Hà Nội có thêm 107 ca dương tính, chuẩn bị 9.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19

06/08/2021 - 18:38

PNO - Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách tới, Thành phố đã chuẩn bị 9.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tối 6/8, Sở Y tế Hà Nội tối cho biết trong chiều nay ghi nhận thêm 46 ca dương tính mới trong đó 39 ca tại cộng đồng, 7 ca tại khu cách ly. Như vậy, trong ngày, Hà Nội đã công bố 107 ca mắc.

Trong 46 ca dương tính mới, đáng chú ý có trường hợp bệnh nhân nam 42 tuổi ở đội 4, thôn Lạc Thị, Ngọc Hồi, Thanh Trì là ca được sàng lọc qua ho sốt trong cộng đồng. Nơi bệnh nhân này ở đã ghi nhận các ca mắc COVID-19. Ngày 4/8, bệnh nhân sốt, mệt mỏi. Ngày 5/8, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nông Nghiệp, được làm test nhanh dương tính, sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu PCR chuyển CDC Hà Nội và cho kết quả khẳng định dương tính.

Ngoài ra, Hà Nội còn ghi nhận 41 ca thuộc chùm ca bệnh ho sốt thứ phát. Trong số này, có nhiều ca là F1 ở huyện Thanh Trì.

Đặc biệt, có 24 người khác (từ 16-46 tuổi) gồm 18 nam, 6 nữ là công nhân xây dựng công trình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sống tại lán trong công trình. Đêm ngày 5/8, sau khi ghi nhận 4 công nhân làm việc tại công trình dương tính, nhóm người này được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

3 người còn lại thuộc chùm ca bệnh liên quan nhà thuốc 95 Láng Hạ, Tân Mai – Hoàng Mai và liên quan TPHCM.

Cộng dồn số người mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 1.645 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 992 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 653 ca.

Khu điều trị 500 giường bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang được hoàn thiện tại Hoàng Mai.
Khu điều trị 500 giường bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang được hoàn thiện tại Hoàng Mai

Trước đó chiều 6/8, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, công tác phòng chống COVID-19 vẫn còn những khó khăn phức tạp, trong đó diễn biến dịch bệnh vẫn ở mức nguy cơ cao bởi Hà Nội là trung tâm của cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia nên không thể "đóng cứng" như một số tỉnh thành khác.

Thành phố đã có các ca bệnh rải rác ở nhiều địa phương. Đến nay, 30 quận huyện của Hà Nội đều có ca mắc, có nơi có số ca lớn như Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng… Dịch bệnh đã vào nơi phức tạp như: Khu công nghiệp, bệnh viện, chợ truyền thống và các khu dân cư đông. Vẫn có các ca bệnh không rõ nguồn lây.

Trong 15 ngày giãn cách tới, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng quyết liệt, thực chất hơn, tiếp tục trao quyền chủ động cho các cơ quan đơn vị, tùy tình hình thực tế có thể áp dụng biện pháp phòng chống dịch cao hơn với mục tiêu hiệu quả trên hết”.

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng thông tin, thành phố đã có nhiều chủ trương giải pháp cụ thể như: Chuẩn bị đưa vào hoạt động khu thu dung điều trị 1.000 giường với bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ ở Đền Lừ. Trong tuần sau sẽ có thêm 5.000 giường phục vụ công tác thu dung điều trị… Bộ Y tế cũng phân bổ 2.500 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho Hà Nội và thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến 500 chỗ ở Hoàng Mai…

“Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo trong thời gian sớm nhất phải có 30.000 giường phục vụ công tác điều trị bệnh nhân. Sẵn sàng cho mọi tình huống”, Phó bí thư Nguyễn Văn Phong nói.

Về việc đảm bảo an sinh xã hội, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát bổ sung thêm các đối tượng không nằm diện được hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ và yêu cầu nhanh chóng triển khai hỗ trợ. 

Để tập trung nguồn lực cho phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ngoài việc cắt giảm chi thường xuyên như hạn chế hội họp, đi công tác, Thành phố cũng mới quyết định tạm dừng triển khai mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên của TP.  

Huyền Anh - Nhật Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI