Hà Nội: Cán bộ xã lập danh sách khống để bán đất giãn dân, sau 10 năm vẫn ung dung công tác

06/09/2020 - 18:25

PNO - Xã Hòa Chính mặc cho người dân lấn chiếm đất công; khai khống danh sách, mạo chữ ký cán bộ thôn để xin đất giãn dân rồi bán cho “danh sách” khác.

Xin duyệt một đằng, bán một nẻo

Tháng 8/2020, Báo Phụ Nữ TPHCM nhận được đơn ông Hoàng Văn Chấn (sinh năm 1943, hơn 50 năm tuổi Đảng, cựu sĩ quan quân đội, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) phản ánh về những sai phạm của cán bộ xã trong việc cấp, bán đất giãn dân.

Theo đó, từ năm 2007, UBND xã Hòa Chính đã có chủ trương khai thác nguồn thu từ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Xã đã đề nghị UBND huyện Chương Mỹ cho phép chuyển 9.906,26m2 đất nông nghiệp để giao cho 65 hộ gia đình đủ điều kiện, sử dụng vào mục đích giãn dân.

Khi có chủ trương, đại diện chính quyền địa phương đã đề nghị 65 hộ dân có đơn xin và ký đơn để gửi lên huyện. Tuy nhiên, khi chưa hộ dân nào ký vào đề xuất, UBND xã Hòa Chính vẫn có một bản danh sách 65 hộ với đủ chữ ký để nộp lên huyện.

Ông Hoàng Văn Chấn
Ông Hoàng Văn Chấn đã gửi đơn đi nhiều nơi yêu cầu xử lý sai phạm của cán bộ xã

"Sau khi đề xuất của xã được huyện Chương Mỹ xét duyệt, xã lại tự lập một danh sách, xét bán cho 53 hộ dân. Trong đó có nhiều hộ không nằm trong danh sách đã gửi lên huyện. Ngoài ra tôi nhận thấy còn có nhiều vấn đề trong giá bán đất và điều kiện xét duyệt mua đất. Tôi và một số đảng viên lão thành đã gửi đơn lên chính quyền về vụ việc này", ông Chấn cho biết.

Ông Chấn cho biết, ngày 25/9/2007, UBND xã Hòa Chính đã ra quy định tiêu chuẩn xét đất giãn dân năm 2007, về hình thức là để đảm bảo bình xét các đối tượng được cấp đất giãn dân, đúng đối tượng, dân chủ, công khai. Tuy nhiên, trong 53 hộ được xét duyệt mua đất sau đó, rất nhiều hộ lại không đủ tiêu chí này. Mỗi lô đất này được bán giá từ 100.000 đồng/m2 đến 840.000 đồng/m2.

"Gọi là đất giãn dân nhưng không được xã san lấp hay làm cơ sở hạ tầng, chính quyền UBND xã cứ vậy bán phân lô ngay trên mặt hồ (bán trên sơ đồ) cho những hộ có nhu cầu mua, các lô vị trí đẹp bán với giá 840.000 đồng/m2", ông thông tin.

Qua tìm hiểu, được biết, toàn bộ hồ sơ xét duyệt đất giãn dân năm 2007 do ông Vũ Văn Lý - cán bộ địa chính xã cùng với chủ tịch UBND xã thời kỳ 2007 lập nên, bao gồm cả danh sách 65 hộ dân ký khống, sau đó trình UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, trong biên bản Hội nghị phân bổ vị trí diện tích đất ở giãn dân năm 2007 về các cơ sở (ngày 25/9/2007) với sự tham gia của 4 trưởng thôn, gồm ông Hồ Đức Khẩn - Trưởng thôn Lưu Xá, ông Vũ Văn Xuyện - Trưởng thôn Phụ Chính, ông Lê Quang Tuấn - Trưởng thôn Lý Nhân và ông Lê Đình Công - Trưởng thôn Yên Nhân thì chỉ có chữ ký của ông Hồ Đức Khẩn và Lê Đình Công.

Chưa kể, theo ông Chấn, hai trưởng thôn Hồ Đức Khẩn và Lê Đình Công sau đó phủ nhận chữ ký trong biên bản đó là của mình.

Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm

Sau khi nhiều người dân gửi đơn tố cáo, ngày 6/11/2019, UBND huyện Chương Mỹ đã có kết luận thanh tra về những dấu hiệu vi phạm trong việc giao đất ở giãn dân xã Hòa Chính vào năm 2007. 

Bản kết luận thanh tra ghi rõ, UBND xã Hòa Chính hoàn thiện hồ sơ xin giao đất ở giãn dân năm 2007 và đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, Phòng Tài nguyên và Môi trường cho xã được chuyển 9.906,26m2 đất nông nghiệp tại 7 khu vực thuộc quỹ đất công do UBND xã Hòa Chính quản lý.

Số đất này được giao cho 65 hộ gia đình cá nhân xã Hòa Chính sử dụng vào mục đích làm nhà ở, được Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và các ngành của huyện xét duyệt giá thu tiền đất giãn dân theo từng vị trí của 65 hộ được giao.

Tiếp theo, ngày 12/11/2007, UBND huyện Chương Mỹ có Quyết định số 1642/QĐ-UBND về việc thu hồi 9.906,26m2 đất nông nghiệp tại 7 khu vực thuộc xã Hòa Chính để giao cho 65 hộ gia đình cá nhân như đề xuất của xã.

Tuy nhiên, qua thanh tra, danh sách 65 hộ gia đình, cá nhân tương ứng với 65 thửa đất đã quy hoạch theo sơ đồ (được Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận vào ngày 1/11/2007) này không qua quy trình xét duyệt nhưng đã trình UBND huyện.  

Hậu quả của việc lập danh sách khống đó là hơn 50 hộ mua đất giãn dân cho đến nay vẫn chưa được làm được hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lá đơn đề nghị của ông Chấn.
Lá đơn đề nghị của ông Chấn gửi cơ quan báo chí

Ngoài ra, Thanh tra huyện Chương Mỹ cũng chỉ ra sai phạm khác trong việc lấn chiếm đất công tại xã Hòa Chính. Cụ thể vào năm 1992, UBND xã Hòa Chính quy hoạch nâng cấp và mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ từ diện tích 722m2 lên 2.090,5m2 và xây dựng tường bao quanh, nhưng lại buông lỏng quản lý, để một số hộ tự ý lấn ra phần đất còn lại của tập thể.

Tổng diện tích các hộ sử dụng tăng do lấn chiếm so với Bản đồ giải thửa đo đạc năm 1987 theo Chỉ thị 299 và Bản đồ đo đạc tổng thể đất đai xã Hòa Chính năm 2018 là 637,2m2.

Những sai phạm của xã Hòa Chính được xác định thuộc trách nhiệm của các lãnh đạo xã này qua các thời kỳ, gồm: ông Trần Xuân Kha - nguyên Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 1985-1993); ông Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 1994-2000); ông Trần Quyết Thắng - nguyên Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 2000-2010); ông Lê Văn Bảy - nguyên Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 2010-2015); ông Vũ Văn Lý - nguyên công chức địa chính, xây dựng xã.

Thanh tra huyện đề nghị Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân nói trên theo điều lệ Đảng. Đồng thời chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện thành lập Hội đồng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến kết luận thanh tra.

Được biết, ông Trần Quyết Thắng - người được kết luận thanh tra chỉ ra là có trách nhiệm với sai phạm của xã Hòa Chính trong việc xin cấp đất giãn dân vào năm 2007 - hiện đang công tác tại HĐND huyện Chương Mỹ.

Một tuần sau khi huyện chỉ đạo, Thanh tra huyện vẫn nói "chưa nhận được văn bản"

Sau đơn thư của ông Hoàng Văn Chấn, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã liên hệ làm việc với UBND huyện Chương Mỹ để làm rõ các phản ánh của người dân về việc chậm xử lý các cán bộ sai phạm.

Ngày 14/8/2020, Văn phòng UBND huyện đã có văn bản số 1835/UBND-VP, trong đó có nội dung: "Để việc cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM được khách quan, kịp thời, đúng quy định, UBND huyện chỉ đạo như sau: Giao UBND xã Hòa Chính, Thanh tra huyện, Phòng Nội vụ huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chuẩn bị các nội dung, tài liệu có liên quan theo đề nghị của phóng viên; chủ động tiếp, làm việc và cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, 1 tuần sau, các phòng, ban trên vẫn từ chối trao đổi thông tin với Báo Phụ Nữ TPHCM, cụ thể: ngày 21/8/2020, Chánh Thanh tra huyện Chương Mỹ trả lời chưa nhận được văn bản yêu của Văn phòng UBND huyện; lãnh đạo Phòng Nội vụ cho biết chỉ cung cấp các văn bản liên quan tin cho Văn phòng UBND huyện. 

Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ đã có công văn yêu cầu
Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ đã có công văn yêu cầu các phòng ban trả lời theo quy định

Tính từ ngày 14/8/2020, đã hơn 20 ngày kể từ thời điểm UBND huyện Chương Mỹ giao đích danh Thanh tra huyện, Phòng Nội vụ huyện chủ động tiếp, làm việc và cung cấp các thông tin; phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM vẫn chưa có buổi làm việc nào với các đơn vị kể trên, dù đã liên hệ nhiều lần.

Trong trường hợp Thanh tra huyện vẫn chưa nhận được văn bản của UBND huyện (như Chánh Thanh tra nói), thì cần xem lại cách làm việc giữa các phòng ban của huyện này.

Phòng Nội vụ và Phòng Thanh tra chỉ cách Văn phòng UBND huyện vài chục đến vài trăm mét, mà văn bản chỉ đạo của UBND huyện mất hơn 20 ngày vẫn chưa đến nơi, thì việc xử lý sai phạm "ở tận" xã Hòa Chính (cách UBND huyện Chương Mỹ 15km) bao năm qua vẫn cứ nhì nhằng, có lẽ cũng là điều không khó hiểu.

Uông Ngọc - An Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI