Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bụi mịn đến từ đâu?

16/12/2020 - 07:40

PNO - Có những thời điểm, 30/35 trạm quan trắc của TP.Hà Nội cho kết quả chỉ số AQI ở mức kém đến xấu, rất xấu và nguy hiểm. Điều đáng nói, các chỉ số AQI rất cao vào buổi đêm và sáng, giảm xuống vào buổi chiều.

Từ tháng 9/2020 đến nay, không khí ở TP.Hà Nội lại thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng. 
Sáng 13/12, trên ứng dụng PAM Air (cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí), màu đỏ (mức xấu) và màu tím (mức rất xấu) là hai màu thể hiện chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày (chỉ số AQI) phủ trùm khắp bản đồ TP.Hà Nội. Thậm chí, lúc 7g ngày 13/12, chỉ số AQI ở P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên là 304 màu nâu - ngưỡng nguy hại. Trước đó, ngày 11/12, chỉ số AQI ở phường này còn lên đến 427.

Từ ngà y 4 - 13/12, TP.Hà Nội thường xuyên bị phủ bụi mịn, khiến ngoài trời như có sương mù
Từ ngày 4 - 13/12, TP.Hà Nội thường xuyên bị phủ bụi mịn, khiến ngoài trời như có sương mù

Bụi mịn phủ trùm toàn Miền Bắc 

Từ ngày 4 - 13/12 được nhận định là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Có những thời điểm, 30/35 trạm quan trắc của TP.Hà Nội cho kết quả chỉ số AQI ở mức kém đến xấu, rất xấu và nguy hiểm. Điều đáng nói, các chỉ số AQI rất cao vào buổi đêm và sáng, giảm xuống vào buổi chiều. 

Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Hà Nội thông tin, ở các phố Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Thành Công và ngay tại trụ sở chi cục, trong đêm và sáng các ngày 6, 7, 11/12, chỉ số AQI tăng lên mức cảnh báo xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chi cục đã khuyến cáo, trong khoảng thời gian không khí ô nhiễm cao, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, không nên mở cửa sổ vào sáng sớm, nên trồng nhiều cây xanh quanh nhà để ngăn bụi và làm sạch không khí, những người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, người già và trẻ nhỏ cần phải có các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn. 

Những ngày qua, chất lượng không khí ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng ở mức xấu và rất xấu

Không chỉ ở TP.Hà Nội, những ngày qua, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cùng chung tình trạng chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu. Theo PAM Air, ngày 13/12, ở hai khu vực này, chỉ có duy nhất một điểm của tỉnh Sơn La có chỉ số AQI lý tưởng là 42 - màu xanh, chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe; còn lại, toàn bộ khu vực từ Đông Bắc kéo sang Tây Bắc, từ miền núi xuống miền xuôi, từ đồng bằng đến vùng biển đều có chất lượng không khí khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng. 

Khu vực Đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên, Bắc Giang hầu hết đều hiển thị màu đỏ và tím trên ứng dụng PAM Air. Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ, chỉ số AQI tại thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) là 500, trong khi 300 đã là ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả người dân.

Không phải chỉ vài năm gần đây, TP.Hà Nội mới bị ô nhiễm không khí. Nói đúng hơn, chỉ khi bắt đầu có số liệu quan trắc công khai của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội rồi so sánh với Bắc Kinh (nơi khi đó được xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới), vấn đề chất lượng không khí ở Hà Nội mới bắt đầu được quan tâm. Hai mươi năm trước, giáo sư - tiến sĩ Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh (Viện Công nghệ Á châu, Thái Lan) và tiến sĩ David D. Cohen (Tổ chức Công nghệ và Khoa học hạt nhân Úc) đã bắt đầu nghiên cứu về các chất ô nhiễm trong không khí của Hà Nội. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia khi đó, riêng giai đoạn 2002-2005, nồng độ bụi PM2.5 của TP.Hà Nội đã cao hơn Thái Lan, Philippines, Indonesia, Sri Lanka và nồng độ bụi PM10 còn cao hơn Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đến năm 2007, nhóm nghiên cứu lấy mẫu tại 96 địa điểm ở TP.Hà Nội, cho kết quả: nồng độ các chất ô nhiễm dạng khí SO2 và Benzen ở dưới ngưỡng quy chuẩn của Việt Nam.

Mười năm nay, nhiều nhà khoa học khác cũng nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội và đánh giá: chất lượng không khí ở TP.Hà Nội không có dấu hiệu được cải thiện. Phần lớn nồng độ trung bình năm của các chất ô nhiễm dạng bụi (PM2.5, PM10) đều cao hơn quy chuẩn của Việt Nam. Bụi nano (1-100nm, còn gọi là bụi siêu mịn PM 0.1) ở Hà Nội cao hơn nhiều so với Los Angeles, California (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc).

Hà Nội là chiếc phễu hút bụi

Trong nhiều hội thảo, tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến không khí của Hà Nội ô nhiễm là nguồn thải từ các phương tiện giao thông, các khu công nghiệp quanh TP.Hà Nội, do người dân đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những nguyên nhân trên chưa thực sự thuyết phục, bởi mật độ giao thông và các khu công nghiệp của TP.Hà Nội thấp hơn nhiều so với TPHCM. Đốt rơm rạ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định của hai vụ gặt, số người dùng bếp than tổ ong cũng đã giảm nhiều.

Từ ngày 4 - 13/12, TP.Hà Nội thường xuyên bị phủ bụi mịn, khiến ngoài trời như có sương mù
Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Anh, có tới 60% lượng bụi ô nhiễm của Hà Nội đến từ Trung Quốc

Các chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí của Hà Nội trong hai mươi năm qua cho rằng, thời tiết là yếu tố khách quan khiến không khí ở TP.Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, mà cụ thể là hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là hiện tượng thời tiết xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới (ngược với quy luật là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Hiện tượng này dễ xảy ra trong giai đoạn thời tiết khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng. Ban đêm, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa, khiến nồng độ ô nhiễm đậm đặc hơn; đến khi có ánh nắng mặt trời, không khí sát mặt đất được đốt nóng, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.

Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Anh (Học viện Kỹ thuật quân sự), yếu tố địa lý, địa hình và kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa đã khiến TP.Hà Nội trở thành chiếc “phễu” hút bụi. Ông phân tích, đồng bằng Bắc Bộ là hẻm núi lớn, có vành núi cao tới hơn 1.500m bao quanh. Mọi luồng gió nhẹ đều thổi bụi than, bụi xi măng, bụi đốt rác thải... từ khắp nơi quẩn về TP.Hà Nội. Cộng với hiện tượng nghịch nhiệt, lượng bụi này không thể thoát khỏi vành núi cao xung quanh đồng bằng Bắc Bộ. 

Theo ông, có tới 60% lượng bụi ô nhiễm của Hà Nội đến từ Trung Quốc. Trong mùa đông, các luồng khí lạnh thổi sát mặt đất mang theo bụi mịn từ khu công nghiệp quanh Bắc Kinh về Hà Nội. Khu vực ô nhiễm của Bắc Kinh có bán kính lên tới 200km với nồng độ ô nhiễm lên tới 500μg/m³. Vận tốc gió mặt đất vào khoảng 10km/h. Bụi di chuyển từ vùng công nghiệp Bắc Kinh tới Hà Nội mất khoảng bảy ngày. Khi thổi qua vùng có mưa hay tuyết rơi mạnh, mật độ bụi mịn chỉ giảm được 5%. Trung bình trong vòng bảy ngày, chỉ có hai trận mưa hoặc tuyết rơi mạnh nên nồng độ ô nhiễm giảm không đáng kể. Tốc độ phát tán bụi không lớn lắm so với vận tốc gió nên hướng gió là yếu tố xác định mật độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5. 

Do di chuyển từ vùng lạnh tới vùng nóng mà không khí từ phương Bắc có xu thế bốc lên cao khiến dòng khí thổi vòng thẳng vào vùng dãy Đông Triều và toàn bộ bờ biển Việt Nam vào đồng bằng Bắc Bộ. Do bị các dãy núi cao vây quanh, bụi mịn ở đồng bằng Bắc Bộ có xu thế bị xoáy lại tại vùng Hà Nội. Theo tính toán của tiến sĩ Nguyễn Lê Anh, mức độ ô nhiễm trung bình do bụi từ Trung Quốc vào khoảng 50μg/m³; những ngày ô nhiễm nặng, có thể lên tới 100μg/m³ hoặc hơn. Lượng bụi mịn trung bình sinh ra tại chỗ ở Việt Nam vào khoảng 60μg/m³, trong đó bụi than và bụi xi măng từ lò cao chiếm 30μg/m³ và 10μg/m³ và 20μg/m³ là bụi xe. Vào mùa đông, mức ô nhiễm trung bình là 110μg/m³, và lúc nặng lên tới 160μg/m3.

Phân tích, nhận định của tiến sĩ Nguyễn Lê Anh rất phù hợp với hướng nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới: không có biên giới cho vấn đề ô nhiễm không khí. Do đó, ngoài nỗ lực nghiên cứu tìm nguồn thải, hướng đến các biện pháp giảm phát thải thì phương án hữu hiệu nhất mà người dân có thể làm để “đối phó” với bụi mịn hiện nay là trồng nhiều cây xanh quanh nhà để ngăn bụi và làm sạch không khí. 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM trong những ngày qua là do yếu tố thời tiết. Cụ thể, do nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm tăng cao nên các chất ô nhiễm không khuếch tán đi xa được, tạo thành màn ô nhiễm bao phủ lên thành phố. Về nguồn xả thải gây ô nhiễm, theo ông Tuấn, Hà Nội và TPHCM có sự khác nhau. “Ở Hà Nội, ngoài các nguồn ô nhiễm tại chỗ như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp còn có nguồn ô nhiễm không khí từ Trung Quốc phát tán sang. Còn tại TPHCM, chủ yếu là do các nguồn ô nhiễm tại chỗ”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI