Tôi sống ở tầng 26.
Sáng Chủ nhật, tôi dậy sớm, thói quen của tôi gần như luôn luôn thức dậy trước bình minh. Cửa sổ phòng tôi nhìn ra công viên cây xanh có hồ nước ở hướng tây. Ban công nhìn ra hướng bắc và hướng đông. Một điều thật may mắn là tôi thường được ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn đẹp nhất theo trí tưởng tượng của tôi.
Hôm nay, thời tiết có lẽ là tốt, không khí se lạnh vào buổi sáng. Nhưng tôi không thấy ánh mặt trời. Một màn sương mờ che phủ, sự phát triển của mọi thứ trong thành phố trở nên rất mong manh, thiếu sức sống và trạng thái tinh thần của con người cũng rất uể oải, không hạnh phúc.
Cả tuần nay tôi không thấy ánh mặt trời mọc vào buổi sáng.
Chính thức là từ ngày 23/9 tôi đã không thấy. Hôm đó là thu phân. Lúc 9 giờ 54 phút, mặt trời nằm ở chính giữa đường xích đạo. Vào thời điểm này, mọi thứ trên trái đất chuyển màu vàng, mặt trời cũng vàng và những tia nắng buông xuống cũng được nhuộm vàng như rèm cửa mộng mơ.
|
Hà Nội trong những ngày này ô nhiễm ở mức có hại cho sức khỏe |
Những ngày sau đó, mặt trời chuyển dịch về phía đông nam. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn, gọi là hiện tượng nghịch đảo nhiệt. Không khí buổi sáng sớm có những hạt bụi ô nhiễm không thoát lên được, nó bay lửng lơ ở tầng thấp, tạo nên lớp sương mờ đặc bụi, mặt trời bị che lấp và tôi không thể nhìn thấy.
Sáng sớm hôm nay cũng vậy. Nhiệt độ khu nhà tôi ở là 20oC, cảm giác khá lạnh, tôi ra khỏi giường bằng tấm chăn mỏng. Mặt trời ở trên cao, từ phía đông nam chiếu chênh chếch lên hướng tây bắc, sẽ chỉ làm nóng tầng không khí ở phía trên cao. Những hạt bụi dày đặc ở tầng thấp lạnh bị tầng không khí nóng phía trên nén xuống, vẩn đục, làm cho không khí ô nhiễm nặng. Hà Nội cả tuần vừa rồi, sáng sớm và ban đêm nào cũng thế, ô nhiễm không khí làm ai cũng khó thở.
“Xin tí khí” - đó là chủ đề hót nhất trong tuần!
Nhiều người nhắn hỏi tôi cách để “xin tí khí”, vì buổi sáng sớm, hay chiều tối và đêm, gió heo may se lạnh làm cho ai cũng thích đi ra đường, nhưng bị ngộp thở, cảm giác tức ngực và ho; phải tìm mọi cách để “xin tí khí”.
Quá nhiều người hỏi “xin tí khí”, làm tôi thực sự giật mình, phải tra vội chỉ số chất lượng không khí AQI ở khu vực Hà Nội. Cả tuần, chỉ số AQI luôn ở mức báo động đỏ từ 151 - 200. Cá biệt, có địa điểm như ở Q.Ba Đình, lúc 21 giờ, ngày 27/9, có chỉ số AQI = 291 là mức báo động tím rất nguy hiểm cho sức khỏe.
AQI từ 0 - 50: tốt (màu xanh)
AQI từ 51 - 100: trung bình (màu vàng)
AQI từ 101 - 150: kém (màu cam)
AQI từ 151 - 200: xấu (màu đỏ)
AQI từ 201 - 300: nguy hiểm (màu tím)
AQI từ 301 - 500: độc hại (màu nâu).
Ô nhiễm không khí do hiện tượng nghịch đảo nhiệt chỉ là quy luật của tự nhiên.
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính của hiện tượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do chính con người gây ra, khi chúng ta cố gắng nhào nặn mội trường của chúng ta đang sống để trở thành một thủ đô có cảnh quan kỳ quái.
Đó là việc chúng ta xây dựng nhà cửa, xây dựng đường xá, xây dựng các tòa nhà chọc trời. Chúng ta lái những chiếc xe chạy lông nhông trên đường bằng xăng. Những vùng ngoại ô trồng lúa thì đốt rơm rạ. Trong thành phố hun khói bằng than tổ ong. Hút thuốc lá, đốt vàng mã, thắp hương cũng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Đó là chưa kể các nhà máy công nghiệp thải ra đủ thứ độc hại.
Chúng ta gần như tách biệt hoàn toàn với môi trường tự nhiên thực sự.
Có rất nhiều lợi ích của con người đã tạo ra cảnh quan ô nhiễm này. Tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thành phố bị ô nhiễm như hôm nay, do chính con người gây ra, nhưng lợi ích kinh tế trước mắt vượt xa lợi ích bảo vệ môi trường tự nhiên về lâu dài, nên sẽ thật ngây thơ và hoàn toàn sai lầm khi tin rằng chúng ta sẽ từ bỏ những lợi ích trước mắt.
Tôi mong ước, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi mở rèm cửa và thấy bầu trời thủ đô xanh trong, thấy mặt trời hiện lên từ phía đông, thấy đầy một ban công ánh sáng; tạo nên một cảnh sắc tuyệt diệu với màu hồng, màu đỏ và màu tím, hòa quyện vào nhau để tôi cảm thấy vui vẻ, yên bình và hạnh phúc.
Chúng ta xứng đáng sống trong một thế giới đầy vẻ đẹp.
Muốn vậy, chúng ta phải biết bảo vệ thiên nhiên mà chúng ta đang sống, bằng cách thay đổi những hành vi và thói quen nhỏ nhất, cho đến những việc làm lớn nhất để tránh sự tách biệt giữa chúng ta với thiên nhiên.
Cụ thể, hôm nay là mùng Một tháng Chín âm lịch, mỗi gia đình hãy từ bỏ thói quen đốt vàng mã, hạn chế thắm hương ở cả trong nhà cũng như ngoài đền chùa. Những người đàn ông hãy tìm cách bỏ dần thuốc lá. Các gia đình chuyển từ bếp than tổ ong sang bếp điện hoặc bếp từ.
Những người nông dân hãy ngừng ngay việc đốt rơm rạ. Tôi đã đọc không dưới 10 đề tài khoa học công phu của các nhà môi trường thế giới, nghiên cứu hành vi đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội. Kết quả đã chứng minh sự nguy hiểm đến môi trường thủ đô khủng khiếp như thế nào.
Chính quyền Hà Nội, hãy cho dừng ngay những công trình đào xới đường không cần thiết, những công trình xây dựng hay sửa sang từ nhà cửa đến đường xá phải che kín, cấm không được phóng thải bụi ra môi trường, các xe chở đất cát sẽ bị tịch thu phương tiện khi để vương vãi. Vệ sinh môi trường phải rửa sạch bụi bẩn trên đường phố vào mỗi đêm. Các cửa ngõ vào thành phố phải xây dựng trạm rửa xe tự động bắt buộc.
“Xin tí khí!”.
Nói một cách đơn giản, là biết cách hít thở không khí trong lành, tránh hít phải khí độc ô nhiễm. Những người không biết “xin tí khí” sẽ rát cổ, ho, khó thở, viêm họng, viêm mũi xoang, thậm chí viêm phổi nặng. Hãy thực hành “xin tí khí” bằng cách, những ngày chỉ số AQI tăng trên 151, hạn chế đi ra đường vào buổi sáng sớm, cả chiều tối và ban đêm, nếu có việc phải đi thì nhớ đeo khẩu trang.
Chỉ số AQI ở Hà Nội hôm nay, thấp nhất là góc phía tây bắc của Hồ Tây có AQI = 46 màu xanh và cao nhất là xung quanh Đại sứ quán Mỹ = 151 màu đỏ ở ngưỡng dưới có hại cho sức khỏe.
Trần Văn Phúc