Đã có ca mắc cúm A tử vong
Xuất hiện nhiều ca bệnh từ đầu tháng 7, tới nay, cúm A đang tiếp tục tăng mạnh tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết thời gian qua có lúc hàng trăm bệnh nhân đến khám cúm tại BV mỗi ngày. Không chỉ ghi nhận các triệu chứng ho, sốt thông thường, tại BV này đã tiếp nhận một số ca biến chứng nặng - dù không nhiều, nhưng đáng lưu ý là đã có ca tử vong.
Mới đây, một nữ bệnh nhân 39 tuổi (ngụ tỉnh Thanh Hóa) được xác định mắc cúm A. Sau một thời gian điều trị không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhân phải đặt ECMO nhưng tiên lượng vẫn dè dặt. Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV - cho hay bệnh nhân có bệnh nền suy tủy nên suy giảm miễn dịch, khi mắc cúm A có nguy cơ chuyển nặng. Cách đây vài tuần, BV cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A có bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Dù được cấp cứu tích cực song bệnh nhân đã không qua khỏi.
|
Trung tâm Tiêm chủng dịch vụ - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông báo hết vắc xin cúm A và nhiều loại vắc xin khác |
Theo các bác sĩ, cúm A có thể tự khỏi, tuy nhiên, với những bệnh nhân có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, suy gan, suy thận. Ngoài ra, cúm A có thể làm “bùng nổ” các bệnh lý tim mạch ở trẻ em hay người lớn, khiến bệnh nền như hen suyễn, đái tháo đường, thuyên tắc phổi mạn tính phức tạp, nặng nề.
Trước tình hình này, Bộ Y tế liên tục có công văn gửi các đơn vị, địa phương nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống cúm A. Bộ Y tế đặc biệt lo lắng sự phát triển của bệnh cúm A xảy ra trong bối cảnh COVID-19 gia tăng trở lại, sốt xuất huyết cũng đang bùng phát tại một số địa phương. Để sẵn sàng và đảm bảo công tác điều trị, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng thuốc điều trị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm cúm mùa. “Bảo đảm giữ ổn định giá thuốc điều trị, các trang thiết bị y tế xét nghiệm, phòng chống dịch cúm mùa, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa. Không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Nhiều trung tâm “cháy” vắc xin cúm A
Trong bối cảnh cúm A đang bùng phát, nhu cầu tiêm vắc xin của người dân cũng tăng vọt. Tuy nhiên, vắc xin cúm A tại nhiều đơn vị tiêm chủng lại đang trong tình trạng hết hàng. Có mặt tại Trung tâm Tiêm chủng dịch vụ - BV đa khoa Hà Đông, chị L.T.H. (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng bởi đây là lần thứ hai vợ chồng chị đưa hai con nhỏ tới để đăng ký tiêm chủng vắc xin cúm A nhưng đều phải trở về.
Cũng giống như chị H., ghi nhận tại trung tâm tiêm chủng này, nhiều người phải ra về khi không có vắc xin đúng như nhu cầu. Để tránh mất thời gian, ngay tại bàn tiếp đón của trung tâm đã dán biển thông báo hết vắc xin cúm A để người dân nắm được thông tin. Nhân viên y tế tại đơn vị tiêm chủng cho hay, do gần đây cúm A tăng mạnh nên lượng người đến tiêm chủng rất đông, dẫn tới hết hàng.
Thực tế không chỉ có trung tâm này mà hàng loạt cơ sở tiêm chủng khác ở Hà Nội cũng đang “cháy” vắc xin cúm A. Tại Trung tâm Tiêm chủng của Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, cả hai loại vắc xin cúm A của Hà Lan và Pháp đều đã hết hàng. Tương tự, Trung tâm Tiêm chủng số 131 Lò Đúc cũng thông báo không còn bất kể vắc xin phòng cúm nào…
Liên lạc với một trung tâm tiêm chủng tư nhân tại Hà Nội, chúng tôi được cho biết vẫn còn vắc xin cúm A cho trẻ sáu tháng tuổi trở lên và trẻ em, người lớn với giá 359.000 đồng/liều. Tuy nhiên, trung tâm này cũng lưu ý, lượng vắc xin chỉ có thể cập nhật trong hai ngày nên nếu chưa đến tiêm chủng thì cần liên hệ lại, tránh trường hợp hết vắc xin và phải ra về. Cũng theo đại diện của trung tâm, 2-3 tuần nay, lượng người dân đến tiêm vắc xin phòng cúm mùa tăng 300-400% so với tháng trước. Không ít doanh nghiệp đã tổ chức tiêm vắc xin cúm A cho nhân viên với số lượng từ 200-2.000 người/đơn vị với mục đích phòng ngừa bệnh, tránh ngưng trệ sản xuất. Hay tại BV Nhi Trung ương, thống kê cho thấy, số lượng tiêm vắc xin trong tháng 7 gấp hơn 2-3 lần so với tháng 6.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho biết người dân nên tiêm vắc xin cúm hằng năm và chủ động tiêm phòng sớm. Nếu tới khi bệnh dịch gia tăng mới tiêm vắc xin, người dân có thể đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, vắc xin hết nên phải chờ đợi. Thứ hai, sau khi tiêm vắc xin ít nhất hai tuần, cơ thể mới sản sinh được miễn dịch. Do đó, rất có thể chúng ta mắc bệnh ngay sau khi mới tiêm vắc xin.
Nhiều loại vắc xin khác cũng khan hiếm Không chỉ vắc xin cúm mùa, nhiều loại vắc xin khác tại các trung tâm tiêm chủng của Hà Nội đều đang trong tình trạng khan hiếm. Cập nhật vắc xin vào ngày 6/8 của Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc cho thấy, có 21/32 loại vắc xin phòng ngừa 22 loại bệnh được thông báo hết hàng. Còn tại Trung tâm Tiêm chủng - BV Đa khoa Hà Đông, cũng có 7 loại vắc xin thông báo hết hàng. Trên nhiều diễn đàn, người dân cũng than phiền khi “đỏ mắt” vẫn chưa tìm được nơi tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung. Chị T.M. cho hay, nhiều tháng nay, chị liên hệ với trung tâm tiêm chủng để hỏi tiêm vắc xin này nhưng đều báo chỉ đủ tiêm trả mũi cho những người đã tiêm trước đó. Đồng cảnh ngộ, chị M.P. cho biết đã tiêm mũi 1 nhưng tới thời hạn tiêm mũi 2 thì tìm kiếm nhiều nơi đều không có. Cơ sở tiêm chủng mũi 1 báo cho chị phải tới tháng Mười mới có hàng. Lo lắng, chị đôn đáo hỏi khắp nơi mới tìm được một cơ sở còn vắc xin và phải chấp nhận đi xa hàng chục cây số. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, sở dĩ nhiều loại vắc xin đồng loạt hết hàng có một phần lớn nguyên nhân đến từ việc người dân trì hoãn tiêm chủng trong hơn hai năm COVID-19. Một số người e ngại tới nơi đông người có thể mắc bệnh, một số người bỗng “quên” việc tiêm vắc xin. Cho tới khi đi học, đi làm trở lại bình thường, tình trạng con trẻ ốm triền miên mới bắt đầu nhớ lại việc phải tiêm vắcxin phòng bệnh. |
Huyền Anh