Mạnh nhưng vẫn… mệt!
Chị Hoa Lam là một bác sĩ sản khoa. Công việc bận rộn, việc nhà hầu như giao cho người giúp việc. Chồng chị là biên tập viên một nhà xuất bản, anh có thể làm việc ở nhà, kiêm luôn việc đưa đón con.
Người cảm thấy gia đình chị không ổn chính là bà mẹ chồng. Bà hay nói với mấy người bạn trong nhóm thể thao rằng con trai bà có một người phụ nữ chung sống, chứ chưa có… vợ. Thì đó, vợ gì mà đi suốt, có nấu được cho chồng bữa nào ngon đâu, có biết chiều chồng đâu, con cái thì có chồng “bao” rồi…
|
Người cảm thấy gia đình chị không ổn chính là bà mẹ chồng. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bà mẹ chồng chẳng can thiệp nhiều đến chuyện hôn nhân của con trai. Bà chỉ chép miệng: “Số nó thế, nó chịu”.
Tết, chị mua quà biếu bố mẹ chồng thay cho việc đến nhà chồng nấu nướng, cúng kiếng… Mà có vào bếp chị cũng cắt rau củ, lau dọn… phụ mẹ chồng, chứ không thể nấu ngon như bà. Chính điều đó khiến chị cũng cảm thấy mình không phải là một cô con dâu đảm đang.
Ông chồng không yêu cầu vợ thay đổi gì, nhưng đùng một cái ông có bạn gái. Chị vợ phát hiện những tin nhắn trên mức “tình đồng nghiệp” khá lãng mạng, ông chỉ làu bàu “cho nó vui”. Bà vợ không thể vui được, bà đã làm gì sai?
Công việc không thể bỏ, vợ chồng sống với nhau không còn rung động mới mẻ, nhưng không thể vì thế mà ông đi tìm vui bên ngoài. Bà tặc lưỡi chọn cách: “Kệ, giữ chồng cho con”.
Bà Thanh Giang cũng mạnh mẽ hơn trong thời dịch giã. Hai vợ chồng đều là giáo viên cấp II. Bà vợ dạy văn xoay ra bán hàng online.
Nguồn hàng do bà ngoại cung cấp từ làng quê ở Bình Thuận: trái cây, rau nhà trồng, tôm cá tươi rói mới bắt... vì vậy mà lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng. Ngày tết, bà còn kho cá, làm dưa chua… cho bạn bè không có thời gian… Bà nghỉ dạy, chuyển hẳn sang kinh doanh thực phẩm quê.
Không ngờ, thời nhiều người khó khăn, bà lại kiếm ra tiền. Nhưng tình lại... sa sút. Ông chồng bà than: “Má bây nay dữ dằn quá, hay la ba chậm chạp, đi giao hàng trễ, khách nhăn”. Ông chồng nghĩ bà vợ làm ra tiền nên khinh chồng.
Ông vẫn là giáo viên, mỗi ngày sáng ăn xong ông đi dạy, có vợ lo kinh tế gia đình, nhưng ông chẳng vui vẻ như trước.
Câu chuyện của nhà phụ nữ học
Caroline Ward, một nhà báo, một nhà phụ nữ học người Úc, bà nổi tiếng với câu chuyện “Bốn gương mặt phụ nữ”.
Câu chuyện được gửi đến nhiều nơi trên thế giới trong chương trình Làm giàu thế giới nội tâm. Tại TP.HCM, “Bốn gương mặt phụ nữ” được giới thiệu trong khóa học “Sức mạnh phụ nữ” của Trung tâm Inner Space.
|
Cốt lõi của hạnh phúc nằm ở đâu? - Ảnh minh họa |
Ngày đó, có một cô bé xinh đẹp. Gương mặt cô trong veo như thiên thần. Tâm hồn cô luôn rạng ngời và tỏa sáng. Cô tự nhiên, tự do, tin cậy mọi người và niềm tin ấy cũng được đáp lại.
Gặp cô, ai cũng vui. Sự ngây thơ của cô, làm người ta nhớ về khoảng thời gian tự do vui chơi, ca hát và tô vẽ bất kỳ điều gì mà không sợ bị phán xét hay chê bai. Từ ánh mắt của cô bé, mọi người đều nhận thấy cô thích thú muốn khám phá những điều mới lạ. Với cô, niềm vui khám phá là một nghệ thuật sống. Cô hồn nhiên cô ngây thơ với gương mặt nguyên thủy - gương mặt thứ nhất của phụ nữ.
Chẳng bao lâu, người lớn bắt đầu lo nghĩ đến sự an toàn cho cô. Họ dựng lên những hàng rào, những ranh giới vô hình bảo vệ sự trong sáng, ngây thơ của cô. Họ tạo ra những quy tắc để hướng dẫn cô phải sống thế nào.
Cô bé không còn hồn nhiên như làn gió nhẹ ngoài cánh đồng, cô không nên leo trèo, chạy nhảy… Con gái phải thùy mị, dịu dàng chứ! Các quy tắc nói rằng có một sinh vật lạ hoắc và đen thui luôn chực chờ gây tổn thương cho cô bé.
Nghe họ, cô bé thu mình lại. Năng lượng dồi dào của cô cũng giảm dần. Cô lớn lên. Danh sách các quy tắc cũng nhiều hơn. Đôi khi có những điều mà cô bé chỉ được biết, mà không hiểu rõ đó là gì.
Những quy tắc trở thành luật lệ, phong tục... cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không lâu sau đó, mọi người đã quên mất lý do đưa ra các quy tắc.
|
Cô được ngợi khen: đảm đang, đức hạnh, hy sinh… nhưng cô buồn, mỏi mòn thanh xuân trong xó bếp như bao nhiêu người phụ nữ khác. Ảnh minh họa |
Cô gái tuân thủ, nhưng cảm thấy ngột ngạt. Tâm hồn cô co thắt lại. Có lúc cô gái nhận ra rằng cô không cần phải quá nghiêm túc lề lối như thế. Cô quên mất mình đã từng ngây thơ như thế nào. Cô đã hoàn toàn trong giới hạn. Cô đã buộc đeo vào người gương mặt truyền thống - gương mặt thứ hai của phụ nữ.
Cô lấy chồng, sinh con, nấu ăn, giặt đồ… coi như thực hiện các thiên chức. Cô được ngợi khen: đảm đang, đức hạnh, hy sinh… nhưng cô buồn, mỏi mòn thanh xuân trong xó bếp như bao nhiêu người phụ nữ khác.
Rồi khi nỗi buồn trỗi dậy dữ dội như những cơn sóng lớn ngoài biển khơi, người phụ nữ xó bếp can đảm hướng về tự do. Họ tự mình thực hiện điều này trong ngôi nhà, trong cộng đồng của họ. Họ đã tạo ra cuộc cách mạng, chiến đấu để giành quyền được sống như mình muốn.
Lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài, họ cảm thấy nhẹ nhõm. Họ bắt đầu tạo ra những quy tắc mới chối bỏ truyền thống. Họ nghĩ rằng mình được tự do, nhưng thật ra họ lại xây nhà tù cho chính mình. Họ đeo vào gương mặt hiện đại - gương mặt thứ ba của phụ nữ.
Và khi quá mệt mỏi, họ không thể lạc đường thêm nữa và không thể tuyệt vọng hơn nữa, chỉ khi đó, họ mới thật sự chịu lắng nghe lời thì thầm của nội tâm và cảm nhận sự tĩnh tại ngay trong trái tim mình.
Khi kiệt sức, họ đã học được cách để viên mãn. Họ bắt đầu buông bỏ ganh đua, tìm kiếm bình an. Họ tìm lời đáp cho câu hỏi “Tôi là ai? Tôi thật sự thuộc về đâu? Ý nghĩa của cuộc sống của tôi là gì?”. Và bởi vì trái tim của họ trung thực, bởi vì câu hỏi của họ đến từ cốt lõi của sự ngây thơ nằm sâu bên trong, nên các câu hỏi của họ sẽ được trả lời.
Và thế là gương mặt thứ tư của phụ nữ xuất hiện.
Gương mặt được chọn
Những phụ nữ trong khóa học soi mình vào câu chuyện. Họ thấy dấu vết của gương mặt số một của mình qua cái hồn nhiên mong khoe áo mới ngày tết, vẫn háo hức nhận lì xì, vẫn nhớ quay quắt cha mẹ đã đi xa.
Đối với 30% học viên, gương mặt thứ hai rõ hơn, nhiều người cho biết, họ lập gia đình như “trăng đến rằm là trăng tròn”, như một quy định “mẹ lấy chồng, thì con gái cũng lấy chồng”, có con gái trong nhà như có hũ mắm gì đó, họ cũng chẳng hiểu, nhưng cuộc sống quy định tới tuổi lấy chồng thì họ lấy chồng.
Họ biết thời này, bà vợ không thể “ở nhà chồng nuôi”, nhưng sợi dây ràng buộc họ vào ông chồng tinh tế hơn: lệ thuộc vào cảm xúc.
Ông chồng vẫn là người quyết định hạnh phúc của họ. Ông ta ngoại tình, bà vợ tan nát cõi lòng. Cái bếp vẫn là nơi các bà vợ… vui buồn trút vào bữa ăn. Ngày tết họ mong đi làm chứ ở nhà “dọn dẹp nấu nướng mãi, mệt lắm”… mà không làm việc nhà thì không phải đàn bà.
Vài cô gái ở tuổi “băm” đang sung sướng tung tăng một mình, nhưng lại chạnh lòng cảm thấy có lỗi khi bà mẹ theo nhắc: “Thôi, coi có ai lấy đi con. Già hiu quạnh lắm, biết dựa vào đâu…”.
35% phụ nữ cho biết họ đã “bung lụa” thoát khỏi cuộc sống làm dâu, làm vợ, có nghĩa là làm hài lòng người khác.
Họ muốn sống theo kiểu của họ. Họ cười khẩy vào khái niệm “đàn bà hơn nhau vì tấm chồng”, sao không hơn nhau vì chính mình! Ngắm nhìn họ trên Facebook, khối kẻ khát khao vẻ thành đạt, phớt đời và rất sành điệu của họ.
Đa số trong nhóm này là mẹ đơn thân, có người “sinh con không cần chồng”. Có tiền, có bằng cấp, địa vị… tình yêu cũng đuổi theo, nhưng họ không còn ham muốn trải nghiệm trái cấm.
Nhưng không ít người cho biết, sự trầm trồ thán phục của mọi người vô tình gây cho họ một áp lực khủng khiếp, họ không được kém sang, kém giàu, kém đẹp, kém tươi... Để hình ảnh của mình mãi lung linh trong mắt người khác, nàng luôn phải nhón chân, với tay… Đêm đêm, chỉ có người đàn bà trong chiếc gương soi mới cho họ thấy một gương mặt mệt mỏi, căng thẳng.
|
Gương mặt thứ tư chính là gương mặt được chọn. Ảnh pexel.com |
Vì thế, gương mặt thứ tư - còn gọi là gương mặt “nữ thần” được hầu hết học viên trong khóa học mong muốn. Phục hồi vẻ đẹp thật sự không cần phải “đập mặt làm lại” mà bừng sáng lên lòng tự trọng dựa vào sức mạnh nội tâm. Thời “phong tỏa”, du lịch tâm trí đang “hot”, “phượt” vào thế giới nội tâm đang được yêu thích.
Ở thời buổi các giá trị, các định nghĩa dễ thay đổi, người phụ nữ thông minh vẫn chưa đủ, mà phải là thông thái!
Trường Sơn