Hà Nội: Làn đường riêng cho xe đạp - khó cũng phải làm

16/09/2022 - 06:41

PNO - Theo kế hoạch của TP.Hà Nội, sẽ có làn đường dành riêng cho xe đạp. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của Hà Nội đang quá tải, phương tiện di chuyển chính của người dân hiện là xe máy và ô tô, xe đạp chỉ chiếm tỷ lệ rất ít.

Sử dụng xe đạp để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe. Đây là lý do mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các thành phố đông dân được khuyến khích và tạo điều kiện để người dân sử dụng xe đạp. Nước ta cũng đang hướng đến xu hướng hiện đại, văn minh này. Nhưng điều kiện thì còn rất khó khăn và cần phải có lộ trình.

Tình trạng kẹt xe ở Hà Nội vẫn chưa được giải quyết nên hiện tại rất khó để có thể phân luồng riêng cho xe đạp
Tình trạng kẹt xe ở Hà Nội vẫn chưa được giải quyết nên hiện tại rất khó để có thể phân luồng riêng cho xe đạp

Xe đạp lép vế hơn xe máy, ô tô 

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - thông tin, ngày 5/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, có giao năm thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nhiệm vụ, trong đó có việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Và ý tưởng này đã được TP.Hà Nội đưa ra trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 mới đây.

“Theo kế hoạch của TP.Hà Nội, sẽ có làn đường dành riêng cho xe đạp. Sở Giao thông Vận tải được giao chủ trì phối hợp với công an và các sở, ngành, UBND các quận huyện nghiên cứu đề xuất, triển khai” - ông Trần Hữu Bảo thông tin thêm.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của Hà Nội đang quá tải, phương tiện di chuyển chính của người dân hiện là xe máy và ô tô, xe đạp chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, phương tiện vận tải công cộng cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 12 - 15% nhu cầu đi lại, vào mùa hè nhiệt độ có lúc lên tới 400C. Cho nên, Hà Nội thiếu đi những điều kiện để phát triển xe đạp. 

Những khó khăn khác, nói như tiến sĩ Phan Lê Bình (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA): Nhiều nước trên thế giới thường chừa khoảng 1m đường phía lề bên phải dành cho xe đạp. Nhưng việc thí điểm này ở Hà Nội sẽ rất khó khăn, vì người dân hầu hết đều không quan tâm và sẵn sàng lấn làn. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - giảng viên Trường đại học Giao thông Vận tải - cho rằng, diện tích đất dành cho giao thông ở thủ đô đang thấp, nếu tách làn riêng cho xe đạp có thể khiến người sử dụng phương tiện khác không hài lòng.

Dù khó, nhưng phải nỗ lực vì tương lai 

Với thực tế giao thông và hạ tầng giao thông tại Hà Nội như vừa nêu, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt vẫn nên để lưu thông hỗn hợp, tức xe đạp, xe máy và xe buýt chung một làn đường, ô tô một làn đường, đồng thời tập trung phát triển vận tải công cộng với ưu tiên số 1 cho đường sắt đô thị. Sau nhiều năm nữa, khi mạng lưới đường sắt đô thị và xe buýt đã hoàn chỉnh, có thể xem xét đến việc tăng tính kết nối từ các khu dân cư đến các đầu mối vận tải công cộng bằng xe đạp. 

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy vẫn cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường thích hợp để triển khai làn dành riêng cho xe đạp. Đó là các tuyến đường rộng 25m, có 4-5 làn xe trở lên và có sự liên thông với các tuyến khác. Ngoài ra, thành phố cần phải có khảo sát, thống kê lượng xe đạp hằng ngày và đánh giá lại việc phát triển xe đạp công cộng đã được thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đề xuất chọn mở làn riêng cho xe đạp ở những khu đô thị mới, hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ để tránh xung đột, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, có lộ trình rõ ràng đối với việc mở làn riêng cho xe đạp ở từng tuyến đường.

Ông Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm: “Xe đạp kết nối rất tốt giữa xe buýt với đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, kết nối rất thuận tiện các phương tiện với nhau ở cự ly ngắn. Cho nên, Hà Nội nên phát triển mạng lưới để người dân thuận tiện khi đi xe đạp. Trước hết cần cải tạo cầu bộ hành qua đường để có thể sử dụng cho cả xe đạp, xe lăn; tạo thêm nhiều điểm trông giữ xe đạp, cho thuê xe đạp công cộng xung quanh nhà ga, nhà chờ của mạng lưới vận tải công cộng. Đặc biệt, phải có lộ trình và từng bước bố trí làn riêng cho xe đạp. Dù khó khăn nhưng phải nỗ lực vì trong tương lai xe đạp cần được phát triển”. 

Nam Việt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI