Ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - thừa nhận, đã mất 10-15 năm mới làm xong tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hay Cát Linh - Hà Đông. Muốn thêm 10 tuyến mà vẫn làm từng tuyến thì phải mất khoảng 100 năm.
Ngoài lý do đội vốn, tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua còn chậm trễ do phải chờ điều chỉnh quy hoạch, xác định lại phương án đầu tư. Như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được động thổ từ năm 2008 nhưng thời điểm dự kiến vận hành đoạn trên cao (8,5km) là tháng 6/2024, còn 4km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành năm 2027, tức mất 16 năm.
Cũng được phê duyệt đầu tư năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng phải đến năm 2021, dự án xây tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới hoàn thành và mức vốn đầu tư bị đội lên gần gấp đôi so với mức được phê duyệt ban đầu (từ gần 8.770 tỉ đồng lên hơn 18.000 tỉ đồng).
|
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông của TP Hà Nội hoàn thành năm 2021, chậm 8 năm so với kế hoạch, khiến vốn bị đội lên gần gấp đôi - Ảnh: Nam Việt |
Theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh) với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỉ USD.
Ông Dương Đức Tuấn cho hay, để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 11 năm tới (đến năm 2035), cần nguồn kinh phí khoảng 37 tỉ USD (khoảng 850.000 tỉ đồng).
Do đó, thời gian tới, theo ông, chính quyền TP Hà Nội cần xây dựng được đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, trong đó bao gồm phương án, cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn vốn, như vốn từ ngân sách, vốn ODA, vốn vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng đối tác công - tư)…
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về huy động nguồn lực cho đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để khai thác quỹ đất của các tuyến.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội - cho rằng, thay đổi cách làm, phương thức đầu tư và mô hình TOD chính là hướng đi hiệu quả, đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông, mô hình TOD lấy giao thông công cộng dẫn dắt sự phát triển bền vững của đô thị và sự phát triển của đô thị lại tạo ra nguồn lực để duy trì và phát triển giao thông công cộng.
Có nhiều hình thức huy động nguồn lực tài chính để triển khai mô hình TOD, như PPP, sử dụng các công cụ đánh thuế tài sản, phí chuyển nhượng, cho các nhà đầu tư thuê hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền phát triển giao thông.
Ông đề xuất, UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình TOD trong Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản...
Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI) - cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách đột phá về quy hoạch, bồi thường và thu hồi đất, tài chính, thủ tục đầu tư, xây dựng, khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị, phát triển nguồn nhân lực... cho việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung của TP Hà Nội, cho phép áp dụng mô hình TOD trong phát triển đô thị.
Ông cũng đề xuất cho phép phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn khác vượt khung trần nợ công theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035. “Nếu có những cơ chế đặc thù, việc hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của TP Hà Nội chỉ mất khoảng 10 năm” - ông nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần cơ chế đột phá hạ tầng, sẵn sàng vay 30-40 tỉ USD để phát triển đường sắt đô thị trong 10-15 năm.
Nếu không làm như vậy, hàng trăm năm nữa cũng không làm xong mạng lưới đường sắt đô thị, không giải quyết được vấn đề phát triển. Các tuyến đường sắt đô thị được đầu tư, hoàn thành sẽ tạo động lực mới, kích thích kinh tế thành phố phát triển mạnh.
Khi đó, tăng trưởng kinh tế thành phố không phải 8,5 - 9,5% mà có thể đạt 2 con số trong thời gian dài.
Sẽ có cơ chế để Hà Nội phát triển đường sắt đô thị Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tới đây, có nội dung phát triển đường sắt đô thị. Theo đó, dự thảo cho phép chính quyền TP Hà Nội điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực dự kiến làm giao thông công cộng theo mô hình TOD; cho phép chính quyền TP Hà Nội được lựa chọn, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị và ban hành một số chính sách đặc thù trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực áp dụng mô hình TOD. Dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách thành phố và không giới hạn về tổng mức đầu tư. Theo một số đại biểu Quốc hội, những quy định trên sẽ tạo đà để chính quyền TP Hà Nội gỡ những vướng mắc về nguồn lực trong phát triển giao thông. Tuy nhiên, do đường sắt đô thị cần nguồn vốn đầu tư lớn, nên trong trường hợp cần đến nguồn vốn đầu tư của trung ương thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP Hà Nội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD cho từng tuyến đường sắt cụ thể. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể TOD cũng cần được thực hiện theo thủ tục đặc biệt so với quy định trong Luật Đầu tư công để bảo đảm tính khả thi. M.Quang |
Nam Việt