Hạ huyền vừa cháy một miền trăng

07/02/2023 - 07:34

PNO - Lê Hải Kỳ đến với thơ khi vừa đủ độ say - anh say cái nồng nàn của đất, trăng và hoa.

Tập thơ Trăng hạ huyền đã cháy của Lê Hải Kỳ (Nhà xuất bản Đà Nẵng) đưa tôi “trôi” từ đồng bằng sông nước đến cao nguyên đá núi, nơi đâu cũng đậm nét.

Nét của thơ Lê Hải Kỳ là “nét chắt từ cái bụng thẳng ngay” (Những bức thư viết tay) dù anh có rón rén, suy tư… hay lơ đãng, dùng dằng: “phố núi đi lên còn tôi đi xuống/ quanh co xẻ thành hai nửa (Phố núi).

Núi và rất nhiều ngọn núi mọc hoang trong thơ và trong lòng anh. Những ngọn núi ám tượng, chập chờn, đôi lúc thảng thốt đi, thảng thốt về… nên khi đọc thơ anh những bài về núi, dù có đoạn vui: “thương thương người ngủ muộn/ cho nương dứa chín vàng/ nhánh lan rừng em trồng đã bắt đầu nảy nụ/ bên ổ rơm, gà cục tác trứng tròn (Thương người ngủ muộn), đâu đó vẫn phảng phất buồn, cái buồn của núi trầm tư ngàn năm trơ trọi:

“buổi chiều đông neo mình bên vách đá
con sói lạc bầy đứng nhìn bóng mình chảy dài xuống vực thẳm
những tiếng hú vọng về miền hoang dại” 
(Chênh vênh)

Và đồng bằng với anh cũng không ngoại lệ buồn. Cái dư ba của đầu bãi cuối ghềnh tự bao đời nay chưa lúc nào mất đi. Nó chỉ ẩn hiện đâu đó quanh tâm hồn thi sĩ để rồi vỡ òa nhạt nhòa châu thổ bằng màu tím biếc lung lay ru lòng ta bảng lảng khói sương, khi cần…

Lê Hải Kỳ luôn khao khát sự tận cùng. Như bao thi nhân khác luôn mong đi đến tận cùng dù là khổ đau hay hạnh phúc, anh không chấp nhận sự nửa vời: 

“cơn cớ gì,
con bói cá đâm vào vách đá 
dập nát nghĩ suy”
(Em trả lời tôi đi)

Cũng như bao con sông đều chảy ra biển cả theo quy luật, phận sông thì phải chảy nhưng ra đến biển rồi sông sẽ đi đâu, về đâu, có hay không tồn tại sự tận cùng? Những thắc mắc của anh cũng không ngoại lệ khi ta đều hướng mắt về chân trời và thở trong sự nuối tiếc của lòng mình, của thơ. Nên đôi khi, tôi thấy thơ anh bất lực với chính mình vì ngôn ngữ này không tận cùng để khao khát của anh còn khắc khoải như nhành hoa trắng ám ảnh phía trăng trôi:

“đêm qua
có kẻ lang thang tìm nhặt những làn hương ảo vọng
hoa trắng tàn úa mất rồi”
(Hương)

Sự trầm tư của anh luôn hướng về nỗi nhân sinh, sự sống, cái chết, sự khởi đầu và kết thúc. Chân ta đặt trên đá núi này, tay ta khỏa nước mặt sông này và thứ gì đó mường tượng trôi chảy vào ta. Đó là mạch nguồn không khơi tạo, không đoán định - mạch nguồn tổ tiên. Áng mây chìm nổi này, hơi thở này được bắt nguồn từ ông cha. Lê Hải Kỳ đã chiêm nghiệm và tự vấn lòng mình về những điều như thế. Những cảm xúc không thể ước chừng hay phân định rạch ròi nhưng nó cứ thế mà xanh, cứ thế mà lớn lên trong thơ anh từng ngày. Nên trong Trăng hạ huyền đã cháy, ngoài nỗi buồn còn có sự hồn nhiên tươi như cây cỏ: “em là hoa thiên sứ/ cứu rỗi hỗn mang theo một trật tự tinh khôi” 
(Hoa thiên sứ). 

Trăng hạ huyền đã cháy là một tập thơ tự do. Hải Kỳ không chuộng vần điệu, những câu dài ngắn đan xen, cắt xuống đột ngột và cả những dấu câu cũng bất quy tắc. Cũng phải, vì lòng anh đã âm ỉ một miền trăng như thế thì thể thơ vần điệu sao thỏa được. Anh phải tung tẩy, phải bày miền trăng ấy ra. 

Chúng ta vẫn đang trên hành trình đi đến sự tận cùng. Nơi tận cùng ấy có hay không, nó ra sao, đẹp hoặc buồn thế nào, là tiên cảnh hay khổ đau… có thể chẳng ai biết và thời gian vẫn đang trôi… Nhưng với niềm tin “cứ đi, sẽ đến”, Lê Hải Kỳ đang tỏ bày lòng mình: “tôi nguyện yêu thơ đến khi nào trời thôi thiên thanh, hải lưu thôi nóng lạnh (Cầu hôn thơ).

Trên độc đạo này, điều cốt lõi, người viết phải biết tự làm mới mình. Với sự nhiệt thành trong thơ mà Hải Kỳ đang mang, tôi nghĩ anh sẽ làm tốt điều đó, như anh từng nhủ: 
“sau mỗi vụ mùa, đời lúa tái sinh...”.
(Lúa bấc)
 

Khét

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI