Đổ xô mua thuốc, thiết bị y tế
Cùng với số ca mắc gia tăng tại TP.Hà Nội, cơn sốt thuốc và sản phẩm sức khỏe cũng ngày một lên cao khiến hiện tượng “cháy hàng”, tăng giá trở nên phổ biến. Cậu con trai lớp 7 vừa được xác định mắc COVID-19, tuy nhiên, chị N.P.Y. (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cho biết, khi ra hiệu thuốc, chị không mua nổi loại xịt mũi muối biển thường dùng cũng như một số loại thuốc tăng đề kháng. Thậm chí, nước súc miệng Natri Clorid 0,5% - một sản phẩm có giá rẻ, thông dụng nhưng các nhà thuốc xung quanh nhà cũng đều thông báo hết hàng.
“Tôi thật sự bất ngờ và hoang mang, bởi vì trước đây không nghĩ rằng, những loại dược phẩm thông thường này có thể hết. May mắn là trong nhà tôi trữ sẵn một số thuốc giảm đau, hạ sốt bởi các hiệu thuốc này cũng cho biết không còn nhiều loại viên sủi”, chị Y. than thở. Tương tự, chị T.P. (Long Biên) cũng bức xúc bởi phải đi tới ba cửa hàng mới mua được một chai cồn 70 độ dùng để sát khuẩn. Hơn nữa, giá của chai cồn này cũng đã tăng trên 5.000 đồng so với trước đây.
|
Người dân TP.Hà Nội xếp hàng mua thuốc trong mùa dịch - Ảnh: Ngọc Linh |
Khảo sát tại một hiệu thuốc ở Hà Đông, nhiều mặt hàng chúng tôi hỏi mua đều được thông báo hết hàng như: nước muối sinh lý, viên sủi hạ sốt, thuốc tăng đề kháng của Nga… Trong khi nhiều người xếp hàng mua thuốc, nhân viên bán hàng cũng tất bật bởi các đơn hàng online.
Khi chúng tôi hỏi nước muối biển xịt mũi của Pháp, nhân viên cửa hàng phải vất vả mới tìm được một lọ và thông báo đây là chai cuối cùng. “Chỉ riêng một khu chung cư gần hiệu thuốc đã có gần 100 căn F0. Hằng ngày, chúng tôi liên tục giao hàng, chưa kể người mua dự phòng. Vài ngày nay, số lượng mua nhiều, hàng về chỉ một vài tiếng là hết sạch”, chủ tiệm thuốc vừa tính tiền cho khách vừa chia sẻ. Chủ cửa tiệm này cũng “xé lẻ” những sản phẩm “hot” của mùa dịch để bán chứ không cho khách “ôm” theo số lượng lớn. Ngay cả việc mua Orezol, cửa tiệm này cũng chỉ bán mỗi loại từ 3 - 5 gói chứ không bán cả hộp như thông thường.
Cùng với các loại dược phẩm, trang thiết bị y tế như máy đo nồng độ SpO2, kit test nhanh cũng là những mặt hàng khan hiếm và có mức giá “nhảy nhót”. Anh D.T.G. (Q.Ba Đình) vừa vui mừng khoe với bạn bè vì đặt được máy đo Sp02 thương hiệu có tiếng trên mạng. Nhưng chỉ một vài giờ sau đó, nhiều người vào tìm mua thì giá đã lên gấp đôi. Đăng tìm mua máy đo SpO2 trên một hội nhóm, chị H.T.H. (Q.Thanh Xuân) cũng hoang mang vì sản phẩm này mỗi nơi một giá, không biết sử dụng loại nào cho tốt. Bởi có một vài loại máy chỉ 200.000 đồng nhưng có loại lên tới trên triệu bạc. Còn với kit test nhanh, trên thị trường, giá vẫn đang tăng từ 5.000 - 15.000 đồng so với đầu mùa dịch, trung bình từ 80.000 đồng trở lên.
Không nên lo lắng thái quá
Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc, kit test dự trữ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, đặt câu hỏi: “Có phải là điều lo lắng quá mức?”.
Theo bác sĩ, có hiện tượng người mắc F0 vì sốt ruột mà thường xuyên làm lại test nhanh, thậm chí còn gọi cả dịch vụ PCR. Thực tế, có những gia đình than thở tốn tới gần chục triệu đồng test nhanh trong giai đoạn cả bốn người cùng mắc.
“Đã là F0 thì không cần vội làm test nhanh lại, một vạch sớm hay chậm cũng không giúp gì, miễn là cơ thể khỏe mạnh sẽ từ từ hết. Việc test nhiều chỉ thêm lo lắng và tốn kém”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói, và khuyên rằng nên để từ 3 - 5, thậm chí là bảy ngày, nếu âm tính thì có thể kết thúc cách ly. Đối với các loại thuốc, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên tìm tòi các toa thuốc đặc biệt hay dự trữ sẵn “một bọc thuốc” làm gì. Các loại thuốc cần trang bị vừa đủ vẫn là các sản phẩm thông thường cần có trong các tủ thuốc gia đình như hạ sốt, đau đầu, mất ngủ, ho…
Việc tích trữ thuốc, sản phẩm hỗ trợ trong mùa dịch dù chưa hề mắc bệnh là thói quen của nhiều bà mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng dược phẩm liên tục tăng giá thời gian gần đây.
Bác sĩ Đào Trường Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chia sẻ, trong khi nhiều cha mẹ phải chi rất nhiều tiền để dự trữ hay điều trị COVID-19 cho trẻ thì hầu hết bệnh nhi mà bác sĩ này điều trị chỉ tốn khoảng 100.000 đồng. Số tiền này chi cho thuốc hạ sốt và giảm ho. Bác sĩ Đào Trường Giang nhấn mạnh, có rất nhiều cha mẹ khi thấy con sốt ho, sổ mũi, tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc tăng đề kháng, “bổ phổi”… để dự phòng, điều trị và thậm chí giảm các triệu chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể gây hại, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ, bên cạnh đó là vấn đề tốn kém không đáng có.
Bên cạnh tâm lý lo lắng, tích trữ của người dân, mới đây, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), thừa nhận, ngoài nhu cầu thực tế, qua các kênh thông tin cho thấy còn có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung, yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá. Bộ cũng có văn bản gửi các tỉnh, thành phối hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế…
Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cũng kêu gọi người dân không nên mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.
Huyền Anh