Phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, nệm êm, chăn ấm chỉ có mình bà trằn trọc, giấc ngủ chập chờn, thấp thỏm mong bước chân chồng vào phòng. Có đêm trời mưa to, bà phải giả vờ trúng gió, vào phòng của chồng, nhờ ông cạo gió, rồi lại giả vờ lạnh quá ôm chồng. Làm “chuyện đó” xong, ông lăn ra ngủ.
|
Ảnh minh họa |
Sau cuộc yêu “gượng ép”, bà vợ càng thêm chua chát. Chẳng phải bà ham hố, mà bà sợ chồng bà không thèm “ăn cơm”, vì chắc đã no “phở” bên ngoài. Ba năm yêu nhau, gần mười lăm năm vợ chồng, bà luôn tự tin trên ngôi nữ hoàng. Hai đứa con, gái trai kháu khỉnh, khỏe mạnh ra đời, khiến bà càng thêm quyền lực. Bà xinh đẹp, ăn mặc thời trang, có nghề kế toán…
Trong mắt chồng, bà luôn là người mà “anh muốn sống bên em trọn đời”, kể cả trong khoản gối chăn. Bà luôn biết cách chiều chồng. Mỗi lần ông phạm tội, bà chỉ cần ra chiêu “đêm nay mình xa nhau” là ông chồng xưng tội, sám hối và ngoan ngoãn vâng lời vợ ngay. Vậy mà, sao nay bà lại lâm vào cảnh “xin xỏ” thảm hại vậy?
Cách đó một tháng, ông hớn hở mặc quần áo đẹp đi dự sinh nhật một người bạn thân. Nhưng lần này ông không rủ bà đi, mọi lần phải năn nỉ bà mới đi. Ông giải thích: “Bạn cũ gặp nhau, tào lao toàn chuyện trường lớp ngày xưa nên chẳng có ai đưa vợ/chồng cùng đi cả”.
Bà nghi ngờ chồng muốn “thể hiện” gì đó với một cô bạn cũ nào đó… Bà tưởng tượng cảnh ông bồi hồi rung động khi gặp lại tình cũ, chỉ có vậy nên mới không muốn vợ đi cùng.
Khi chồng về nhà, như để bù đắp việc bỏ bê vợ, ông sà vào nịnh vợ, bà kiêu hãnh gạt phắt: “Đừng đụng vào tôi”. Ông lẳng lặng bỏ lên lầu. Bà vợ quá biết tính chồng “chỉ cần sau hai đêm ngủ chay là thế nào cũng tỏ ra hối hận, năn nỉ làm lành”. Nhưng sao lần này, ông thờ ơ khiến bà bàng hoàng.
Chẳng những không cần chuyện đó, ông cũng không thèm ăn cơm nhà, cũng chẳng thèm nói chuyện. Bà “sốc” chạy đến chuyên viên tư vấn, kể lể với bạn bè, méc cha mẹ chồng... Ai cũng đổ cho bà sử dụng chính sách “cấm vận” là hạ sách, làm đàn ông tự ái… Họ trách bà ghen linh tinh.
|
Ảnh minh hoạ |
Họ lên án hành vi của bà lên cơ quan chồng “dằn mặt” mấy cô nhân viên thân thiết với ông. Nói chung là bà đầy tội lỗi, còn chồng bà thì đến giờ này vẫn trong sạch. Họ khuyên bà nên chỉnh sửa ngay hành vi, thay đổi thái độ, cụ thể là nói ngọt ngào, siêng nấu ăn, làm đẹp… nói chung là biến thành một người vợ dịu dàng, đảm đang.
Bà cố gắng thay đổi, vào bếp nấu vài món chồng thích. Ông về nhà, bà không còn “quát” giờ mới về, mà ngọt ngào hỏi anh có mệt không, rồi lặng lẽ dọn cơm. Ông ra khỏi nhà, bà nhẹ nhàng nhắc chồng mang theo áo mưa… Vậy mà sao ông chồng còn tệ hơn.
Có lần, vợ chồng cùng ăn sáng, ông trách bà chuyện vợ chồng “chẳng có gì nghiêm trọng” mà sao làm phiền đến cha mẹ chồng, khiến cho ông bà già mất ngủ vì lo sợ hai đứa cháu nội sống cảnh ly tan, ông bà gọi điện liên tục để lên lớp con trai về trách nhiệm làm chồng làm cha… Dù vâng dạ với cha mẹ, nhưng ông vẫn lạnh lùng với vợ, tối ông vẫn về nhà cho cha mẹ yên lòng, nhưng vẫn ngủ một mình.
Thái độ bất hợp tác của ông khiến bà càng rối loạn. Bà lén lút kiểm tra túi đi làm của chồng, hoang mang tột độ khi thấy trong đó có cả hộp bao cao su, vì vợ chồng bà không bao giờ dùng bao. Nhân lúc ông tắm, bà rình xem điện thoại của chồng, bà suýt ngất, vì ông nhắn cho cô nào đó, mà nick name là bà xã… Thôi rồi!
Bà đớn đau quằn quại coi như mình chính thức mất chồng. Một người đàn bà có tiếng xinh đẹp, khôn ngoan giờ hoảng loạn không biết phải làm sao. Các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư càng làm bà rối loạn. Người khuyên bà “còn nước còn tát”, kẻ lại cho rằng “hết nước rồi, tát gì nữa”… Bà cũng chẳng còn nói ngọt với chồng mà chỉ im lặng.
Giữa lúc rối bời tâm trí, bà lại nhận được tin nhắn của ông: “Mình chia tay đi, tình hình sẽ tốt hơn cho cả hai”. Thế nhưng, không hiểu sao, bà lại không khóc, không còn chạy đi tư vấn, bà chỉ tập trung vào chữ “tình hình sẽ tốt hơn” và cố nhìn ra điều tốt hơn cho mình.
Chồng bà nói đúng, bà không thể sống tiếp trong hoàn cảnh hiện tại. Sống khác đi sẽ tốt hơn chăng? Đối với hai đứa con, chồng bà vẫn là một người cha tốt. Bà liệt kê những gì mình có: sức khỏe, trình độ, thu nhập, con cái, cha mẹ, anh em ruột, bạn bè thân… Chỉ mất mỗi ông chồng đã cạn tình. Bà không hề cô độc trên đời. Một ngày sau, bà nhắn tin trả lời: “Vâng, em đồng ý!”.
Trường Sơn