Vào ngày 30/11, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 4 thế giới, chỉ sau 2 thành phố của Ấn Độ và thành phố Karachi của Pakistan.
Theo đó, chỉ số US AQI tại Hà Nội được ghi nhận ở mức 190.
Nồng độ PM2.5 (chất gây ô nhiễm) tại Hà Nội hiện cao gấp 26.4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Hiện nay miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán trong phạm vi rộng.
Hơn nữa, việc đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp của người dân ngoại thành cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm phức tạp, khiến ô nhiễm không khí diễn biến xấu.
Cảnh báo ở ứng dụng đo chất lượng không khí khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài. Ngoài ra, nên đeo khẩu trang cũng như cần có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là người già, trẻ em và những người mắc các bệnh về hô hấp. Người dân nên thường xuyên theo dõi về chất lượng không khí, đóng kín cửa nhà, dùng hệ thống lọc không khí...
Bên cạnh đó, các công trình thi công dở như hầm chui Khuất Duy Tiến, dự án nhà máy nước thải Yên Xá, hàng loạt vỉa hè và mặt đường bị cào xới để làm lại khiến tình trạng ô nhiễm thêm nghiêm trọng.
Hình ảnh Hà Nội mịt mù trong ngày 30/11.
Bụi mịn tung trời trắng xóa và bám cả vào cây cối bên đường thành từng lớp dày.
Theo ứng dụng IQAIR, hiện tại, khu vực có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất tại Hà Nội là ở khu vực Quảng Khánh (Tây Hồ, Hà Nội) với chỉ số lên tới 245.
Bầu trời Hà Nội mịt mù tưởng như sương mù nhưng thực chất là bụi mịn.
Người dân được khuyến cáo cần chú ý sức khỏe, thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ứng dụng sức khỏe, môi trường...