H.Củ Chi: Bị COVID-19, giáo viên có thể bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”

24/11/2021 - 06:24

PNO - Nhiều công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên đang công tác trên địa bàn H.Củ Chi, TPHCM, bày tỏ sự lo lắng với chỉ đạo mới đây của UBND huyện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Văn bản số 9295/UBND-VP ban hành ngày 11/11, UBND H.Củ Chi yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc “không được tập trung ăn uống tại các hàng quán” (điều 1).

Theo một giáo viên, quy định này chưa rõ ràng, cần giải thích rõ thế nào và trường hợp nào được gọi là "tập trung ăn uống". Vì UBND thành phố đã cho phép người dân buôn bán trở lại thì không thể cấm công chức, viên chức sử dụng các dịch vụ này. Giáo viên này khẳng định, sẽ không phàn nàn về việc mỗi người phải có trách nhiệm hơn và sẵn sàng thực hiện nghiêm những biện pháp phòng tránh dịch, nhưng chỉ nên khuyến khích chứ không nên cấm.

 

 

 

 

 

Văn bản số 9295/UBND-VP về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của UBND H.Củ Chi khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên, lo lắng
Văn bản số 9295/UBND-VP về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của UBND H.Củ Chi khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên, lo lắng

Vấn đề khiến nhiều người bức xúc hơn nữa là: cán bộ, công chức, viên chức bị nhiễm bệnh, nếu không xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ mà do chủ quan, lơ là, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch sẽ bị xem xét đánh giá mức độ “không hoàn thành nhiệm vụ” (điều 5). 

Nhiều người đang công tác trong ngành giáo dục cũng bày tỏ sự lo lắng với điều khoản này. Họ cho rằng, thời điểm này, số ca F0 trong cộng đồng vẫn còn nhiều, cho nên nguy cơ bị lây nhiễm khi đi siêu thị, đi chợ, đi nhà thuốc hay trong mọi sinh hoạt… là điều khó lường.

“Khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ mệt mỏi, tinh thần sẽ lo lắng, bất an, lẽ ra phải được động viên, chia sẻ, hỗ trợ chứ sao lại còn xem xét đánh giá mức độ “không hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi thấy đây là một yêu cầu thiếu chia sẻ trong lúc khó khăn. Có ai muốn mình bị bệnh đâu” - một giáo viên tại H.Củ Chi nhận xét.

Nhiều công chức, viên chức khi nhận văn bản này đã cảm thấy hoang mang, bởi “mức độ hoàn thành công việc” hằng quý có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của thành phố. Trong khi thu nhập tăng thêm càng có ý nghĩa khi dịch bệnh kéo dài, đời sống kinh tế khó khăn. 

Ngày 17/11, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề trên, lãnh đạo UBND H.Củ Chi cho rằng: Văn bản 9295/UBND-VP hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp.

“Vì trong cuộc chiến này tất cả mọi người dân đều là một chiến sĩ.Trong đó, cán bộ công chức, viên chức phải là người tiên phong đi đầu trong phòng, chống dịch để bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, trong thời gian qua, bên cạnh những người rất chủ động, tích cực, thì vẫn còn nhiều người khá chủ quan. Thậm chí có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên tụ tập giao lưu với bạn bè, gia đình và không tuân thủ 5T, 5K gây nhiều chuỗi lây nhiễm” - vị lãnh đạo này cho hay.

Theo lãnh đạo huyện, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ, công chức, viên chức là những người sống trong tổ chức mà chấp hành không tốt thì không thể nêu gương cho người dân. Đó cũng là cách bảo vệ bản thân cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng. Về vấn đề làm sao xác định cán bộ nhiễm bệnh do không tuân thủ quy định phòng, chống dịch, UBND huyện cam đoan, có đầy đủ công cụ, biện pháp để truy vết biết nguồn lây nhằm xác định đúng những trường hợp nhiễm COVID-19 không xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ, mà do chủ quan, lơ là, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Theo quy định đánh giá, phân loại cán bộ hằng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập UBND TPHCM thì kết quả đánh giá, phân loại hằng quý là căn cứ để tăng thu nhập hằng quý đối với công chức, viên chức. Đây cũng là căn cứ để đánh giá, phân loại thi đua và là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với công chức.

Quyết định của UBND thành phố đưa ra ba nhóm tiêu chí để đánh giá, phân loại, gồm: ý thức tổ chức, kỷ luật, phẩm chất đạo đức; năng lực, kỹ năng và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả chấm điểm sẽ phân loại công chức thành bốn nhóm, gồm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức bị kỷ luật trong quý sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ… Căn cứ kết quả đánh giá, phân loại nêu trên, thành phố sẽ chi thu nhập tăng thêm đối với công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Quốc Ngọc - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI