edf40wrjww2tblPage:Content
TRƯỚC GIỜ TRUY ĐIỆU
Người dân nức nở tiễn biệt vị Đại tướng nhân dân lần cuối
* 3g sáng: Trước cánh cổng đóng kín của Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, đoàn người vẫn xếp hàng lặng lẽ, dù theo thông báo của ban tổ chức, việc viếng Đại tướng kết thúc từ thời khắc cuối cùng của ngày hôm trước 12/10. Tản mác trên các tuyến phố quanh trục Nhà tang lễ, vỉa hè là chỗ ngả lưng qua đêm của nhiều đồng bào ở tỉnh xa về. Hàng nghìn người trong các lực lượng an ninh, quân đội, tình nguyện viên, y tế… sau hai ngày túc trực tại hiện trường được tạm nghỉ hai giờ để lấy sức bước vào sự kiện quan trọng nhất: Lễ truy điệu và rước linh cữu Đại tướng về an táng tại Quảng Bình.
* 5g sáng: Lực lượng an ninh, quân đội, sinh viên (SV) tình nguyện vào vị trí. Nhân dân được hướng dẫn rời khỏi trục đường quanh nhà tang lễ, các phố Tăng Bạt Hổ, Yersin, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông… trở lại vắng vẻ và yên tĩnh. Giữa vườn hoa Pasteur đối diện nhà tang lễ có một màn hình cực đại, để mọi người có thể xem trực tiếp lễ truy điệu. Gần 1.000 SV tình nguyện từ 10 trường đại học ở Hà Nội đã kết thúc ca trực từ đêm 12/10 (từ 18g-24g) nhưng không chịu ra về. Các em tiếp tục nhận ca mới, làm hàng rào mềm và phân làn giao thông trên các tuyến linh xa sẽ đi qua. Những ngày qua, hơn 10.000 lượt SV tình nguyện đã túc trực ngày đêm để hỗ trợ chỉ đường, giúp đỡ nhân dân vào viếng Đại tướng. Đăng Tuấn - SV Học viện Báo chí và tuyên truyền xúc động nói: “Nhiều bạn thức trắng hai ngày đêm liên tục, nhất định không về nghỉ. Chúng em tâm niệm đây là cơ hội cuối cùng được phục vụ và gần Đại tướng. Chưa bao giờ những người trẻ như chúng em đoàn kết lại trong một sự kiện thiêng liêng và xúc động như thế này”.
Cụ Châu Đình Khóa
* 5g30 sáng: Cụ Châu Đình Khóa 105 tuổi, người được tôn vinh là “đại lão danh cầm sống hai thế kỷ”, đồng hương Lệ Thủy của Đại tướng - được con gái út (cô Châu Thị Hà, 61 tuổi) đẩy xe lăn ra vườn hoa Pasteur. Cụ Khóa nguyên là trưởng đoàn văn công Quảng Bình, 68 năm tuổi Đảng, người hát Nam ai Nam bằng, hò Quảng Bình trên khắp tuyến lửa Quân khu 4. Cụ còn là người chơi tỳ bà, đàn nguyệt, đàn đáy hay đến mức thần kỳ. Thấy cụ Khóa tuổi cao, các đồng chí công an “đặc cách” cho vào đến vòng ngoài nhà tang lễ. Cụ Khóa từng nhiều lần hát những khúc dân ca quê nhà cho Đại tướng nghe, là một trong những người hộ tống mẹ ruột và con gái cả Võ Hồng Anh của Đại tướng từ Quảng Bình ra Hà Nội những năm kháng chiến chống Pháp. Cụ Khóa ngồi im trên xe lăn, giọt nước mắt hiếm hoi của người già ứa ra.
* 6g30: Đại tá Phạm Đình Hùng kiểm tra lại chiếc URAL 4320 dự phòng, chiếc xe chuyên dụng để kéo pháo giống hệt chiếc xe sẽ kéo linh xa mang di hài Đại tướng ra sân bay. Ngoài chiếc URAL, dãy xe trước mặt anh còn có hai xe chở tiêu binh, một xe U-oát, một xe chở vòng hoa - đoàn xe có cơ cấu như đoàn xe nghi lễ chính thức để phòng bị sự cố bất thường. Đội xe nghi lễ tiễn linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài gồm 15 chiếc, một đội xe giống hệt từ TP.HCM đã được đưa ra Quảng Bình bằng tàu hỏa từ trưa ngày 10/10. Đội xe nghi lễ từ TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm đón linh cữu từ sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng an nghỉ vĩnh viễn.
Đại tá Hùng cho biết, đoàn nghi lễ quân đội đã tập dượt kỹ lưỡng từ suốt ngày 8/10. Sau mỗi lần đi thử, các xe trong đoàn nghi lễ được đưa về xưởng nhà máy Z157 (Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng) để chỉnh sửa. Những người thợ giỏi nhất của nhà máy được huy động để chuẩn bị cho hơn 20 chiếc xe (tông chủ đạo màu rêu, vành bánh xe sơn trắng) dành riêng cho lễ tang Đại tướng. Tại TP.HCM, công việc tương tự được Quân khu 4 phối hợp với đoàn nghi thức Quân khu 7 chịu trách nhiệm.
* 6g45: Trục đường từ Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ra Hoàng Diệu (nhà ở của Đại tướng) - quảng trường Lăng Bác - sân bay Nội Bài… các xe cứu thương, cứu hộ, chữa cháy vào vị trí. Ở những đoạn dân cư đông đúc, cứ 5m lại có một đồng chí công an đứng chốt. Người dân đã chờ sẵn kín hai bên đường suốt 20km nội thành từ sáng sớm. Người già được nhường đứng trước, trẻ con được cõng trên vai bố mẹ, ngoài cùng là hàng rào xanh của SV tình nguyện. Nước mắt tuôn lặng lẽ trước cả khi linh xa đi qua. 7g, khi lễ truy điệu Đại tướng được bắt đầu ở số 5 Trần Nhân Tông, cả triệu mái đầu dưới nắng đều cúi xuống…
Linh xa chở linh cữu của Đại tướng ghé thăm nhà số 30 Hoàng Diệu
ĐẠI TƯỚNG GHÉ NHÀ
* 0g sáng: Hơn một trăm người dân đã thức trắng đêm trước ngày tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ. Lan Phượng (SN 1992, SV Trường ĐH Điện lực) đã có mặt từ 22g ngày 12/10. Trên tay Phượng là di ảnh của Đại tướng do chính em tự làm trên khung gỗ: “Đây không phải là lần đầu em tới viếng Đại tướng, nhưng cảm giác rất khác nhau. Lần đầu, nỗi buồn xen lẫn với cảm giác bình yên, thanh thản. Lần này lại là sự trống vắng, mênh mang. Chỉ vài giờ nữa thôi, Người sẽ vĩnh viễn trở về mảnh đất miền Trung, nơi Người đã sinh ra”.
* 3g sáng: Nhiều ngọn nến được người dân thắp lên bên hàng rào của căn nhà. Bên trong, gia quyến đã bắt đầu quét dọn để đón Người ghé nhà trước khi về quê. Nhìn vào khuôn viên đầy hoa qua cánh cửa sắt, bà Ngô Thị Út (78 tuổi, cựu thanh niên xung phong, Thường Tín, Hà Nội) nức nở: “Để tôi được nhìn lại cổng chính lần nữa. Từ giờ trở đi, làm sao còn thấy được”. Đại gia đình bà Út đã đến đây lúc hơn 3g sáng. Suốt đêm hôm trước, bà và cô con gái trằn trọc không thể chợp mắt được. Từ 1g sáng, cả năm thành viên trong gia đình đã lục tục chuẩn bị đồ đạc khởi hành. Cậu cháu nội mới tám tuổi cũng được bà đồng ý cho đi theo. Trước đó, dù nhiều người can ngăn vì tuổi cao sức yếu, nhưng bà Út quả quyết: “Đại tướng như bố mẹ, lẽ nào lại vắng mặt”!
* 6g30: Lượng người đổ về phố Hoàng Diệu đông hẳn lên. Vỉa hè không còn chỗ đứng. Những người có mặt phải tràn xuống cả lòng đường. Không ai bảo ai, bà con tự ngồi bệt xuống để tất cả đều có cơ hội dõi nhìn linh cữu Đại tướng.
* 8g20: Không khí im lặng, trang nghiêm bỗng vỡ òa khi cỗ linh xa dừng lại trước cánh cổng 30 Hoàng Diệu. Từ người già tới con trẻ, không ai cầm nổi nước mắt. Theo sau linh xa là xe chở gia quyến của Đại tướng, tất cả đều khẩn trương để làm nghi lễ cho Đại tướng ghé về thăm nhà trước khi rời xa Hà Nội mãi mãi. Bên ngoài cánh cổng, hàng ngàn người dân bắt đầu bái vọng. Những câu cầu kinh vang lên, mọi người cầu cho linh hồn Đại tướng thanh thản về với tổ tiên, với những người đồng đội cũ…
* 8g30: Cỗ linh xa chuyển bánh, đoàn người đổ theo như cố gắng níu giữ. Những cánh tay giơ cao, vẫy theo, những tiếng đồng thanh vang lên: “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”.
QUỲNH HƯƠNG - HUYỀN ANH
SAU KHI RỜI SỐ 30 HOÀNG DIỆU, CỖ LINH XA HƯỚNG VỀ SÂN BAY NỘI BÀI (SÓC SƠN, HÀ NỘI). SUỐT TUYẾN PHỐ LINH XA ĐI QUA, NGƯỜI DÂN ĐƯA TIỄN ĐỨNG KÍN HAI BÊN ĐƯỜNG, KÉO DÀI NHIỀU CÂY SỐ. ĐÚNG 10G30, CHIẾC MÁY BAY ATR 72 MANG SỐ HIỆU VN1911 CẤT CÁNH, ĐƯA LINH CỮU ĐẠI TƯỚNG TRỞ VỀ ĐẤT MẸ QUẢNG BÌNH. |