Gút… đến chân, không kịp nhảy

05/07/2017 - 11:00

PNO - Một số bệnh nhân gút bị biến chứng suy, teo thận, số khác lại bị co rút xương, cơ hoặc dính và biến dạng các khớp tay, chân.

Triệu chứng nhẹ nhất của bệnh này là đi lại khó khăn, tay chân đau nhức; nặng thì tàn phế, suy thận, nhưng rất nhiều người… “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Q.H.P. (34 tuổi, quê An Giang) từng làm giám sát công trình xây dựng, phát hiện bị gút cách nay 5 năm. P. kể, lúc đầu anh mắc dạng nhẹ, thỉnh thoảng các khớp ngón tay sưng, thường xảy ra sau cuộc nhậu.

Do đặc thù công việc P. phải tiếp khách, ăn nhậu nhiều nên bệnh tình trở nặng nhanh chóng. Khoảng một năm nay, anh không tự đi lại được, hai bàn chân nổi nhiều cục u biến dạng, to phồng. Đang điều trị tại Viện Gút TP.HCM, P. di chuyển bằng xe lăn.

Gut… den chan, khong kip nhay
Nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn bệnh nhân gút chăm sóc vết thương bị biến chứng lở loét, hoại tử


Ông N.H.N. (43 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) được người nhà đưa đến Viện Gút TP.HCM trong tình trạng hoại tử lở loét, ngón khớp chân-tay biến dạng. Sau bốn tháng điều trị, từ một người “ngủ không thể duỗi chân”, bệnh nhân có thể đi lại.

Tuy nhiên, mới chớm giảm bệnh, ông N. đã “ngựa quen đường cũ”. Thấy ông N. “bặt tăm” thời gian dài, không tái khám, nhân viên Viện Gút liên lạc, mới hay bệnh nhân đang cấp cứu tại một bệnh viện vì hôn mê.

Được biết, ông N. bị gút tái phát do tiếp tục “làm bạn” với rượu. Bị cơn đau hành hạ không chịu nổi, ông N. mua thuốc giảm đau, kháng viêm (dexamethason) uống. Lạm dụng thuốc dexamethason khiến đường huyết tăng cao, bệnh nhân bị hôn mê sâu.

Gut… den chan, khong kip nhay

Trước khi đến Viện Gút, cụ N.T.P. (70 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) điều trị tại một bệnh viện suốt hai năm với triệu chứng khó ngủ, tiểu buốt và đau nhức. Kết quả siêu âm cho thấy, một thận trái cụ P. teo hẳn, bên còn lại đang suy và teo dần. 

Các bác sĩ (BS) bệnh viện này chẩn đoán cụ P. bị suy thận tuổi già. Tuy nhiên, tại Viện Gút, sau khi làm các xét nghiệm, mới xác định bệnh nhân bị gút biến chứng khiến hư thận. 

Theo BS Nguyễn Văn Thắng, khoa Xương khớp, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM rất nhiều bệnh nhân gút bị biến chứng nặng. Mỗi ngày, BS Thắng khám khoảng 50 ca cơ xương khớp thì có khoảng năm trường hợp mắc bệnh gút.

Hầu hết bệnh nhân đến khám đã bị mọc các cục u, thậm chí tiêu xương, biến dạng xương khớp. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, giảm nồng độ axít uric trong máu, kiểm soát chức năng hoạt động của gan, thận.

Gut… den chan, khong kip nhay

Nếu cục u (tophi) gây chèn ép thần kinh thì phải phẫu thuật. “Quan trọng nhất trong điều trị gút là sự hợp tác của người bệnh. Nếu bệnh nhân không tự ý thức, ăn uống phù hợp thì nguy cơ tái phát rất cao”, BS Thắng nói.

BS Phạm Đức Thành, Trưởng phòng khám nội, Viện Gút TP.HCM cho biết, mỗi ngày viện này tiếp nhận khoảng 30 ca gút giai đoạn nặng. Rất nhiều bệnh nhân bị gút mạn tính, nếu kiên trì, phối hợp điều trị sẽ dần hồi phục và tự đi lại. “Có thể kiểm soát và điều trị tốt bệnh gút, nhưng nhiều người tàn phế chỉ vì chủ quan, không tuân thủ hướng dẫn của BS”, BS Thành chia sẻ. 

BS Phạm Đức Thành, Trưởng phòng khám nội, Viện Gút TP.HCM: Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất axít uric. Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là sự lắng đọng vi tinh thể muối urate natri tại các cơ quan trong cơ thể như: tại các khớp, tim, thận.

Điểm mấu chốt trong điều trị gút là bệnh nhân cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều purin như hải sản, thịt đỏ, nấm, măng, thịt gà, đậu, sữa… 

Bệnh nhân nên bỏ hẳn bia rượu. Thực tế, nhiều bệnh nhân chủ quan nên bệnh chỉ “giải quyết phần ngọn”. Khi bệnh còn nhẹ, nhiều người không đi khám ngay mà đợi tới mức đau nhức không chịu nổi mới đến bệnh viện. 

Khi cảm thấy đau nhức thì đi khám cơ xương khớp; người mắc bệnh nhẹ lại xuề xòa bỏ qua, tiếp tục dấn sâu vào lối sống thiếu lành mạnh cho tới một ngày sực tỉnh thì đã muộn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI