Hà Nội: Gia tăng bệnh về da

20/09/2024 - 06:29

PNO - Những ngày gần đây, các bệnh viện tại TP Hà Nội thông báo tiếp nhận nhiều ca bệnh liên quan tới các bệnh về da.

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho hay, số lượng bệnh da tăng khoảng 30% so với các thời điểm khác trong năm. Tương tự, Khoa Da liễu và Bỏng, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều ca bệnh khám về da, trong đó chủ yếu là nấm da, viêm da tiếp xúc, viêm kẽ, nhiễm trùng da… Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tại các khu vực ngập lụt vừa qua, có 667 bệnh nhân mắc bệnh về da, tiêu hóa và mắt. Trong đó, bệnh về da chiếm hơn 76% với hơn 500 ca.

do độ ẩm tăng, nhiều nơi ngập lụt, cơ thể phải tiếp xúc thường xuyên với nước và rác thải khiến các bệnh về da, đặc biệt là nấm, ghẻ phát triển mạnh
Do độ ẩm tăng, nhiều nơi ngập lụt, cơ thể phải tiếp xúc thường xuyên với nước và rác thải khiến các bệnh về da, đặc biệt là nấm, ghẻ phát triển mạnh

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu phân tích, do độ ẩm tăng, nhiều nơi ngập lụt, cơ thể phải tiếp xúc thường xuyên với nước và rác thải khiến các bệnh về da, đặc biệt là nấm, ghẻ phát triển mạnh. Trong đó, bệnh ghẻ thường xuất hiện các nốt ở kẽ ngón tay, ngón chân, gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Bệnh hay ngứa về đêm và đặc biệt lây lan cho những người trong gia đình, có thể biến chứng nhiễm trùng hoặc chốc hóa. Ngoài ra, một số bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương còn xuất hiện tình trạng đỏ ngứa, bong vảy do da tiếp xúc với hóa chất và kim loại ngâm trong nước.

Theo bác sĩ Phan Nữ Thục Hiền - Khoa Da liễu và Bỏng, Bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh về da cũng thường gặp sau mưa lũ, ngập lụt là ấu trùng xâm nhập qua da hay còn gọi là bệnh ấu trùng di chuyển. Bệnh do ấu trùng giun sán có trong nước lũ xâm nhập vào da. Bệnh có tổn thương da đặc trưng là ban đỏ hình dải vằn vèo hoặc hình lượn sóng, di chuyển kèm theo ngứa rất dữ dội. Những tổn thương của bệnh có thể trở nên tràm hóa, đóng vảy tiết hoặc nhiễm trùng thứ phát…

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu cảnh báo, hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện thì tình trạng đã trầm trọng. Trước đó, bệnh nhân thường tự ý mua thuốc, dùng các phương thức không phù hợp như tắm lá, chà xát nhiều, mua các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc. Điều này khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có bệnh về da, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám. Người dân cũng nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách giữ da khô ráo và sạch sẽ; tránh để da tiếp xúc với nước lũ, nước đọng. Sử dụng quần áo dài tay, chất liệu thấm hút tốt và giày dép chống thấm để tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn. Khi có các vết thương hở, cần băng kín, tránh tiếp xúc với nước bẩn gây nhiễm trùng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI