Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do Forbes Việt Nam vừa công bố, có nhiều gương - mặt - không - trang - điểm, nói theo Angela Merkel, Thủ tướng Đức: “Bất cứ ai thực sự có một điều gì đó để bộc lộ thì không cần trang điểm”.
Chỉ nhìn ngắm thôi, sự sản đồ sộ của 20 nữ doanh nhân trong top bình chọn; và hành trình tạo dựng nên cái sự sản ấy, sẽ mường tượng cái cúi mình thấp xuống của họ để nhận lấy sự tôn vinh xã hội mang tính thời điểm, đón lấy cuộc bình chọn qua những con số, những thước đo ít nhiều mang tính thời cuộc. Còn hành trình khởi nghiệp, vượt sóng cả gió to để chọn lựa và định đoạt một cơ đồ sản nghiệp thì có lẽ, chẳng một lá phiếu nào quy đổi nổi phẩm chất, năng lực và giá trị của chính họ.
Và còn nhiều cái tên khác, họ xứng đáng nhận sự kính trọng của cộng đồng, từ họ truyền đi nguồn cảm hứng xã hội bởi những nỗ lực kinh ngạc, những đóng góp âm thầm, những thành quả giá trị từ phòng nghiên cứu và những kết quả công bố, những trích dẫn khoa học quốc tế uy tín, từ hàng trăm hàng ngàn ca “giải mã” vô sinh cho đến những sải tay rẽ nước, những cú bứt phá thần kỳ trên đường đua xanh… Tất cả, khởi nguồn và gói gọn trong hai từ “công việc” mà họ gắn bó, yêu thích, miệt mài, còn mọi kỳ tích, danh vị, nếu có, là sự đến sau…
Bộc lộ một điều gì đó, từ bản thân, trong bản thể là một nhu cầu tất yếu. Nhưng để cho một điều gì đó có cơ hội bộc lộ và thăng hoa thì các điều kiện, cơ hội, hay là một hệ sinh thái xã hội - gia đình lành mạnh, mang tính kích hoạt mạnh mẽ và khuyến nghị rộng rãi thì không phải thể chế nào, xã hội nào, quốc gia nào cũng là môi trường lý tưởng, bền vững, căn cốt.
Chưa tính, cởi bỏ những tập quán xưa cũ, những lề thói nặng nề, những phán xét chật hẹp, xấu xí là ghềnh đá cheo leo, có khi mịt mờ, tăm tối, làm cạn kiệt mọi nỗ lực thay đổi, dập tắt chút ánh sáng le lói cuối đường mòn…
Cứ cho rằng ghi nhận những cuộc bình chọn, những dịp tôn vinh tháng Ba dành cho phụ nữ là xứng đáng, là mang tính thời sự. Nhưng, thử một cái nhìn âm bản, phẩm chất và tài năng, giá trị và sự lựa chọn của người phụ nữ không hề là một câu chuyện phụ thuộc vào thời cuộc, hay cái thói quen đến hẹn lại lên, nhặt nhạnh mớ ba mớ bảy để thành bảng vàng, danh sách “hoa hồng”…
Xã hội tạo ra những sân chơi tháng Ba cho chị em nhưng kiến tạo con đường và giữ những bước ngắn bước dài, là do chính sức mạnh và ý chí phụ nữ gầy dựng, nuôi dưỡng và tác hợp (cùng nam giới) tạo dựng. Không có một chủ nghĩa bình quyền nào chỉ do chính duy nhất giới đó tạo nên; không có một sự giải phóng giới nào ra khỏi giới nào khi mà mỗi giới đều tìm cách phủ lên nhau cái nhìn định kiến, cái phán xét khắc nghiệt, cái mặc định không chối từ.
Trừ phi mọi nỗ lực là để ngồi lại, lắng nghe, suy xét nhằm cởi bỏ những ràng buộc vô lý, những định kiến hẹp hòi, giải phóng con người khỏi mọi nỗi sợ hãi do chính nó tự vẽ ra, tự yểm bùa, tự giải độc…
Chỉ khi mang cái nhìn tự do và tôn trọng sự tự do ấy, mỗi giới mới công bằng và sòng phẳng với chính mình, tự chịu trách nhiệm xã hội, trách nhiệm con người về mọi khiếm khuyết, bất toàn của chính mình. Họ phải tự trả giá về những toan tính xấu xí và sự nhẹ dạ đầy ích kỷ của chính bản thân, không thể vin vào hay đổ vấy cho những xộc xệch, xô bồ trên đường phố hay cái thờ ơ, ghẻ lạnh nơi mỗi gia đình.
Tôi muốn nói đến câu chuyện về những người phụ nữ bị sập bẫy tình trên mạng xã hội, dẫn đến muôn ngàn tấn bi kịch, mất tiền, lừa tình…
Mơ màng một cuộc tình xuyên quốc gia, mơ mộng một cuộc đổi đời, mơ hồ một món quà trị giá lớn mà người tặng chưa một lần giáp mặt… các cô các chị cứ thế mà lần lượt sập bẫy. Sập rồi, nhưng vì xấu hổ, sĩ diện nên vẫy vùng tự thoát, không dám kêu la, có kêu thì cũng đỏng đảnh, lòng vòng. Cơ quan chức năng vào cuộc để tháo gỡ, xử lý, điều tra. Mọi lời cảnh báo, kêu gọi đều không thừa nhưng cái bẫy của sự nhẹ dạ đầy ích kỷ, của lòng tham, thiếu hiểu biết mà chính họ tự giăng, liệu họ có thấy và tìm cách thoát bẫy, giúp người khác cùng thoát?
Cuộc hội thảo về chủ đề nói trên vừa được tổ chức, nó có vẻ mang màu sắc… giới, với cơ số nạn nhân đa phần là phụ nữ, chưa tính thủ phạm và tòng phạm cũng khá nhiều là chị em. Nhưng, từ góc độ bản chất hiện trạng, tôi lại thấy, chẳng có giới hay tính chất giới gì ở đây cả, chẳng qua, là sự lười biếng, tham lam, thiếu hiểu biết xã hội để phân định, để tỉnh táo, để suy xét trong hành xử mọi mặt của một bộ phận người.
Họ cùng gặp, cùng toan tính, cùng lừa gạt lẫn nhau, ai gian giảo hơn, ai tinh ranh, mánh khóe và tàn nhẫn hơn sẽ làm chủ cuộc chơi và là người thắng cuộc. Đừng cột vào đấy cái trách nhiệm giới để buộc xã hội phải gánh lấy, phải “vận động, tuyên truyền” cho những con người biết cách “trang điểm” cho cuộc chơi ích kỷ riêng họ. Và rõ ràng, khi họ không có bất cứ thứ gì để bộc lộ thì họ lại biết cách… vẽ mặt
làm trò!
Tháng Ba, ai cũng gọi đấy là tháng của hoa hồng và phụ nữ. Ai cũng sẵn sàng dành những lời ngọt ngào và quà xinh cho phái đẹp. Ai nấy siêng năng nhắc nhau câu chuyện của nữ quyền.
Mà quyền của phụ nữ thì lại chẳng phải món quà, càng không chỉ là chuyện của tháng Ba, nó là chuỗi ngày dài “câm lặng và giông bão” của phụ nữ, và do chính phụ nữ cất tiếng, phá vỡ…
Lê Huyền Ái Mỹ