"Hạ nhiệt" nhé anh yêu!

19/04/2016 - 16:00

PNO - Hồi yêu nhau, em đã biết anh nóng tính, nhưng nghĩ chuyện đó cũng chẳng có gì nghiêm trọng, miễn anh tốt với em là được.

Hơn nữa, anh “nóng” đó rồi “nguội” đó, biết xin lỗi để xoa dịu người yêu, nên cũng đáng được thông cảm.

Cưới nhau, ba mẹ anh dặn dò em: “Thằng M. có tính nóng... lửa rơm, con đừng chấp làm gì, vợ chồng “chín bỏ làm mười” mà sống nghe con!”. Em gái anh cũng cảnh báo: “Anh em nóng như Trương Phi, rồi chị sẽ ngán”. Em thầm cảm ơn ba mẹ và em gái. Trong niềm hạnh phúc lẫn bẽn lẽn của cô dâu mới, em tự tin: “Lấy vợ rồi, chắc anh ấy phải thay đổi chứ mẹ! Đàn ông có chút nóng nảy cũng chuyện thường”.

Mẹ cười có vẻ yên tâm. Thú thật, em cũng chẳng để ý xem anh “nóng” thế nào, “nóng” với ai, vì nghĩ đâu chỉ có đàn ông mới “nóng”. Có những chuyện ngay cả phụ nữ đôi khi cũng không kiềm nén được cảm xúc, phải bộc lộ ra ngoài bằng cách này, cách khác đó thôi. Nhưng đến một hôm, anh cãi tay đôi với sếp (một người mà anh cho là vừa kém chuyên môn, vừa kém cả cách quản lý), em nghe kể lại mà phát hoảng. Anh đập bàn, vỗ ghế, nói năng thô lỗ, thể hiện sự bất cần và thái độ coi thường. Chưa hả dạ ở cơ quan, anh mang bộ mặt nặng như chì về nhà, khiến em cũng chẳng muốn đến gần.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Thử hỏi anh, anh đang phấn đấu để đứng vào hàng ngũ lãnh đạo mà hành xử như thế thì làm sao làm gương cho nhân viên? Anh có biết là anh vừa đánh mất hình ảnh bản thân và cơ hội thăng tiến không? Anh có biết làm tổn thương người khác và làm họ đau đớn thế nào không? Nghe em làm một tràng như thế, anh trợn mắt: “Em biết gì mà nói. Im đi cho anh nhờ!”. Biết anh đang “nóng”, em cũng chẳng chấp, có nói thêm, vợ chồng thể nào cũng bất hòa.

Đến khi “nguội”, anh lại phân bua là tại mình quá... nóng. Mà đâu phải mình anh biết “nóng”, chẳng qua là người ta biết kiềm chế, sợ hệ lụy. Em thấy chỉ vì giận nhau lời nói, ghét nhau ánh nhìn mà có người sẵn sàng mang dao đi trả thù, chẳng phải nguy hiểm sao? Sống với anh mới nửa năm, em đã thấm thía lời cảnh báo của ba mẹ và em gái anh. Em từng chứng kiến nhiều cơn nóng giận đến mất lý trí của anh. Tính anh như thế nên người khác tiếp xúc với anh dường như đều rất dè chừng và thiếu thật lòng.

Anh ơi, tính nóng nảy có thể kiềm chế được. Anh hãy thử tập như thời mình yêu nhau. Hồi ấy, anh không nóng nảy như bây giờ, có lẽ anh đã kiềm nén để em không nhận ra. Hay như hôm vợ chồng mình cãi nhau vụ em tự ý mua xe đạp cho đứa cháu mà không đợi anh đi cùng, vì cho rằng anh là đàn ông, mấy vụ xe cộ anh rành hơn em. Chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng mình cũng cãi nhau vì cách nói khó nghe của anh.

Lúc đó, em thấy anh bậm môi, hai tay nắm chặt, như muốn... ăn thịt em. Nhưng rồi, anh hướng cái nhìn ra ngoài, như muốn giải tỏa sự giận dữ khỏi cơ thể, phải không anh? Một lúc sau, anh đi thẳng vào phòng tắm, em nghe tiếng nước chảy ào ào. Có lẽ nước mát đã giúp xoa dịu cơn nóng giận của anh. Em cũng lập tức để lòng lắng lại. Hôm đó, có lẽ em là người hạnh phúc nhất vì lần đầu tiên chứng kiến chồng mình kiềm chế cơn nóng giận thành công... ngoạn mục.

Cứ như thế mà làm, anh nhé. Hạn chế nóng giận, tìm cách giải phóng cơn giận đúng lúc. Đôi khi, sự im lặng cũng là cách kiềm chế tinh tế nhất. Em cũng muốn đồng hành thay đổi cùng anh, để có dịp nhìn lại mình. Mình phải biết điều tiết các mối quan hệ để tồn tại. Vợ chồng mình nhất định sẽ thay đổi, không để giận quá mất khôn, anh nhé !

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI