Bản đàn giờ ngọt ngào, du dương hay chưa là nhờ vào nghệ thuật, kỹ năng và quyết tâm của 2 người, với sự phụ họa của đại gia đình. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - chuyên gia tư vấn và đào tạo, Trung tâm Hồn Việt - qua cuộc trao đổi ngắn dưới đây, sẽ đem đến cho bạn đọc những điều cần thiết trước quyết định hệ trọng - “nối lại tình xưa”.
Phóng viên: Theo chị, những trường hợp phổ biến nhất và thuận lợi nhất để “châu về Hợp Phố” là gì?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm: Theo quan sát của tôi, những trường hợp vợ chồng chia tay liên quan đến “tứ đổ tường” như nghiện rượu chè, cờ bạc, hút chích, sắc dục trai gái thì khả năng quay lại khá thấp và không được bền vững. Họ cần nỗ lực rất lớn để thay đổi mình, khôi phục niềm tin, thiết lập lại cuộc sống chung.
“Châu về Hợp Phố” phổ biến nhất là những cặp vợ chồng trước đây vì một phút nóng giận, bốc đồng, chưa suy nghĩ kỹ mà “đánh rơi” nhau khi vẫn còn thương nhau nhiều. Chia ly, xa cách, một mình đối mặt với cuộc sống càng khiến người trong cuộc hối tiếc về quyết định vội vã ấy. Họ thấy vẫn cần nhau, thấy được vai trò của người kia, thấy được chỗ đứng trong lòng nhau, cùng mong ước “gương vỡ lại lành”.
Trường hợp còn lại là vợ chồng vẫn thương nhau, nhưng do áp lực từ đôi bên gia đình. Sui gia xích mích, cãi vã, xung đột, nói xấu nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp xé lẻ duyên tình. Cặp vợ chồng trẻ chưa đủ bản lĩnh để nắm tay nhau vượt qua cơn đại cuồng phong nên đành chấp nhận ly hôn.
Đến thời điểm đủ để đôi bạn nhận ra không thể sống thiếu nhau, đủ dũng khí để bảo vệ tình yêu trước thử thách, họ quyết tâm tái thiết tổ ấm của mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI |
* So với chung sống lần đầu thì chung sống lần thứ hai sẽ “xuôi chèo mát mái” vì họ đã thuộc làu “thói ăn nết ở” của nhau, có phải không, thưa chị?
- Không hẳn vậy. Điều thuận lợi là họ đỡ bỡ ngỡ, nhưng không có nghĩa là hành trình đi tìm hạnh phúc của họ không còn rào cản nào. Trong sự “xuôi chèo mát mái” này, văn hóa ly hôn ảnh hưởng rất lớn. Sự tử tế trong khoảng thời gian ly hôn là sợi dây kéo họ xích lại gần nhau, ít nhất là bạn.
Ngược lại, những thái độ, lời nói, hành xử quá quắt khi chia tay do cảm xúc tiêu cực lấn át sẽ đẩy 2 người ra xa; không chỉ là “hết yêu” mà còn oán ghét, hận thù. Nó ám ảnh, để lại di chứng nặng nề lên mối quan hệ với người cũ, khiến họ khó hòa thuận, êm ấm.
Đâu dễ sống hạnh phúc với người từng chia tài sản gay gắt đến “chiếc đũa cũng phải bẻ đôi”. Đâu dễ sống hạnh phúc với người từng bỏ mặc mình đơn thân nuôi con, chẳng một đồng cấp dưỡng. Cũng đâu dễ sống hạnh phúc với người từng chửi rủa dòng họ, tổ tông của người phối ngẫu khi dứt áo ra đi…
Bạn là người học cao hay thấp, là người lao động phổ thông hay trí óc, là người thành thị hay nông thôn, trẻ hay tuổi đã cao… tất cả đều có cơ hội “nối lại tình xưa”; miễn bạn là người có nhân cách, có văn hóa trong mắt người cũ.
* Các cặp quay lại thường bảo là vì con. Họ mắc cỡ, che giấu nhu cầu tự thân hay đứa con chính thực là “ông tơ bà nguyệt” xe duyên cho cha mẹ?
- Ở tập đầu, vợ chồng cứ vì con mà duy trì; ở tập sau, vợ chồng cũ vì con mà quay lại. Tùy từng trường hợp mà tỉ lệ “vì con” thật giả đến độ nào. Có thể cha mẹ không muốn con bị thiếu hụt tình cảm, nhưng cũng có khi vì họ sợ phải sống một mình.
Dù con có nguyện vọng cha mẹ về sống chung với nhau và tích cực kết nối, cũng không thể bỏ qua yếu tố tình cảm của 2 người lớn. Nếu vợ chồng thực sự yêu thương thì cuộc hôn nhân mới bền vững. Nếu không, bầu không khí gia đình sẽ giả tạo, nặng nề, bạo hành tinh thần nhau và con cái vốn là trung tâm yêu thương của cha mẹ lại lãnh đủ mọi cảm xúc tiêu cực.
* Kỳ vọng “chuyến này người kia ắt lột xác” có giúp cho bạn đời nâng cấp thành phiên bản tốt hơn khi kết hôn lại?
- Có câu “có thể yêu nhiều lần, nhưng đừng yêu nhiều lần trên một người”. Chắc chắn phải có vấn đề lớn và lặp đi lặp lại, vợ chồng mới không chịu nổi nhau. Khi đứng trước quyết định quay lại, bất cứ ai cũng lưỡng lự, phân vân liệu mình có sai lầm lần hai, liệu kỳ vọng rồi có vỡ mộng, liệu người kia vẫn “chứng nào tật nấy”?
Trên thực tế, sau biến cố lớn - đổ vỡ, người trong cuộc rút kinh nghiệm, thấy được vấn đề, thế nên phải thay đổi nhiều lắm họ mới chấp nhận quay lại với nhau. Họ đã cất bớt “cái tôi” của mình vì “đại cuộc” và sống cho xứng đáng với người kia hơn.
Chắc hẳn họ có thời gian trải nghiệm và cam kết để cuộc sống mới được “cơm lành canh ngọt”, gọi vui là sống thử với người cũ. Nếu nhìn thấy chiều hướng thảm họa, người ta sẽ bấm nút “ngừng game”.
Tuy nhiên, sẽ bế tắc nếu cứ trông chờ người kia thay đổi theo như phiên bản mình muốn. Trên đời, không có ai vừa lòng ai hết, kể cả những người ruột thịt của nhau. Vợ chồng thực ra cũng chỉ là 2 người dưng sống chung. Nếu không có tình thương, lấy gì để che chắn, lấy gì để “chín bỏ làm mười” mà ở được với nhau?
Tôi khâm phục những cặp vợ chồng đã bên nhau năm - bảy chục năm ròng. Chắc hẳn họ bao dung, trân quý, chấp nhận nhau và thực sự là “Bồ tát” của nhau. Không thay đổi hay quá kỳ vọng vào sự thay đổi đều đưa đến bi kịch của sự quay lại.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI |
* Những điều gì tối kỵ và những điều nên làm để “lượt về” của các đôi yêu lại từ đầu được hạnh phúc, viên mãn?
- Đừng chủ quan, nôn nóng về sự thay đổi mà hãy tôn trọng bạn đời với những ưu khuyết điểm vốn có. Thay vì thăm dò, soi, thách đố nhau dễ gây tổn thương thì ta khuyến khích bạn đời hoàn thiện từng ngày để hòa hợp với nhau hơn.
Những ký ức, kỷ niệm, biến cố xấu của gia đình đưa đến tình trạng ly hôn trước đây, ta không nên nhắc lại. Đay nghiến, kể tội vợ/chồng vô tâm, ích kỷ, vô dụng, lười biếng, đầu tư mạo hiểm… dễ dẫn đến xung đột mà cũng không giúp được người kia cải thiện.
Nên rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân “phá sản” hôn nhân trước kia. Vợ chồng nâng cao ý thức dành thời gian chất lượng bên nhau, lắng nghe, chia sẻ, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực thường xuyên, liên tục, để luôn thấy ấm áp trong lòng.
Hạnh phúc do mình cùng sáng tạo mà không lệ thuộc vào đồng tiền. Túi tiền rủng rỉnh thì đi du lịch, đi nhà hàng còn ít tiền thì vợ chồng pha ly cà phê, làm bánh mì ốp la và ngồi bên nhau nói chuyện đời cũng khởi động một ngày vui…
* Xin cảm ơn chị.
Vợ chồng cần trân quý những phẩm chất, những giá trị của nhau; trân quý những thành tựu gia đình, trân quý bàn tay vun vén nên những giây phút sum vầy, ấm áp… Vì sao bạn đời cũng có mẹ có cha, có anh chị em mà lại chọn sống bên cạnh mình? Có quá nhiều điều đáng để mình trân quý, biết ơn. Nếu không thì dù cưới ai, dù là “tập mấy”, dù đi bước nữa với người mới hay yêu lại cố nhân thì cũng khó giữ được “quả cầu thủy tinh” - hôn nhân. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm |
Tô Diệu Hiền (thực hiện)