Hà Nội đề xuất tuyển dụng nhân tài không qua thi tuyển, xếp lương

20/09/2023 - 10:52

PNO - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo… để thu hút nhân tài.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật có chính sách để đẩy mạnh việc thu hút nhân tài

Tăng chính sách thu hút nhân tài
Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung mới về chính quyền thủ đô.

Cụ thể như, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền TP thuộc TP Hà Nội.

Theo nội dung tờ trình, Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội…

Cán bộ, công chức của Thủ đô được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền. Ngoài ra, để thu hút nhân tài, Hà Nội đề xuất tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải đầu tư "ra tấm, ra món" để đào tạo, thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, Hà Nội phải cụ thể hóa thêm các chính sách. "Thu hút là một chuyện nhưng có rồi thì phải phát triển như thế nào?" - ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Cơ chế chưa đủ mạnh

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cho rằng, các cơ chế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đủ mạnh

Phó chủ tịch Quốc hộNguyễn Đức Hải cho rằng, các cơ chế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đủ mạnh

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

“Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP Hà Nội và HĐND quận, thị xã, nâng cao chất lượng đại biểu dân cử để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Liên quan tới nội dung tăng thêm biên chế của Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, quy định của dự thảo Luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP Hà Nội là của cơ quan nào.

Đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, các cơ chế đưa ra trong dự luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đủ mạnh, chưa đủ đặc biệt. Hiện các cơ chế chính sách đặc thù đã có ở nhiều địa phương nhưng nếu áp dụng cho Thủ đô thì vẫn ở “dưới tầm”. Theo ông, trước đây, Thủ đô đã đột phá mở rộng quy mô địa lý hành chính thì bây giờ cần phải có các chính sách để phát huy hiệu quả nguồn lực này. Ông gợi ý, dự luật nên đề xuất thêm các cơ chế đặc biệt riêng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI