Hà Nội: Cây xanh còn đơn điệu, nhiều tuyến đường chưa tạo nét đặc trưng

17/02/2023 - 19:30

PNO - Sau khi hoàn thành chương trình 1 triệu cây xanh của Hà Nội, diện mạo của nhiều tuyến đường thành phố đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Hàng cây cổ thụ trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Nội) không chỉ cho bóng mát mà còn làm “nao lòng” người dân, du khách - ẢNH: HUYỀN ANH
Hàng cây cổ thụ trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Nội) không chỉ cho bóng mát mà còn làm “nao lòng” người dân, du khách - Ảnh: Huyền Anh

Trên tuyến đường Võ Chí Công kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, cây bàng lá nhỏ, giáng hương và các loại cây bụi như hoa giấy, điệp vàng… được trồng xen kẽ với nhau, vừa tạo bóng mát, vừa tô điểm sắc màu tạo cảnh quan đẹp, ấn tượng. Hay trên tuyến đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… những hàng cây cổ thụ không chỉ cho bóng mát mà còn trở thành địa điểm “gây thương nhớ” của nhiều người dân, khách du lịch bởi nét đặc trưng rất Hà Nội.

Với mục tiêu xây dựng một thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, TP Hà Nội hiện vẫn tiếp tục xác định, trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hằng năm của thành phố. Trong năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị thành phố và 200.000 cây ăn quả. Trong đó, riêng đợt ra quân đầu xuân Quý Mão 2023 toàn thành phố trồng 100.000-120.000 cây xanh các loại.

Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - đánh giá cao chương trình, mục tiêu của thành phố khi đầu tư lớn để gia tăng số lượng cây xanh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo ông câu chuyện cây xanh đô thị ở Hà Nội vẫn còn không ít tồn tại. Theo đó, việc trồng cây không chỉ phủ xanh thành phố, giúp điều hòa không khí, góp phần cải tạo môi trường… mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho từng tuyến phố. 

“Hiện các chủng loại cây trồng của Hà Nội còn khá đơn điệu, chưa tạo ra nét đặc trưng của mỗi con đường, tuyến phố mà chúng ta đi qua. Rất nhiều địa điểm hiện đang trồng cây bàng lá nhỏ, song loại cây này chỉ nên trồng xen điểm, bởi không có bóng mát. Và nếu như khắp nơi đều trồng loài cây này thì dễ tạo ra sự nhàm chán” - ông Lê Huy Cường phân tích.

Lựa chọn chủng loại không phù hợp cũng là một trong những tồn tại của Hà Nội trong quy hoạch cây xanh. Hàng cây lá phong đỏ “chết yểu” dọc đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh là một trong những bài học điển hình và theo chuyên gia Lê Huy Cường, tạo ra một tiền lệ xấu.

Vì vậy, với những loại cây mới, cần trồng thử nghiệm để quan sát xem mỗi loại cây có phù hợp với thời tiết, đất đai ở địa phương hay không, sau đó trồng thử nghiệm trong vườn. Thời gian thử nghiệm có thể để cây phát triển tối thiểu từ 2-3 năm, nếu ổn định mới triển khai trồng mới trên các tuyến đường lớn. Hay như phượng vĩ, dù là cây cho bóng mát song các chuyên gia cũng chỉ ra, tuổi thọ của loại này không cao, chỉ từ 40-50 năm, sau đó, cây rất dễ mục thân, sâu bệnh gây nguy hiểm cho khu vực xung quanh. 

“Trồng cây là chủ trương tốt và rất đúng đắn! Dù vậy, chúng ta không chỉ trồng theo số lượng. Ví như giao chỉ tiêu cho quận huyện này, khu vực kia trồng được bao nhiêu cây mỗi năm, mỗi tháng. Việc này phải làm theo kế hoạch cụ thể, được đánh giá toàn diện, xác định tuyến đường nào trồng cây gì, xen kẽ ra sao để vừa đảm bảo bóng mát, cảnh quan, dấu ấn cho từng con đường, tuyến phố” - ông Lê Huy Cường nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch mỗi đường là một loại cây, cần phân bố để 4 mùa đều có những tuyến đường hoa nở. Hiện Hà Nội đang rất thiếu những loại cây nở hoa trong mùa đông, nên thành phố cần nghiên cứu, trồng nhiều hơn các loài cây phù hợp với khí hậu lạnh để luôn trong tình trạng cây cối xanh mát, hoa khoe sắc. 

M.Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI