Thật ra, nếu từng trò chuyện với anh, người ta sẽ biết rằng đó là một con người cực đoan trong nghệ thuật, cực đoan đến mức nghiệt ngã với bản thân mình. Anh không cho phép mình lặp lại: lặp lại người khác không và lặp lại bản thân mình càng không. Mười năm trước, khi bước ra từ cuộc thi Sao Mai iểm hẹn anh đã thế, con đường của anh về sau càng thế.
Có thời gian Hà Anh Tuấn trầm cảm, thời gian kéo dài tính bằng đơn vị năm, chứ không phải tháng hay ngày. Anh sợ bóng tối, sợ cả con người, không hề có một giấc ngủ ngon. Không dễ để hiểu được điều đó, vì với cái nhìn từ bên ngoài, Hà Anh Tuấn hội đủ yếu tố để trở thành một ngôi sao: ngoại hình sáng sân khấu, giọng hát nhiều cảm xúc, có điều kiện kinh tế để theo đuổi điều mình muốn, là hình mẫu tươi tắn, lịch lãm, tinh tế mà showbiz thiếu… Nhưng, anh cứ như thế mà biến mất, không sản phẩm âm nhạc, không biểu diễn sân khấu.
Chính sự cầu toàn và kỹ tính đã khiến anh rơi vào trạng thái không hài lòng với bản thân, lúc nào cũng muốn mình phải tốt hơn - cái tốt hơn không thuộc về phạm trù nổi tiếng hơn, có đông khán giả hơn, có cát-sê cao hơn. Nghệ sĩ tính cực đoan trong anh, ở một khía cạnh nào đó, đã biến anh thành người cao ngạo.
Anh không cần biết khán giả nghĩ gì, cần gì mà chỉ cần biết mình muốn gì. Trong bối cảnh người người ra MV, nhà nhà phát hành album online thì anh vẫn chỉ “sướng” khi được cầm trên tay chiếc CD, như đó là dấu hiệu duy nhất để anh nhận biết về thánh đường âm nhạc mà anh tôn thờ.
Thế nhưng, dường như đã có một Hà Anh Tuấn khác, khi bố anh qua đời (năm 2015). Vẫn chất nghệ sĩ ấy, vẫn sự khắt khe với sản phẩm âm nhạc ở mức cao ấy, nhưng anh như đã chịu nhìn xung quanh hơn, để hiểu được hơn mình cần phải làm gì cho những người đã yêu thương anh vô điều kiện trong bao năm qua.
Lần đầu tiên anh thực hiện MV, bài hát Tháng Tư là lời nói dối của em, phát hành vào 14/9/2016, như là lần đầu tiên anh đặt mình vào vị trí người khác. “Thật ra câu chuyện âm nhạc lần này là của Phạm Toàn Thắng nhiều hơn, tôi chỉ “ké” cảm xúc của mình vào đó. Âm nhạc của Thắng lãng mạn kinh khủng.
Cách đây năm-bảy năm mình vẫn còn lãng mạn như thế, yêu đương, nhung nhớ… đó là điều tôi từng có. Tôi không nói rằng vì bây giờ tôi đã già đi, nhưng cuộc sống có những nỗi buồn mà đến bây giờ mình còn chưa tỉnh ra khỏi nó, nó khiến trong ánh mắt và nụ cười của mình cũng đã khác xưa. Cái lãng mạn này khiến mình yêu đến ngỡ ngàng”, Hà Anh Tuấn chia sẻ.
* Hà Anh Tuấn cuối cùng cũng làm MV, đó là sự cởi mở hay thật ra cuối cùng anh đã biết sợ?
- Sợ là một trong những điều mà người ta nên có nếu không muốn dừng lại. Thường những người sau khi trải qua nhiều, thấy nhiều, vui nhiều buồn nhiều họ bắt đầu biết sợ, đúng không?
Những đứa trẻ con có bao giờ biết sợ đâu. Cho nên, đối với tôi, khi sợ nghĩa là người ta đã lớn. Quả thật tôi đã biết sợ, nhưng cái sợ ở đây không phải là sợ sẽ mất cái gì đó trên con đường của mình mà chỉ sợ tôi phụ lòng những người yêu thương mình, những người đã theo mình 10 năm.
Trước đây tôi rất “phũ”, tôi không nghĩ nhiều về khán giả, tôi chỉ hát cho họ nghe những gì tôi muốn hát. Mình như thế mà khán giả vẫn theo, vẫn yêu vô điều kiện nên giờ là lúc mình phải đáp trả lại tình yêu đó.
Bây giờ ít ai, đặc biệt các bạn trẻ, xem ti vi hay là nghe CD nên nếu cứ bảo thủ theo cách của mình, số lần tôi và khán giả gặp nhau sẽ rất ít. Sau sự mất mát người thân quá lớn, tôi nghiệm ra một điều là cuộc đời này rất ngắn, mình nghĩ gì, cảm thấy gì hãy làm ngay đi, cho kịp.
* Ừ là thế, nhưng nếu xem đây cũng là một sự thỏa hiệp ở nghĩa nào đó, thì có sai không?
- Trong một, hai năm gần đây, những mất mát của tôi trong cuộc sống riêng nhiều quá. Khi mất hẳn đi người thân, tôi mới nhận ra nhiều điều, tôi thấy con người quá nhỏ bé. Mình có thể bướng bỉnh lì lợm, mưu mô tính toán, nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng chỉ quá nhỏ bé trong cuộc đời này.
Thế nên tôi nhắc mình đừng sống nặng nề, gồng mình, đừng căng thẳng phản ứng gì cả. Hãy sống nhẹ nhàng nhất, chan hòa nhất khi mình còn có thể. Với âm nhạc, tôi cũng muốn như vậy. Thỏa hiệp ư, có thể, nhưng không giống như vì tôi mất miếng bánh này nên tôi phải làm điều này để lấy lại nó.
Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ thấy mình thiệt thòi gì trong âm nhạc, để phải thỏa hiệp lấy lại. Trong mười năm qua, cái “được” của tôi quá nhiều.
* Anh từng nói đường đi này, kết quả này vừa vặn với mình, nhưng nhiều người đã thấy rằng với khả năng của anh, chuyện tiến xa hơn nữa là hoàn toàn có thể. Nghĩa là nếu chọn cách đi khác với cách mà anh đã đi, anh sẽ được nhiều hơn nữa…
- Nổi tiếng hơn thì sẽ mất mát hơn, điều đó tôi thấy từ chính mình, từ những đồng nghiệp xung quanh. Với tôi, cái được không quan trọng bằng cái trả giá. Nhiều người không ngại trả giá để đạt được cái họ muốn, nhưng với tôi cái “an”, cái “bình” mới là quan trọng nhất.
Tôi sinh ra và lớn lên không chỉ có âm nhạc, cuộc đời tôi không chỉ duy nhất có âm nhạc. Thế nên, tôi không biết đường mình đi đúng hay đường người ta đi đúng, tôi chỉ biết cái tâm mình đang an. Thế thì, biết đâu bên kia núi là cả một vườn hoa hay một cơn bão đang chờ.
Tôi không muốn thử, vì bên này núi tôi còn cả nghìn thứ khác, tôi đang vui vẻ và hào hứng làm việc. Hơn nữa, ta không đi ngược thời gian, để biết rằng nhận định đó có đúng hay không?
Tôi từng có nhiều lúc nghĩ rất nhiều, đầu tôi là cái đầu của một người học về khoa học mà, tôi hay nghĩ kiểu, đáng lẽ mình phải thế này đáng lẽ mình phải thế kia, nhưng chả bao giờ tôi trả lời được câu hỏi rằng cái “đáng lẽ” ấy nó có đúng hay không. Vậy nên cứ làm thôi.
Cũng có lúc làm xong rồi mới chột dạ, vì biết rằng nó chưa tốt nhưng không sao, ta sẽ sửa ở lần sau. Đối với những gì đã làm rồi thì tôi không bao giờ phí công nghĩ rằng lẽ ra này giá như kia.
* Nhưng anh có “an” thật không, với chuyện anh từng trầm cảm ấy?
- Cái trăn trở của tôi là điều tất yếu, trong âm nhạc nếu không trăn trở thì không có động lực để tiếp tục làm việc. Cái không an của tôi đến từ sự quan sát môi trường xung quanh. Có những điều tôi lớn lên và được giáo dục rằng chuyện đó là đúng, hiển nhiên đúng, nhưng môi trường xung quanh lại không theo nguyên tắc đó. Sự bất an đến từ đó.
Sau này, tôi tâm sự những trăn trở này với nhiều người bạn lớn, họ dạy tôi biết rằng đừng nghĩ cuộc sống của người khác phải tuân theo nguyên tắc, quy luật của mình. Ngay cả khi mình cho rằng đó là quy chuẩn đạo đức, nhưng xã hội rộng hơn mình tưởng, và chỉ cá nhân đó biết rõ động cơ, sự trả giá, mục đích và sự hạnh phúc chứ ngay cả người thân họ cũng không hiểu được.
Tôi nghe thế rồi ngẫm, và rồi nhận ra mình quá phí thời gian cho những trăn trở đó. Hãy cứ làm tốt nhất những gì mình có thể làm, và điều đó sẽ đem lại chuyển biến tích cực cho xã hội, đừng cố gắng can thiệp người khác.
* Showbiz vận hành theo một kiểu, cứ cho là sai đi, nhưng nếu cứ bảo mặc kệ nó đi, đừng nghĩ về nó nữa đừng làm theo kiểu như vậy, thì có khác nào chúng ta chọn cách đứng bên ngoài nó rồi?
- Không, không chọn làm như thế không có nghĩa là chúng ta đã ở bên ngoài nó, tôi không nghĩ thế. Sự vận hành của showbiz rất nhiều phần phụ thuộc vào công chúng, mà công chúng là ai, là xã hội. Showbiz hay tất cả lĩnh vực khác, nó không tự thân vận hành mà có những xung lực từ bên trong lẫn bên ngoài.
Showbiz là một phần quá nhỏ của xã hội này, và trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu điều đáng nói của xã hội. Chưa bao giờ tôi thấy câu “nothing is impossible” đúng như bây giờ (không có gì là không thể - PV), kể cả đối với người như tôi, ăn học trong thời đại mới, đi đây đi đó nhiều nước thường xuyên mà vẫn không tưởng tượng được chuyện đó lại như thế.
Nhìn nhận như thế để hiểu rằng mình cần luôn luôn trong trạng thái phải giải quyết vấn đề, chứ đừng mong cầu vấn đề không xảy ra. Trong âm nhạc, đừng trông chờ một ngày nào đó quay lại người ta sẽ lý giải à lâu quá rồi tôi chưa nghe nhạc Hà Anh Tuấn, hay dạo này nhiều ca sĩ quá nên tôi không nghe Hà Anh Tuấn…
Không, tôi cứ mặc kệ thiên hạ có những lựa chọn của họ ngoài kia, nhưng tôi phải chủ động với âm nhạc của mình. May là mười năm qua khán giả của tôi không rơi rụng đi, mà họ lớn lên dần hàng ngày, giống như tôi.
Bọn trẻ con ngày xưa giờ đã đi làm, đã lập gia đình, đã có con… vẫn yêu mến tôi, gửi tin nhắn inbox hàng ngày. Tôi còn gì hạnh phúc hơn. Ở tuổi này tôi đâu thể mong mình cứ như hai mươi mấy. Không chịu lớn mới là điều bất hạnh.
Tôi muốn lớn lên và tôi muốn những người yêu mình cũng lớn lên. Họ lớn lên, không la hét như ngày xưa nữa và họ đòi hỏi cái gì sâu sắc hơn. Đó là một trong những nguyên do tôi phải làm nhạc cẩn thận, mà sự cẩn thận thì không thể đồng hành cùng tốc độ được.
* Không khó để thấy anh tư duy theo “trường phái logic”. Với nghệ sĩ, điều đó có tốt không?
- Đúng, luôn luôn phải là logic khi tôi nghĩ và nhìn nhận về thứ gì đó. Đứng trước một thắc mắc, tôi thường tìm cho ra nguyên do, để ít nhất mình đừng nghĩ về nó nữa. Thật ra khi con người ta không giải quyết được vấn đề, họ lại nghĩ đến đức tin, nhưng như thế thì mình không chủ động được cuộc sống của mình.
Đối với tôi, ngoài âm nhạc cuộc sống còn nhiều công việc khác. Tôi ít xuất hiện trên sân khấu vì đó là cách tôi lựa chọn, nhưng tôi vẫn đồng hành với âm nhạc và giải trí mỗi ngày bằng nhiều vai trò khác nhau.
Điều đó sẽ giúp tôi vào một ngày nào đó nếu không còn sức sáng tạo trong âm nhạc, vẫn được sống với âm nhạc. Tôi chuẩn bị cho mình một con đường dài. Tôi không muốn một ngày đẹp trời, ngủ dậy và thấy mình hai bàn tay trắng.
* Đó là một cách nhìn xa nhưng ở một giới hạn nào đó, nó sẽ khiến mình ngại dấn thân, ngại liều lĩnh, mà điều đó có nghĩa là khó đột phá…
- Đến bây giờ tôi vẫn dấn thân. Việc mọi người bảo lẽ ra tôi đã “hot” hơn nếu đi một con đường khác, nhưng tôi đã chọn cách đi này mà không hề quan tâm đến việc “hot” hay không, là một sự dấn thân đấy chứ. Bởi vì tôi biết mình cần cái gì, vừa vặn với cái gì, và điểm rơi của mình ở đâu. Tôi không thuộc týp nghệ sĩ chết trên sân khấu.
* Điều cuối cùng: Anh sẽ làm liveshow kỷ niệm mười năm ca hát vào cuối năm nay. Mười năm, có điều gì anh hối tiếc không?
- Thật lòng là không. Không cần phải thay đổi điều gì nếu được quay trở lại. Những kế hoạch mà tôi đã thực hiện là sự chủ động và bằng mọi giá tôi đã thực hiện cho được. Có chăng là có những lần tôi đồng ý đứng trên một sân khấu không thuộc về mình. Cảm xúc sau những lần đó đã giúp tôi hiểu ra rằng nếu như sân khấu đó, khán giả đó không thuộc về mình thì đừng cố. Điều ấy sẽ chỉ giết chết người nghệ sĩ mà thôi. Với tôi, đứng sai sân khấu là điều khủng khiếp nhất.
* Xin cám ơn anh!
Võ Hà (thực hiện)