Hà Nội: Nồm ẩm kéo dài, lo bệnh đông xuân “vào mùa”

06/02/2023 - 06:58

PNO - Liên tục những ngày qua, Hà Nội và một số khu vực Bắc Bộ rơi vào tình trạng mưa phùn, nồm ẩm.

 Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nồm ẩm xuất hiện khi độ ẩm tăng cao trên 85% kèm mưa phùn. Dự kiến tình trạng này còn kéo dài, bởi từ ngày 6 - 11/2, tại Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác. Trong khi đó, nhiều thời điểm tại Hà Nội, độ ẩm không khí lên tới 95 - 97%. Điều này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn tác động tới sức khỏe của người dân. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) - cho biết, thời tiết lạnh ẩm là một trong những điều kiện thuận lợi để nhiều căn bệnh đông xuân “vào mùa”, phổ biến nhất chính là cúm mùa. Những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm tới thăm khám và hiện có 3 trường hợp phải điều trị nội trú.  

Nhập viện trong tình trạng liên tục sốt cao, anh N.P.H. (sinh năm 1972) rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ. Nam bệnh nhân chia sẻ, những ngày đầu, toàn thân đau nhức, mỏi như “vừa bị đánh”, kèm đau đầu, ớn lạnh… Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc cúm A cùng đợt viêm cấp gan B mạn nên phải điều trị, theo dõi. 

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh cảnh báo, thời tiết lạnh và nồm ẩm đi kèm ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày gần đây là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm phát triển. “Khi chuyển giao mùa đông xuân là lúc chúng ta cần phải phòng tránh bệnh cúm. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây tổn thương phổi rất nhanh, từ đó dẫn tới tử vong”, bác sĩ Anh nhấn mạnh. 

Ngoài cúm mùa, độ ẩm không khí cao khiến hơi nước tụ khắp sàn nhà, cửa kính... là những yếu tố khiến vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, là nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh khác như sởi, thủy đậu, các bệnh hô hấp... có nguy cơ gia tăng. Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, vi rút kém nên dễ nhiễm bệnh. Để phòng ngừa bệnh, các chuyên gia cho biết, các hộ gia đình có thể sử dụng thêm máy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ hút ẩm. Nên hạn chế dùng thảm trải sàn trong những ngày nồm ẩm vì dễ bị ẩm mốc, gây kích ứng đường thở và nhiều bệnh khác. 

Đặc biệt, tiêm vắc xin phòng bệnh là một trong những việc không thể bỏ qua. Bác sĩ Trần Thị Kim Anh nhấn mạnh, người dân nên tiêm chủng đầy đủ với các bệnh đã có vắc xin dự phòng. “Bệnh sởi rất dễ lây, không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Anh nói.

Huyền Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI