Hà Nội công bố đề minh họa 7 môn thi lớp Mười theo chương trình mới

29/08/2024 - 13:26

PNO - Trưa 29/8, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười THPT năm học 2025-2026. Đây là kỳ thi tuyển sinh lớp Mười đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.

Cấu trúc đề thi và cách thức tính điểm
Cấu trúc đề thi và cách thức tính điểm

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười THPT của TP Hà Nội theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc sớm ban hành cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm học 2025-2026 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần dẫn hướng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý các trường phổ thông trên địa bàn thành phố trong công tác tổ chức dạy, học, ôn tập.

Theo đó, các nhà trường cần áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp theo từng môn học, lưu ý các dạng thức trắc nghiệm khách quan để học sinh lớp Chín được làm quen. Đồng thời, tăng cường các dạng thức trắc nghiệm gồm: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng; trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý lựa chọn đúng hoặc sai); trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Căn cứ cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm học 2025-2026, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD-ĐT tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra.

Khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý, đối với môn Ngữ văn, cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.

Năm học 2024-2025: Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục. Chủ đề năm học 2024-2025 là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.

Học sinh Trường tiểu học - THCS - THPT Thăng Long, TP Hà Nội. Ảnh minh họa
Học sinh Trường tiểu học - THCS - THPT Thăng Long, TP Hà Nội. Ảnh minh họa

Năm học này là năm học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp, từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT lấy làm trọng tâm năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cụ thể, sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Nhiệm vụ nữa của năm học 2024-2025 là triển khai hiệu quả Chương trình GDPT đối với các lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nghiên cứu, đề xuất phương án để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng học sinh đã đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của các em.

Nhiệm vụ của ngành trong năm học này là chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan. Sau đó, phân tích, đánh giá và khai thác cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ công tác quản lý và ban hành chính sách dạy học cấp THPT ở các địa phương, cơ sở giáo dục.

Đồng thời chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm từ năm 2025 trở đi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng.

Ngành giáo dục cũng sẽ ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới; quyết tâm thực hiện đúng quy định về các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025, tăng cường quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các khoản thu theo quy định.

Bộ GD-ĐT xác định toàn ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND các cấp...

Cùng đó sẽ kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI