chỉ được chứ không mất 

Ba năm trước, vụ việc hai bức phù điêu khổ lớn, có giá trị đặc biệt từ thời Đông Dương, “mắc kẹt” ở đoạn “phố cấm” Trần Quốc Toản nối ra ngõ Nam Bộ (Lê Duẩn) - thu hút sự quan tâm của dư luận. Khoảng cách giữa di sản và tòa nhà của Bộ Công an bên cạnh rất hẹp, lối vào hai bên bị bưng kín; người dân gần như không có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm giá trị này.

Thời điểm đó, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (cháu ngoại danh họa Nam Sơn (1890 - 1973), người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương), từng cho biết đây là tác phẩm do Trường Mỹ thuật Đông Dương chuẩn bị tham dự triển lãm Thuộc địa Paris 1931 từ năm 1929. Thời gian này, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Charles-Jean Christian, ba sinh viên lúc đó là Vũ Cao Đàm, George Khánh và Lê Tiến Phúc đã sáng tác phù điêu với chiều dài 39m, cao 2m để chuẩn bị trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (Palais Indochine) tại Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931.

Victor Tardieu và các giáo sư dạy các ban mỹ thuật, kiến trúc, dự bị của Trường Mỹ thuật Đông Dương chụp ảnh cùng các sinh viên những khoá đầu tiên của trường - Ảnh tư liệu
Victor Tardieu và các giáo sư dạy các ban mỹ thuật, kiến trúc, dự bị của Trường Mỹ thuật Đông Dương chụp ảnh cùng các sinh viên những khoá đầu tiên của trường - Ảnh tư liệu

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, tiến sĩ Phạm Long bày tỏ: “Đặt tên đường mang tên Victor Tardieu, đồng thời khôi phục lại đoạn “phố cấm”, hiển lộ bức phù điêu mang tính lịch sử này, sẽ tạo thành một không gian văn hóa có ý nghĩa của thủ đô. Không chỉ gợi nhắc, nhận định đúng vị thế của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong cộng đồng sáng tạo của Hà Nội trong thời điểm hiện nay, mà chúng ta còn hưởng thụ tư tưởng khai sáng nghệ thuật của cụ Tardieu để lại”.

“Nếu làm được điều đó, câu chuyện không chỉ thể hiện tầm nhìn của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, mà còn góp phần cho thấy người Việt chúng ta biết ghi nhận những giá trị mang tính quốc tế, phổ quát, thể hiện quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây, Việt - Pháp”, tiến sĩ Phạm Long nói thêm.

“Với cá nhân tôi, giá trị và tinh thần lớn nhất mà di sản cụ Victor Tardieu để lại cho nước ta là tinh thần nhân văn. Nghệ thuật phục vụ đời sống, không tách rời cuộc sống của tất cả mọi người. Ông đã dạy chúng ta rằng, không nên biến nghệ thuật thành một thứ gì đó phải viết hoa, dành riêng cho một tầng lớp đặc tuyển”.

Họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ

 

Họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ cũng cho rằng, Hà Nội nên đặt tên đường mang tên người được xem như đã “khai sinh” ra nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. “Nếu làm được, người ta sẽ nhìn Hà Nội đúng thực là mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thậm chí tầm cỡ quốc tế”, ông nói. 

Họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ giải thích, Việt Nam là nơi giao thoa của những nền văn hóa lớn. Lấy tên một người ngoại quốc đắm say xứ sở của ta và có công rất lớn đối với nền mỹ thuật của ta, coi họ là thầy và ghi nhận, biết ơn họ, biến tên tuổi họ thành một phần trong môi trường sống của mình, sẽ góp phần giúp bạn bè biết rằng, Việt Nam là một dân tộc văn minh, đất nước này vẫn mở mang, giao lưu, hội nhập từ ngàn xưa, và cho tới bây giờ vẫn thế.

“Với một cách làm văn hóa, lịch sự, cao thượng như vậy, Hà Nội chỉ có thể tốt hơn mà thôi. Trước đây vì điều kiện lịch sử không cho phép, có những giá trị văn hóa bị vùi lấp dưới bom đạn, lịch sử. Giờ đây, hoàn cảnh đã khác, chúng ta cần đánh giá một cách công tâm, sòng phẳng lại các giá trị. Nếu không, ở một thời buổi văn hóa có nhiều thứ nhiễu nhương như hiện nay, ta dễ đánh mất mình”, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ nói. 

Đậu Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phạm Long 23-05-2022 14:30:01

    Trân trọng cám pưn nhà báo Đậu Dung và báo Phụ Nữ đã quan tâm tới chủ đề Di sản văn hoá và Sự hình thành mỹ thuật hiện đại Việt - gắn liền với tên tuổi nhà danh hoạ - người khai sáng - một đại biểu ưu tú của quá trình giao thoa văn hoá Đông - Tây, Việt - Pháp !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI