Hà Nội: Nữ tỉ phú nông dân từng bán nhà, bán xe máy để nuôi đam mê

09/01/2022 - 06:49

PNO - Với niềm đam mê khoa học, chị Nguyễn Thị Hồng (Thanh Oai, Hà Nội) đã nuôi cấy, nhân trồng thành công đông trùng hạ thảo. Loại nấm dược liệu quý hiếm mang về doanh thu tiền tỉ mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980) là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam can đảm nghiên cứu và nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Nhìn về quá trình đi đến ngày hôm nay, chị Hồng cho biết chị đã lao tâm khổ tứ suốt hơn 10 năm để gầy dựng cây giống, trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. 

Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980) cho ra đời thành công giống nấm đông trùng hạ thảo made in Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Hồng cho ra đời thành công giống nấm đông trùng hạ thảo made in Việt Nam.

Cơ duyên đến với đông trùng hạ thảo

Xuất thân từ gia đình làm nông, cuộc sống vất vả không khiến chị Hồng có ý định rời xa quê hương, mà đó là động lực giúp chị say mê hơn với nông nghiệp. Chính vì khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp, chị quyết định thi vào khoa Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Khi còn là sinh viên, chị Nguyễn Thị Hồng đã thích nghiên cứu về nấm. Một lần tìm kiếm tài liệu trên mạng, chị biết đến đông trùng hạ thảo, ngạc nhiên khi nó có tới hơn 20 công dụng, lại hiếm và đắt đỏ. Khi đó, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Với sự tò mò và đầy hứng thú chị Hồng đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo.

Chị Hồng chia sẻ: “Năm 2003, khi còn là cô sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi có tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Thời điểm ấy, các tài liệu về nấm Linh Chi ở Việt Nam rất ít, tôi phải mày mò lên mạng để đọc và dịch các tài liệu nước ngoài về loại nấm này. Nhưng tình cờ toàn bộ các tài liệu tìm được đều là tài liệu về đông trùng hạ thảo. Tôi cảm thấy đề tài về đông trùng hạ thảo này quá hay nên quay sang đọc và tìm hiểu. Lúc ấy tôi còn chẳng biết đông trùng hạ thảo là gì. Nhưng càng đọc càng thấy nó có nhiều tác dụng, mà Việt Nam lại chưa có nơi nào sản xuất được, nên quyết tâm theo đuổi".

Kỹ sư Nguyễn Thị Hồng bên sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình
Nữ tỉ phú nông dân Nguyễn Thị Hồng bên sản phẩm đông trùng hạ thảo do mình cấy ghép

Con đường gian nan 

Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Hồng làm nhân viên kỹ thuật trong nhà máy bia. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, chị xin nghỉ, về nhà làm công việc yêu thích thuở nhỏ (trồng nấm) trên diện tích đất 10.000 m2 của gia đình, đồng thời nghiên cứu nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.

Với 6 năm nghiên cứu tài liệu, năm 2009 chị Hồng quyết định mua giống về nuôi cấy. Sau nhiều lần nhờ người thân mua giống ở Nhật Bản, Hàn Quốc không được. Để có nguồn giống, chị Hồng phải lặn lội sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua. Giá rất đắt, 5 triệu đồng cho 1 lọ giống bé bằng 2 ngón tay. Cũng chính từ lọ giống này, chị đã mày mò nghiên cứu ra các chất giống hệt loài nhộng tằm mà đông trùng hạ thảo thường ký sinh ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, toàn bộ bào tử nấm cấy vào thân nhộng đều không phát triển được. Sau vài ngày thì số nhộng cũng chết hết. Không từ bỏ, chị tiếp tục sang Trung Quốc mua tiếp 10 lọ giống, rồi nhân ra hàng ngàn lọ phôi nấm, song cuối cùng vẫn thất bại vì phôi nấm chết hàng loạt.

Chị Nguyễn Thị Hồng (bên phải) trao đổi kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo với đồng nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hồng (bên trái) trao đổi kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo với đồng nghiệp.

Bán nhà bán xe để nuôi đam mê

Năm 2012, sau khi thử nghiệm đông trùng hạ thảo thành công, chị Hồng quyết định bán một mảnh đất, vay ngân hàng thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, điều chị không hình dung được là trồng đông trùng quy mô phòng thí nghiệm khác với sản xuất đại trà. Những mẻ nấm liên tiếp thất bại. 

Chị Hồng cho biết: “Do đông trùng hạ thảo là loại rất khó nuôi, trong khi mình thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên những mẻ nuôi cấy đông trùng hạ thảo bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải từng ngày. Có thời điểm cả chục ngàn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỉ đồng". 

Mất cả tỉ đồng, những đêm đó, bà chủ trẻ gần như không ngủ. Cứ hai giờ sáng, chị dùng xe máy chở gần 2 tạ nấm ăn ở vườn nhà, mang đi bán khắp các chợ đầu mối Hà Nội để lấy tiền chi tiêu cho gia đình.

Thiếu thốn tài chính, để có không gian nuôi cấy đông trùng hạ thảo, chị không ngần ngại bán mảnh đất mặt đường dự định xây tổ ấm để lấy tiền mua trang thiết bị công nghệ cùng giống nấm gốc vào trong làng mở xưởng. Khó khăn nhất là năm 2013, đến ngày đi sinh con thứ 3, vợ chồng chị Hồng không một xu dính túi, phải cắm chiếc xe máy để lấy tiền sinh con.

"Sau lần đó, tôi nghĩ bằng mọi cách tôi phải tìm ra nguyên nhân khiến nấm chết. Chỉ có nuôi cấy thành công loài nấm này số lượng lớn mới có thể trả được món nợ hàng tỉ đồng đã vay mượn đầu tư vào đây", chị Hồng tâm sự.

Sau nhiều lần thất bại, chị lại miệt mài đi tìm nguyên nhân khiến nấm chết. Làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng, chị vỡ lẽ là do giống bị thoái hóa, chỉ cần thời gian chênh nhau 1–2 ngày cũng làm kết quả ngược lại hoàn toàn. Tìm ra nguyên nhân thì việc khắc phục dễ hơn nhiều. Rút kinh nghiệm, chị điều chỉnh lại các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Nhờ đó những lọ phôi giống của đã sống và bắt đầu mọc lên những cây nấm màu vàng. 

Đông Trùng Hạ Thảo 'Made in Việt Nam' tại xưởng của chị Hồng.
Đông trùng hạ thảo "Made in Việt Nam" tại xưởng của chị Hồng

Đến với thành công đông trùng hạ thảo "Made in Việt Nam"

Hiện tại, chị Hồng đã chủ động được nguồn giống đông trùng hạ thảo. Đây là giống bản địa được lấy ở Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Fansipan. Giống bản địa này có khả năng sinh tồn tốt, ít bị thoái hoá, quan trọng hơn hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu khởi nghiệp.

Chia sẻ về quá  trình tìm giống gốc đông trùng hạ thảo, chị cho hay: "Chúng tôi tìm ở những dãy núi có độ cao khoảng 2.200 – 2.800 mét. Dựa vào độ cao, độ ẩm, quan trắc các chỉ tiêu khí hậu… chúng tôi đánh giá khả năng có tìm được đông trùng hay không? Chúng tôi tìm từ trong các rừng già đến vùng ven suối, ven hồ… Nhiệt độ để đông trùng phát triển được là từ 15 – 250C, trong đó nhiệt độ lý tưởng cho đông trùng sinh trưởng tốt nhất là 18-220C.

Chính vì vậy, chúng tôi chọn thời điểm là tháng 3 và tháng 10 tiết trời mát mẻ để đi Hoàng Liên Sơn tìm giống đông trùng bản địa. Thời điểm này, nấm đông trùng bắt đầu cho thu hoạch, bào tử bắt đầu hình thành, rất thích hợp cho việc làm giống. Đến nay, chúng tôi đã tìm được 115 chủng giống đông trùng ở Hoàng Liên Sơn. Trong 115 chủng giống này, có những chủng giống có hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10mg/g."

Đến nay, chị Hồng đang đẩy mạnh việc nhân nuôi sản phẩm, mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000 m2; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

"Mỗi năm chúng tôi cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu phôi giống cho các cơ sở vệ tinh ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, chúng tôi xuất bán từ 20 -30 tấn đông trùng hạ thảo. Trong đó, 50% số sản phẩm được cung cấp cho các công ty chế biến dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu sang các nước, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan, Singapore… 20% sản phẩm được công ty tiêu thụ trong nước, dưới dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp". nữ tỉ phú thông tin.

Hiện tại, doanh thu từ đông trùng hạ thảo của chị Hồng là 40 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 100 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, chị Hồng còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên và giúp nhiều người khởi nghiệp thành công từ trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo 'made in Việt Nam' tạo việc làm cho gần 100 lao động thường xuyên.
Đông trùng hạ thảo 'made in Việt Nam" tạo việc làm cho gần 100 lao động thường xuyên.

Chị Hồng tự nhận là một người phụ nữ khá may mắn khi được sống với đam mê, theo đuổi và chinh phục đông trùng hạ thảo. Hơn nữa, chị Hồng đã được nhận được sự đồng hành của gia đình. 

“Bán mấy mảnh đất để theo đuổi đam mê mà gia đình không phàn nàn kêu ca. Ông xã tôi vốn là giáo viên nhưng đã từ bỏ nghề giáo, cùng vợ gánh vác quản lý 2 cơ sở sản xuất nuôi cấy đông trùng. Hiện nay, cơ sở đông trùng ở Đà Lạt do chồng tôi quản lý chính. May mắn nữa của tôi đó là có các con thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương bố mẹ. ”.

Được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021

Với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh, kết hợp với trang thiết bị máy móc hiện đại trong nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng là một trong 63 tấm gương nông dân điển hình tiên tiến và là một trong chín nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 có doanh thu khủng nhất - trên 40 tỉ đồng/năm.

Chị Hồng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động vì quá trình cố gắng trong suốt mười mấy năm đã được ghi nhận. Tôi muốn phát triển nghề trồng nấm đông trùng và lan toả đến người nông dân, cứ cố gắng làm, cố gắng nghiên cứu khoa học thì kiểu gì cũng tới đích.”

Ngọc Linh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI