Hà Nội di dời các chợ bị đóng cửa ra những khu đất trống

02/08/2021 - 21:15

PNO - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn hàng, điều phối hàng hoá trên địa bàn.

Sở Công thương đang rà soát các khu đất trống để di dời những chợ bị đóng cửa ra khu vực thông thống.
Sở Công thương đang rà soát các khu đất trống để di dời những chợ bị đóng cửa ra khu vực thông thoáng

Chiều tối ngày 2/8, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương - cho biết trong những ngày qua, các cơ sở trong lĩnh vực phân phối như chợ, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có trường hợp F0 và một số nơi đã phải đóng cửa, đặc biệt như 2 chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối Long Biên cũng phải đóng cửa một phần chỗ kinh doanh thủy hải sản. Liên quan đến các ca F0 ở Công ty Thanh Nga, 8 siêu thị và 15 cửa hàng tiện lợi phải tạm thời đóng cửa.

Bà Lan nhận định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao trong hệ thống phân phối trên địa bàn vẫn có khả năng diễn ra khi người dân vẫn tiếp tục đến mua sắm. Bà Lan đề nghị các quận, huyện thông tin nhanh về sở để phối hợp xử lý, tránh tình trạng không phối hợp kịp thời dẫn đến xử lý dịch chậm hoặc điều phối hàng hóa cho người dân lúng túng. 

Đối với phương án đảm bảo hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân, bà Lan thông tin, Sở Công thương đang xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cũng như điều phối hàng hóa trên địa bàn với 3 nội dung chính: Đảm bảo nguồn cung như thế nào; khối vận chuyển hàng hóa khi dịch bùng phát mạnh như thế nào và đảm bảo lưu thông hàng hóa, hệ thống hoạt động.

Đối với các chợ hiện nay chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, các quận, huyện cần chỉ đạo giãn cách các quầy hàng để đảm bảo khoảng cách mỗi quầy hàng 2m. Tiếp tục rà soát các khu vực đất trống, di dời các chợ bị đóng cửa ra phía ngoài để đảm bảo sự thông thoáng không bị ô nhiễm và đảm bảo cho những hộ không bị cách ly F1, F2 có thể tiếp tục được kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Đối với các hệ thống bán lẻ hiện tại, Sở Công thương đã phối hợp với các quận, huyện rà soát được 2.500 điểm bán lưu động, sẵn sàng để các hệ thống phân phối di chuyển về những địa điểm mà các quận, huyện đã cung cấp thông tin. Hiện nay đã có một số quận đang triển khai và hình thức này hiệu quả để đảm bảo có hệ thống phục vụ thường xuyên.

Bà Lan cũng đề nghị phương án, với các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa thì sở cùng các lực lượng chức năng sẽ vận động doanh nghiệp mở bán các mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Nhật Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI