Hà Nội lấy quỹ đất từ nhà máy ô nhiễm làm công viên

01/10/2020 - 08:15

PNO - Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, lấy quỹ đất cho các công trình công cộng là chủ trương đã được luật hóa và cũng là mong đợi của người dân thủ đô.

Ngay sau khi có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch di dời nhà máy khỏi nội đô, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 74/2003 để thực hiện.

Đến năm 2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 12, nêu rõ năm 2020 là hạn chót hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất. Cùng năm này, Luật Thủ đô ra đời, quy định quỹ đất sau khi di dời các nhà máy sẽ được ưu tiên dùng phát triển các công trình công cộng.

Nhà máy Rạng Đông
Nhà máy Rạng Đông bị cháy gây ô nhiễm môi trường

Theo đó, đến năm 2020, TP. Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ở 12 quận ra khỏi nội thành. Theo khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) trong tháng 5 và 6/2020 với 512 người dân sống ở TP. Hà Nội, gần 60% ý kiến cho rằng, không gian sống của họ đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy, trong đó mức độ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí độc hại chiếm gần 81%.

Đặc biệt, hơn 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Cũng theo khảo sát này, đa số người dân được hỏi muốn thay thế nhà máy bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). 92% người dân được hỏi cho rằng, không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Cảm nhận của người dân cũng tương đồng với đánh giá của các chuyên gia đô thị rằng, TP. Hà Nội đang thiếu trầm trọng diện tích cây xanh, hồ nước… Trung bình, mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng.

Đáng chú ý, con số này rớt xuống còn 30cm2/người ở khu vực phố cổ, Q.Hoàn Kiếm. Trong khi đó, chuẩn về không gian công cộng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của các thành phố lớn trên thế giới là 9m2/người.

Các chuyên gia đã đề xuất giải pháp từ quỹ đất di dời nhà máy, cơ sở sản xuất. Theo đó, chính quyền thành phố cần tận dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời để ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng.
Thực tế, dù sắp hết năm 2020, hàng loạt nhà máy vẫn đang “cố thủ” trong nội thành Hà Nội.

Tháng 10/2019, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô, trong đó nêu rõ, tiến độ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho UBND thành phố để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng theo quy định của Luật Thủ đô.

Còn theo khảo sát mới đây của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời ở quận Hai Bà Trưng và Q.Thanh Xuân, mới có 21/39 nhà máy đã di dời và có tới 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề. 

Hà Nội đang bị “ngộp thở” bởi mật độ dày đặc các chung cư, cao ốc. Người dân thủ đô đang mong chờ không gian xanh mọc lên từ những nhà máy cũ. 

Lạc Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI