Hà Nội: Nhiều shipper bị phạt vì không đăng ký

28/07/2021 - 06:28

PNO - Sau ba ngày thực hiện giãn cách xã hội, tính đến ngày 27/7, số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 1,5 tỷ đồng, nhiều người bị phạt là shipper.

Hà Nội đã cấm các hình thức vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện mô tô hai bánh không đăng ký sau khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều shipper đã bị phạt do vi phạm quy định.

Do cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu nên không ít nơi xảy ra vướng mắc khi vận chuyển, cung ứng hàng hóa trong những ngày giãn cách chống dịch ẢNH: NHẬT THANH
Do cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu nên không ít nơi xảy ra vướng mắc khi vận chuyển, cung ứng hàng hóa trong những ngày giãn cách chống dịch ẢNH: Nhật Thanh

Theo đề xuất của Sở Công Thương, để đảm bảo lưu thông hàng hóa, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép cho 2.200 nhân viên giao hàng của bưu chính và một số sàn thương mại điện tử. 

Trong ngày đầu kiểm soát việc chấp hành quy định giãn cách (26/7), Công an TP.Hà Nội đã xử phạt nhiều trường hợp shipper hoạt động tự do, không đăng ký, không có giấy xác nhận. Thiếu tá Chu Đình Cường - Cảnh sát trật tự Công an P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội - cho biết: “Trong ngày 26/7, chúng tôi đã xử phạt nhiều tài xế giao hàng hoạt động tự do. Mặc dù có giải thích nhưng nhiều trường hợp chống đối, không hợp tác với nhiều lý do khác nhau”. 

Thiếu tá Cường cho biết thêm, cá biệt có trường hợp tài xế mặc đồng phục Grab không đăng ký hoạt động nhưng nhất quyết không ký biên bản xử phạt. Sau khoảng ba tiếng đồng hồ vận động, thuyết phục không có kết quả, Công an P.Khương Mai đã cưỡng chế cả người và phương tiện về trụ sở để xử phạt theo quy định.

Có mặt tại điểm kiểm soát trên phố Quang Trung (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi nhận thấy có bốn tài xế giao hàng công nghệ bị tổ công tác P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm tạm giữ. Một cán bộ công an cho biết, những người này trong lúc chờ lấy hàng đã đứng tập trung thành nhóm nói chuyện, cả bốn người không xuất trình được giấy đăng ký hoạt động. “Trong đó có hai người thiếu đăng ký xe, giấy phép lái xe nhưng không hợp tác, gây mất nhiều thời gian xử lý”, cán bộ này cho biết.

Anh Bùi Văn Quý - nhân viên giao hàng một công ty dược phẩm trên phố Nguyễn Lân, P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân - cho biết trên đoạn đường khoảng 5km từ Phan Đình Giót đi Nguyễn Chí Thanh anh đã phải dừng lại tới bốn lần để xuất trình giấy tờ cho lực lượng chức năng.

Theo báo cáo của Công an TP. Hà Nội, sau ba ngày thực hiện giãn cách xã hội, tính đến ngày 27/7, số tiền phạt vi phạm hành chính phòng, chống dịch bệnh lên đến hơn 1,5 tỷ đồng, nhiều người bị phạt là shipper. 

TPHCM: Nhiều ứng dụng bán hàng online, đi chợ hộ dừng hoạt động 

Ứng dụng gọi xe Be tạm ngưng dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TP.HCM từ 10g ngày 27/7 đến 1/8/2021 hoặc đến khi có thông báo mới. Grab cũng thông báo chỉ hoạt động những dịch vụ này trong khung giờ từ 6g đến 17g mỗi ngày tại TP.HCM và chỉ nhận giao hàng thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế. 

AEON Việt Nam thông báo tạm dừng hoạt động các kênh mua sắm online với lý do việc tìm kiếm shipper giao hàng cho các đơn online trong ngày 26/7 gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều shipper đã tắt ứng dụng hoặc hạn chế nhận đơn do việc di chuyển gặp trở ngại khi phải qua nhiều chốt kiểm soát trong thành phố. Các hệ thống siêu thị LOTTE Mart, GO!, Tops Market, Big C… thì vẫn nhận đơn hàng online, tuy nhiên khi số lượng đơn đặt quá nhiều, siêu thị sẽ tạm ngưng nhận đơn hàng mới, đến khi giải quyết xong các đơn hàng cũ thì ứng dụng mới được mở lại.

“Chúng tôi mong các sở, ban, ngành và UBND Thành phố quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa, thực phẩm được lưu thông phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trong giai đoạn này. Đồng thời đối với nhân viên thuộc các hệ thống bán lẻ, AEON Việt Nam rất mong thành phố xem xét ban hành cơ chế cho phép đội ngũ nhân viên của hệ thống phân phối bán lẻ di chuyển thuận lợi qua các khu vực chốt kiểm soát, đảm bảo công việc được duy trì để phục vụ nhu cầu của người dân”, đại diện AEON Việt Nam kiến nghị.

Ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành AhaMove - cho biết lực lượng shipper của công ty đã giảm khoảng 20% trong hai ngày qua và có thể sẽ còn giảm tiếp vì việc giao hàng khó khăn, nhiều tài xế ngại ra đường. Nhiều đơn hàng của các đối tác siêu thị, cửa hàng phải chờ lâu hơn mới có tài xế giao hàng vì tài xế phải đi cung đường dài hơn, qua nhiều chốt chặn. Do đó, giá cước giao hàng cũng tăng cao hơn so với bình thường, lúc cao điểm có thể tăng gấp đôi.

Nhật Thanh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI