Diễn đàn: Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?

Gương vỡ lại lành phút 89

21/09/2024 - 14:36

PNO - Thấy mình đã quá đen đủi khi chọn nhầm chồng. Cô khóc hết nước mắt, rất nhiều lần nghĩ đến ly hôn. May thay, cô đã tỉnh táo tìm giải pháp cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.

Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Bước vào hôn nhân, Phạm Thị Thùy Dung (sinh năm 1990, hiện đang sống tại khu đô thị Ecopark, tỉnh Hưng Yên) từng rất tự tin. Cô sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, bản thân giỏi giang, ngoại hình đẹp, luôn có nhiều người theo đuổi, từng du học và làm việc ở nước ngoài hơn 5 năm.

Thế nhưng trong những năm đầu kết hôn, vợ chồng rơi vào khủng hoảng, Dung từng cảm thấy mình đã quá đen đủi khi chọn nhầm chồng. Cô khóc hết nước mắt, rất nhiều lần nghĩ đến ly hôn. May thay, cô đã tỉnh táo tìm giải pháp cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.

Giọt nước mắt tự khô

Mẹ của Dung và mẹ của Đức - chồng Dung - vốn là bạn học chung cấp III ở quê. Sau này, 2 mẹ cùng ra Hà Nội nên ghép đôi, giới thiệu các con cho nhau.

Đôi trẻ bắt đầu tìm hiểu nhau rồi tính đến chuyện lâu dài. Nửa năm đầu, tình yêu mặn nồng, nhưng sau đó, gia đình Đức gặp biến cố nên thời gian Dung và Đức gặp nhau thưa thớt, dần mất kết nối.

Chị Dung và anh Đức có 2 đứa con rất dễ thương (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Dung và anh Đức có 2 đứa con rất dễ thương (Ảnh do nhân vật cung cấp)

2 bên nội ngoại vẫn vun vén, tổ chức đám cưới cho Dung và Đức. Nhưng giao tiếp vợ chồng gần như không có, Dung còn tủi thân hơn khi chồng đi đâu làm gì, quyết định việc nào cũng không bao giờ nói với vợ. Trong những dịp đại gia đình nội hay ngoại đi chơi, chồng Dung thường từ chối vì lý do công việc. Mối quan hệ vợ chồng ngày càng xấu đi, Dung cảm thấy sống chung nhà, ngủ chung giường nhưng chẳng khác gì người dưng nước lã.

Dung tự nhủ chắc khi có con, vợ chồng sẽ nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhưng khi sinh con ra, mối quan hệ của họ còn tệ hơn khi chồng chỉ thích dành thời gian yêu con mà không quan tâm đến vợ. Dù cô có dỗi hờn, khóc thầm cả đêm, chồng cũng không thèm dỗ mà để… nước mắt vợ tự khô.

Dung càng kiểm soát, đòi hỏi sự quan tâm, Đức càng bực bội và phản ứng lại. Anh đi đâu cũng không đưa vợ đi cùng, không bao giờ nhắc đến vợ trong các câu chuyện với người khác. Tài chính vợ chồng rạch ròi, tiền ai nấy giữ.

“Tôi từng suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn quyết tâm bỏ chồng, tìm người khác tốt hơn chỉ để chồng đau khổ, hối tiếc vì không biết trân trọng vợ. Nhưng khi hôn nhân ở bên bờ vực, tôi quyết định cho mình thêm một cơ hội cuối, bởi không thể rời đi trong sự bất mãn như vậy được” - Dung bộc bạch.

Học lại về hôn nhân, hiểu rồi thương

Để biết hôn nhân của mình bị “lỗi” khâu nào, Dung bắt đầu đọc sách về chủ đề tâm lý, hôn nhân. Cô cũng tìm kiếm các video chia sẻ từ các chuyên gia, tham gia các khóa học về phát triển bản thân và mối quan hệ. Cô vỡ òa khi nhận ra nền tảng cô từng lấy làm tự tin trước khi bước vào hôn nhân mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải xem hôn nhân như một thực thể sống cần tưới tắm, chăm sóc. Làm vợ, làm chồng là một công việc mà chẳng bao giờ có thể “nghỉ hưu”. Nếu ngừng nỗ lực, hạnh phúc cũng chấm dứt.

Gia đình hạnh phúc của chị Dung - anh Đức - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gia đình hạnh phúc của chị Dung - anh Đức - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Thời điểm đầu mới tham gia các khóa học, tôi vắng nhà thường xuyên, chồng tôi rất tức giận. Có lần, anh đem hình cưới của vợ chồng nhét xuống gầm giường khi tôi đi học về trễ. Tôi vẫn bình tĩnh, không cố gắng giải thích nhiều, chỉ tập trung học thêm kiến thức và kết hợp thay đổi từng hành động nhỏ” - Dung kể lại.

Dung học cách chấp nhận khuyết điểm của chồng. Trước kia, mỗi khi chồng về muộn, cô sẽ rất lạnh lùng hoặc chỉ trích, nhăn nhó; nhưng bây giờ cô chuyển sang vui vẻ, chào đón. Hôm nào chồng về sớm, cô đều ríu rít: “Ôi hôm nay anh về sớm quá”. Hay mỗi khi chồng cột tóc, thay tã cho con, nấu cơm, rửa chén, trồng cây… cô đều nói cảm ơn, khen ngợi chồng.

Ban đầu, vợ chồng đều không quen vì vốn ít khi thể hiện tình cảm, nhưng Dung vẫn cố vượt qua sự ngại ngùng. Rồi cô để ý thấy mỗi lần nhận được lời khen của vợ, chồng cô bắt đầu cười mỉm. Chồng từ không bao giờ đưa tiền cho vợ, chuyển sang đưa cho vợ một vài triệu đồng để vợ có thêm tiền hằng tháng.

Trước đó, Dung từng không làm việc nhà, không nấu ăn vì thấy mẹ chồng thích tự làm; không ủi áo quần cho chồng vì nghĩ chuyện ấy không cần thiết; trong khi đó lại là những điều Đức cần. Anh thích được quan tâm, chăm sóc bằng những hành động nho nhỏ như sắm quần áo, xà bông, sữa tắm, nấu mấy món yêu thích. Thế là Dung bắt đầu chăm chút kỹ những việc nhỏ này.

Dung cũng “phỏng vấn” nhiều người bạn để hiểu hơn về tâm lý đàn ông, để đồng cảm với những suy nghĩ của chồng mình. “Tôi nhận ra, nhiều gia đình cũng gặp phải vấn đề như vợ chồng mình và tôi biết mình đang thay đổi đúng hướng” - Dung chia sẻ thêm.

Không chỉ thay đổi vì chồng, Dung còn quan tâm nhiều hơn đến mẹ chồng. 2 mẹ con từng có những mâu thuẫn sau khi cô sinh con. Nhưng có thêm kiến thức, hiểu về người bên cạnh hơn, cô lại thấy thương mẹ. Khi cô và mẹ chồng hòa hợp, Đức cũng thoải mái, không còn phải lâm vào tình cảnh “kẹt” giữa mẹ và vợ như trước.

Từng chút một nỗ lực, từ việc coi chồng là “vận đen” của đời mình, nay Dung cảm nhận mình may mắn khi được làm vợ anh. Đức đã chịu chia sẻ, nói chuyện nhiều hơn với vợ. Tiền làm ra, Đức tin tưởng giao vợ quản lý. Anh luôn muốn có cô bên cạnh, đi đâu cũng muốn đưa vợ đi cùng.

“Một lần, đi dự lễ tất niên công ty của anh, tôi còn vô tình được biết là anh luôn tự hào mỗi khi nhắc đến vợ trước mặt sếp và đồng nghiệp lẫn đối tác. Từ ngày Dung thay đổi, Đức cũng thay đổi. Anh thu xếp công việc, hạn chế làm ngoài giờ, bớt hẳn nhậu nhẹt và thích về nhà ăn cơm vợ nấu, chơi với vợ con…” - Dung hạnh phúc kể về chồng và tổ ấm hiện tại, lòng thầm cảm ơn quyết định phút 89 của mình.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI