Hà Nội: Chăm sóc F0 tại nhà để giảm tải hệ thống y tế

26/12/2021 - 06:52

PNO - Trước số ca mắc đang ngày một tăng cao, TP.Hà Nội đang tập trung quản lý F0 tại nhà, đưa thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị bệnh nhân thể nhẹ nhằm giảm tải cho hệ thống y tế.

Cấp thuốc điều trị kháng virus cho F0 tại nhà

Liên tiếp trong gần một tuần trở lại đây, Hà Nội là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19. Thống kê tới hết ngày 22/12 cho thấy, thủ đô có 16.590 ca bệnh dương tính đang được điều trị, trong đó 9.484 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 7.106 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Với số lượng F0 không ngừng tăng, nếu như tất cả “dồn toa” để đi điều trị tại các cơ sở y tế, các khu vực cách ly thì có thể dẫn tới quá tải cho hệ thống điều trị. Khi đó, những bệnh nhân thể nặng và trung bình có thể khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống y tế, nguy cơ tử vong cao. Để giải quyết vấn đề này, TP.Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai, nâng cao hiệu quả công tác điều trị F0 không triệu chứng và thể nhẹ tại nhà.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội

Chiều 23/12, Sở Y tế Hà Nội cho hay đã tiếp nhận 200.000 liều thuốc Molnupiravir 200mg. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là đơn vị được giao phụ trách việc nhận thuốc, bảo quản theo đúng điều kiện và cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.

Với chương trình này, Sở Y tế yêu cầu giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định. Các bệnh nhân có kết quả dương tính trong vòng năm ngày, nhận được quyết định của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan thẩm quyền đồng ý cho cách ly, điều trị tại nhà, đồng thời đủ các điều kiện như trên 18 tuổi, đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm sẽ có điều kiện để được cấp phát thuốc. Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, thuốc này ưu tiên đối với các trường hợp trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền. 

Để đẩy nhanh việc thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các trạm y tế cấp xã và trạm y tế lưu động lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi trung tâm y tế tuyến huyện hoặc với việc sử dụng phần mềm, hướng dẫn bệnh nhân cập nhật thông tin qua mã QR Code do Bệnh viện Phổi cấp và khai báo xác nhận trên APP.  Các bệnh nhân sẽ được đánh giá, trong trường hợp đủ điều kiện sử dụng sẽ được cấp thuốc, uống hai ngày/lần. Nhân viên y tế sẽ liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày. 

Việc điều trị F0 thể nhẹ tại nhà đang là xu hướng được khuyến khích, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, một số người dân tại thủ đô cũng phản ánh, tại một số nơi, chính quyền và y tế cơ sở vẫn còn e ngại trong việc điều trị F0 tại nhà. Do đó, không ít trường hợp dù đã cách ly, điều trị ổn định tại nhà, thậm chí xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng vẫn được yêu cầu đưa tới cơ sở y tế điều trị. 

Chống dịch phải sẵn sàng từ cơ sở

Không chỉ riêng tại Hà Nội, điều trị F0 tại nhà đang được nhiều địa phương triển khai trước bối cảnh ca mắc tăng, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, bộ đã có hướng dẫn điều trị F0 tại nhà một cách chi tiết, cụ thể, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Các F0 không triệu chứng, thể nhẹ cần theo dõi ở nơi cư trú và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương cần chú ý theo dõi sức khỏe của F0 thể nhẹ, theo dõi và hỗ trợ bằng các biện pháp Tây y và Đông y kết hợp với phục hồi chức năng để nâng cao thể trạng, hạn chế bệnh chuyển biến nặng và tử vong. 

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra hồi đầu tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, muốn phòng, chống dịch hiệu quả cần phải sẵn sàng từ cơ sở. Theo đó, thực hiện có hiệu quả việc cách ly, điều trị F0 tại nhà sẽ giúp giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, điều trị tại nhà cũng xảy ra tỷ lệ rất nhỏ người đã được tiêm, được uống thuốc vẫn chuyển biến nặng. Do đó, y tế cơ sở phải có sự theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân khi chuyển nặng để được đến bệnh viện điều trị. Ông nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực ở hệ thống y tế cơ sở. Muốn vậy, hệ thống y tế cơ sở, y tế lưu động tại các địa phương phải quản lý được từng người bệnh, không được để xảy ra tình trạng người bị bệnh không được ai quản lý. 

Đặc biệt, trong bối cảnh biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang hiện diện tại nhiều quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phải chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để chủ động ứng phó, trong đó chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. 

Hà Nội triển khai tiêm nhắc lại mũi ba cho người dân

Ngày 23/12, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại. Mục tiêu đề ra là trên 95% người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng đã được tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V sẽ được tiêm một mũi bổ sung. Ngoài ra, trên 95% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc bổ sung sẽ được tiêm một mũi vắc xin nhắc lại. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên tiêm trước cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên và lực lượng tuyến đầu chống dịch. 

Dự kiến, việc triển khai tiêm vắc xin bổ sung và nhắc lại sẽ tiến hành ngay trong tháng 12, kéo dài tới tháng 6/2022, tùy theo tình hình dịch cũng như mức độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI