Lúc đó, cả nước có 6 ổ dịch thì cả 6 ổ đều nằm ở huyện này. Thế nhưng suốt nhiều ngày sau đó, lợn vẫn tiếp tục chết, người dân mang chôn hoặc khiêng vứt ở bãi rác và tự mua vắc-xin chích cho những con ốm. Đến khi dịch bung ra, cán bộ thú y lại bảo do dân không khai báo.
Vắc-xin không đến tay người chăn nuôi
Hộ bà Hồ Thị Bảy - ở thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, H.Bà Vì - có 70 con lợn. Khi xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM), đàn lợn nhà bà bị “dính” dịch. Bà phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhưng vẫn bị chết gần chục con, loại lợn thịt sắp xuất chuồng. Suốt đợt rét mướt, đêm nào bà cũng chong đèn, đợi đàn lợn ngủ say mới rón rén đi pha thuốc, mang xuống chuồng lợn bôi cho từng con, bôi 3-4 lần/đêm. Con nào đau chân, không đứng dậy được, bà mang cám đến tận nơi cho ăn. Sau đợt rét, đàn lợn của bà khỏe hơn, bà không phải chăm bón đêm hôm cho chúng nữa.
|
Theo người dân, khi dịch lở mồm long móng hoành hành, họ không thấy bóng dáng cán bộ thú y - Ảnh: H.A.
|
Nhà ông Nguyễn Văn Bắc ở gần đó cũng có đàn lợn 70 con; những ngày dịch LMLM hành, móng lợn rơi rụng khắp chuồng, không con nào đứng dậy được. Cũng may, lợn nhà ông Bắc không chết con nào. Cả gia đình bà Bảy và ông Bắc đều tự mua vắc-xin về tiêm, mua thuốc về bôi cho đàn lợn. Bà Bảy cho biết, những ngày có dịch, bà “không thấy thú y hỏi han gì, không có hoạt động tuyên truyền phòng dịch nào”. Con gái bà Bảy - chị Nguyễn Thị Chung - than: “Chúng tôi phải tự xoay xở, lợn mắc bệnh thì mua thuốc về chữa, chết thì đem chôn, nhà nào không chôn được thì mang ra bãi rác vứt”.
Gia đình bà Bảy nuôi lợn hơn chục năm, riêng đàn lợn nái lúc nào cũng 10-20 con, nhưng chưa bao giờ được nhận hỗ trợ vắc-xin. Nhà ông Bảy và nhiều hộ chăn nuôi lợn khác cũng không được hỗ trợ vắc-xin, trong khi năm nào, ngành thú y H.Ba Vì cũng được TP.Hà Nội đều đặn cấp vắc-xin LMLM để tiêm phòng dịch cho cả đàn lợn lẫn trâu bò và cấp hóa chất để vệ sinh, sát trùng. Chị Chung cho biết, chỉ có một lần, cán bộ thú y của xã thông báo bà con ra nhận thuốc sát trùng, nhưng ra đến nơi, chỉ có vỏn vẹn 10 chai, không đủ để chia.
Cán bộ vẫn nói “đàn lợn rất an toàn”
Trong những ngày dịch LMLM đang “nóng” nhất, cán bộ xã Tản Lĩnh khẳng định “dịch bệnh không đại trà, do chúng tôi làm công tác rất tốt nên dịch không bùng phát, lợn không chết nên không phải tiêu hủy”. Cán bộ của Chi cục Thú y TP.Hà Nội thì bảo “đàn lợn nái và lợn giống rất an toàn”. Khi dịch LMLM xuất hiện ở H.Ba Vì từ trước đó, Trạm Thú y H.Bà Vì báo cáo có 261 con lợn của 19 hộ thuộc 6 xã của huyện chết vì LMLM (từ ngày 8/11-5/12), nhưng sau đó chưa đầy 20 ngày, cán bộ trạm này lại bảo đã khống chế được dịch bệnh, dù lợn chết vì LMLM ở riêng xã Tản Lĩnh đã thối um bãi rác.
Chuyện lợn chết, lợn LMLM xôn xao khắp trong làng ngoài xã, nhưng người dân khẳng định, suốt một thời gian dài, không có bất cứ cán bộ nào đến nắm bắt tình hình hay hướng dẫn bà con cách phòng, chống bệnh dịch, cũng không đến lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm xem vi-rút LMLM ở địa phương là thuộc loại nào để bà con biết đường mà mua đúng vắc-xin. Bà con cứ thấy lợn lăn ra ốm thì tự chẩn bệnh, tự mua thuốc về cứu đàn lợn nhà mình.
Trả lời chúng tôi, một vị cán bộ thú y cho rằng, dân phải thông báo, cán bộ thú y mới biết. Ông này cho rằng, dân không thông báo vì sợ lợn của mình bị đưa đi tiêu hủy, tiền đền bù tiêu hủy rẻ hơn nhiều so với tiền bán lợn. Họ giữ lợn có dấu hiệu bị LMLM lại vì hy vọng có thể chữa trị khỏi để bán vào dịp tết với giá cao.
Vì sao lợn chết mà không báo chính quyền, cán bộ thú y? Nghe chúng tôi đặt câu hỏi, gia đình bà Bảy kể, 10 năm trước, nhà ông Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn có đàn vịt bị nhiễm bệnh dịch, ông báo lên thú y xã xin được hỗ trợ tiêu hủy nhưng cán bộ thú y không đến, cũng chẳng thấy ai đến hỗ trợ tiền sau khi ông tự tiêu hủy. Thế là từ đó, hễ gia súc, gia cầm chết, người dân không thông báo nữa.
Chưa phát hiện ổ dịch ở TP.HCM
Ngày 27/12, ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - cho biết, dịch LMLM hiện đang bùng phát ở nhiều địa phương, nhưng ở phía Nam, chỉ có tỉnh Tiền Giang công bố dịch (xảy ra ở H.Cai Lậy). Hiện TP.HCM vẫn kiểm soát tốt, chưa phát hiện ổ dịch. Chi cục đang phối hợp với các trạm thú y quận, huyện tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến cộng đồng, đồng thời tiêm phòng đàn gia súc, phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, các trạm kiểm dịch động vật - là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ông Phát, vào cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân tăng cao, nên gia súc từ các nơi đổ về TP.HCM cũng gia tăng. Do vậy, nếu lơ là, không kiểm soát chặt chẽ, dịch bệnh sẽ có nguy cơ lây lan. Ông Phát khuyến cáo, dù bệnh LMLM không lây từ gia súc qua người, nhưng để an toàn cho sức khỏe, người dân cần chọn lựa thịt có thương hiệu, rõ nguồn gốc và có đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
Thùy Dương
|
Ngọc Minh Tâm