Gượng dậy sau thảm họa thiên tai: Khó khăn chồng chất

05/03/2021 - 07:30

PNO - Tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), nhiều thứ phải bắt đầu từ con số 0 sau thảm họa thiên tai năm 2020, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nhiều người mất tích vẫn chưa tìm thấy, chính quyền vẫn chưa thể tìm được mặt bằng để dựng nhà cho dân… Tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), nhiều thứ phải bắt đầu từ con số 0 sau thảm họa thiên tai năm 2020, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người ra đi chưa tìm thấy xác, người ở lại vất vả, gian nan

Cơn bão số 9 diễn ra tháng 10/2020 gây ảnh hưởng nặng nề cho huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), trong đó các xã Phước Lộc, Phước Thành và Phước Kim chịu thiệt hại nặng nề với 13 người chết và mất tích (hiện mới tìm thấy 9 thi thể), hư hại 290 căn nhà, hàng chục gia đình bị cuốn trôi nhà cửa, đang phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Thôn 2, xã Phước Thành, một thời sầm uất, nay nhà cửa bị cuốn trôi sạch
Thôn 2, xã Phước Thành, một thời sầm uất, nay nhà cửa bị cuốn trôi sạch

Trong căn nhà được chính quyền xã Phước Lộc dựng tạm, chị Hồ Thị Giang đang dỗ con gái bốn tuổi ăn cơm. Chồng chị, anh Hồ Văn Sợ, cán bộ dân vận của xã, bị đất vùi trong lúc đi tìm kiếm người mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

“Hôm đó, chồng cùng cán bộ xã đi tìm người bị lũ cuốn ở thôn 6, rồi bị vùi ở đấy. Nhà mình cũng bị lũ san bằng. May mà lúc đó hai mẹ con đã được di tản. Giờ chồng vẫn chưa tìm thấy. Buồn lắm” - chị Giang tâm sự. 

May mắn hơn chồng chị Giang, thi thể anh Hồ Văn Độ, cán bộ đoàn xã Phước Lộc, đã được tìm thấy nơi lòng hồ thủy điện Đăk Mi 3, phía xã Phước Kim. Hiện, xã Phước Lộc đang làm thủ tục công nhận hai cán bộ là liệt sĩ. Ba người dân bị mất tích trong vụ sạt lở ở thôn 6 hiện vẫn đang được tiếp tục tìm kiếm.

Trong căn nhà tạm cạnh nhà chị Giang, vợ chồng Hồ Văn Chiều cho biết, nhà cửa và tài sản của họ bị lũ cuốn mất hoàn toàn, đất đai hoa màu cũng bị tàn phá, cuộc sống hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các đoàn từ thiện. 

“Đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã làm 43 hộ dân của xã bị thiệt hại. Hiện chúng tôi đã làm 21 nhà tạm cho 22 hộ dân tá túc trước khi xây dựng nhà ở cho họ. 21 hộ còn lại đang ở ké nhà bà con” - một lãnh đạo xã Phước Lộc cho hay. 

Không bị thiệt hại về người, nhưng ở xã Phước Thành kề bên cũng thiệt hại nặng nề về đường sá, nhà cửa và tài sản của nhân dân. Bên ngôi trường mẫu giáo thôn 2 bị lũ phá tan hoang, vợ chồng chị Hồ Thị Đĩa đang gia cố lại ngôi nhà tạm. “Khu vực này gần trung tâm xã, gần trường học, có mười mấy ngôi nhà san sát nhau, buôn bán khá sầm uất. Khi lũ trên núi đổ về, cả xóm chỉ kịp gọi nhau chạy sang trường cấp II bên kia đường trú ẩn. Bên này, trường mẫu giáo đang xây và cả dãy nhà của chúng tôi bị lũ san phẳng” - chị Đĩa vừa kể vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem căn nhà khang trang mà vợ chồng chị xây được trước đó, rồi thở dài não nuột. “Giờ hai vợ chồng lại bắt đầu từ bốn bàn tay không. Ba đứa con gửi cả về quê chồng ở huyện Thăng Bình cậy nhờ ăn học” - chị Đĩa nói thêm.

Quá trưa, bà Hồ Thị Nhin lếch thếch gùi buồng chuối mang ra chợ bán. Con suối Nước Xà Oai chảy qua thôn Triên thuộc xã Phước Kim đã hết hung dữ, nhưng cánh đồng màu mỡ ven suối đã thành cánh đồng đá cuội trắng xóa chạy từ phía đầu làng đến tận làng dưới. Dừng lại nhìn cánh đồng đá cuội bao la, bà Nhin lẩm bẩm: “Trước ruộng nhiều lắm. Giờ mất hết ruộng rồi, không biết làm gì nữa”.

Ngoài cánh đồng Nước Xà Oai, khoảng 44ha ruộng lúa trên địa bàn huyện Phước Sơn cũng bị hư hại.

Khắc phục hậu quả: công việc ngổn ngang 

Ông Hồ Công Điểm - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - tóm gọn: đợt mưa bão năm 2020 đã phá sạch nhiều tiêu chí nông thôn mới tại ba xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim. Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng do ảnh hưởng dai dẳng của thiên tai. 

Bà Hồ Thị Nhin ngẩn ngơ trước ruộng nương của mình bị đất đá chôn vùi
Bà Hồ Thị Nhin ngẩn ngơ trước ruộng nương của mình bị đất đá chôn vùi

“Huyện đã phê duyệt danh sách 166 hộ bị thiệt hại về nhà ở từ 50% trở lên đồng thời cấp kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho các xã để hỗ trợ dân làm lại nhà và sửa chữa nhà. Đồng thời, huyện cũng giao cho các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim làm chủ đầu tư thực hiện hỗ trợ xây nhà cho 20 hộ từ nguồn kinh phí viện trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á và ngân sách nhà nước” - ông Điểm cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Điểm, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện là thiếu mặt bằng để xây nhà cho dân: “Huyện đang lập dự án sáu khu tái định cư cho ba xã. Kinh phí đã có, nhưng việc tìm mặt bằng rất khó khăn, vì địa hình toàn đồi núi nối tiếp nhau. Tìm được mặt bằng vừa đủ rộng vừa tránh được sạt lở là rất khó”.

Cũng theo ông phó chủ tịch huyện, hiện huyện đang thiếu khoảng 6 tỷ đồng để đủ kinh phí xây dựng mỗi căn nhà 140 triệu đồng. Ông đề nghị tỉnh và các cấp, các ngành nghiên cứu bổ sung.

“Huyện xác định, năm 2021 là năm khắc phục hậu quả mưa bão. Ngoài việc nhanh chóng tìm kiếm người mất tích và xây dựng lại nhà cửa cho dân thì còn rất nhiều việc phải làm. Đường sá, cầu cống bị hư hỏng rất nhiều. Các công trình thủy lợi, nước sạch và sản xuất nông nghiệp cũng phải khắc phục…” - ông Điểm tâm sự.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng, đường sá trên địa bàn huyện Phước Sơn ước tính khoảng 750 tỷ đồng. Các tuyến đường huyện như DH1, DH2, DH4… bị hư hỏng nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 40km…
“Với nguồn lực có hạn, huyện đề nghị tỉnh và các sở ngành tiếp tục hỗ trợ kinh phí giúp huyện khắc phục thiệt hại, sớm ổn định tình hình kinh tế xã hội và đời sống người dân. Đồng thời, cấp thêm 2,2 tỷ đồng kinh phí để khắc phục diện tích ruộng nước tập trung” - ông Điểm kiến nghị. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI