|
Số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh hô hấp, tay chân miệng… ở Hà Nội đang tăng mạnh (trong ảnh: Các bệnh nhi đang được điều trị ở Bệnh viện Thanh Nhàn) - Ảnh: T.Đ. |
Bệnh tay chân miệng tăng hơn 100 lần
Vừa đi học mầm non được nửa tháng, bé N.T.M. (20 tháng, quận Ba Đình) xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn. Tưởng con sốt vi rút thông thường, mẹ của bé cho con nghỉ học theo dõi nhưng sau đó phát hiện trong miệng con có những vết loét lớn khiến bé không thể ăn uống. Đi kèm với đó, trẻ tiêu chảy, khò khè khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt lả, rũ rượi. Trẻ được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A, có viêm long đường hô hấp trên.
Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay, riêng ở đơn vị này có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng. Đặc biệt, từ ngày 13-29/3/2023 đã có 37 trường hợp nhập viện. Hầu hết các ca đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - cho biết, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Thông thường diễn biến bệnh tay chân miệng trong thời gian 5-7 ngày nhưng nếu trẻ có biểu hiện nặng sớm thì xảy ra ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai.
Đáng lưu ý, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, trẻ trong giai đoạn đầu có thể ở độ 1, tức có biểu hiện sốt kèm viêm loét họng nhưng sau đó có thể diễn biến nhanh, xuất hiện giật mình, mạch nhanh, co giật… thậm chí hôn mê. Mạch nhanh cũng có thể gây viêm cơ tim khó phục hồi. Mức độ của bệnh phụ thuộc vào từng cơ địa trẻ cũng như thể vi rút mà trẻ mắc phải. Nếu trẻ nhiễm vi rút A16 thì bệnh thường chỉ ở độ 2 sau đó sẽ khỏi nhưng với vi rút EV71 thì có thể nặng nề hơn.
Không chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tại nhiều bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng cũng đang gia tăng. Sở vừa cảnh báo tại nhiều trường học đã ghi nhận các chùm ca bệnh tay chân miệng. Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội có 248 ca tay chân miệng, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 ca.
Hiện bệnh chân tay miệng được dự báo tiếp tục “vào mùa” cho tới tháng Năm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình nếu thấy con có biểu hiện sốt kèm theo kém ăn, bỏ bú, đau họng, phát ban thì phải báo ngay với nhà trường để nghỉ học, đưa tới cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Trường hợp trẻ được chẩn đoán tay chân miệng, phải cách ly tại nhà 5-7 ngày, chăm sóc và theo dõi, chế độ ăn hợp lý nhiều vitamin. Đồng thời, các gia đình cần giữ 3 sạch (ăn uống sạch, bàn tay sạch, đồ chơi sạch) và thường xuyên vệ sinh đồ chơi bằng xà phòng, ăn chín uống sôi…
Sốt xuất huyết, bệnh hô hấp… phức tạp
Bên cạnh tay chân miệng, nhiều loại bệnh khác cũng đang diễn biến phức tạp khiến nhiều bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, phải kê thêm giường bệnh để điều trị bệnh nhi. Trong đó, RSV đang là bệnh chính tại nhiều khoa nhi của các bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) - cho hay, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi phải điều trị nội trú, trong đó số bệnh nhân mắc RSV chiếm khoảng 30%. Nhiều bệnh nhi RSV có biến chứng nặng, phải thở máy và là trẻ dưới 2 tuổi. Trước số lượng bệnh nhân gia tăng, khoa nhi đã phải kê thêm giường để tránh tình trạng trẻ phải nằm ghép.
Tương tự, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội), bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó trưởng khoa Nhi - thông tin, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng. Hiện khoa có khoảng 80 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị, trong đó 16 bé được xác định nhiễm RSV. Đáng nói, có 5 bé đang phải thở ô xy vì nhiễm RSV nặng. Rất nhiều trẻ mắc RSV tại Bệnh viện Thanh Nhàn mới chỉ 1 tháng hoặc 2 tháng tuổi. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu trong tình trạng thở khò khè, một số trẻ bị suy hô hấp.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi nhiễm RSV đang có xu hướng tăng hơn 20 - 30% so với trước. Riêng tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), trung bình mỗi ngày tiếp nhận 150-160 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có khoảng 30 bệnh nhi nhiễm RSV.
Đặc biệt, theo Sở Y tế Hà Nội, thời tiết thuận lợi cho các dịch bệnh cùng phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 19 lần so với cùng kỳ; 800 ca thủy đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Riêng trong tuần cuối tháng Ba, Hà Nội có 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.
Thủy đậu cũng đang tấn công vào các trường học làm xuất hiện nhiều chùm ca bệnh. Điển hình như tại Trường mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì) có 12 trường hợp; Trường mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 9 trường hợp, Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 trường hợp; Trường mầm non Hạ Bằng, huyện Thạch Thất có 12 trường hợp…
Trước tình hình “bệnh chồng bệnh”, ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - vừa yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị tăng cường rà soát công tác tiêm chủng, triển khai tiêm bổ sung đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được tiêm chủng đầy đủ. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tấn công vào trường học.
Ông cũng kêu gọi truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh thân thể, mũi họng; thăm khám và cách ly khi phát hiện bệnh…
Huyền Anh