Gượng dậy sau "bão" COVID-19, công nhân lại chật vật với "bão" giá

08/05/2022 - 11:39

PNO - Chưa gượng dậy sau “bão” dịch thì “bão” giá đã ập đến, trong khi đồng lương cơ bản người lao động suốt hai năm qua vẫn… dậm chân tại chỗ.

Chắt chiu, tằn tiện

Trưa cuối tuần, chúng tôi đến xóm trọ trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8). Những căn phòng lụp xụp với diện tích chưa đầy 5m2/phòng, giá thuê chỉ 1 triệu đồng/tháng. Nơi đây có khá nhiều công nhân của các công ty như Nhựa Chợ Lớn, Công ty Trần Tỷ, Công ty may 3Q Vina… trú ngụ. 

Nữ công nhân tranh thủ những ngày cuối tuần để phụ quán nước gần khu trọ
Nữ công nhân tranh thủ những ngày cuối tuần để phụ quán nước gần khu trọ

Chị Võ Thị Kim Tuyền (công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) cho hay, chị quê ở Hậu Giang nhưng chỉ về quê mỗi dịp Tết, để tiết kiệm. Trong căn phòng trọ nhỏ treo đầy quần áo và chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bếp gas. Cô cùng cha mẹ và 4 chị em rời quê lên thành phố mưu sinh đã gần 6 năm. Tuy chỉ mới 18 tuổi, nhưng Tuyền đã có vài năm làm công nhân xí nghiệp cùng mẹ và chị. 

“Một ngày, em làm việc từ 7 giờ 30 đến gần 21 giờ mới về đến nhà, lương tầm 5 triệu đồng/tháng. Từ sau dịch đến nay, công ty làm ăn khó khăn, đơn hàng ít nên công nhân chỉ làm việc đến thứ 6. Thời gian còn lại em muốn kiếm gì làm thêm nhưng chưa việc” – Tuyền nghẹn ngào.

Một dãy trọ khác nằm trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi, quê Quảng Ngãi). Chị Quyên làm công nhân Công ty Pouyuen 15 năm, nhưng thất nghiệp 2 năm nay từ khi sinh con út. “Không ai chăm con nên mình nghỉ việc, mọi sinh hoạt gia đình đều đổ lên vai chồng (anh làm nghề bán bóp, dây nịt dạo). Vật giá tăng, gia đình cũng “trường kỳ kháng chiến” với rau muống luộc, đậu hũ kho. Hết cách xoay xở, mình đành đem cuốn sổ BHXH đã đóng 15 năm xin rút một lần, dù biết rằng không còn BHXH thiệt đủ đường” – bà mẹ hai con ngậm ngùi.

Chị Nguyễn Thị Quyên thất nghiệp ở nhà chăm con, mọi kinh tế đều đổ lên vai chồng
Chị Nguyễn Thị Quyên thất nghiệp ở nhà chăm con, mọi kinh tế đều đổ lên vai chồng

Trong căn phòng trọ quây tôn, nóng hầm hập nằm sâu ở con hẻm nhỏ trên đường 47 (phường Bình Thuận, quận 7), nơi ở cũng là “xưởng may dã chiến” của vợ chồng chị Lê Thị Ly (42 tuổi, quê Lâm Đồng). “Lớn tuổi nên khi bị thất nghiệp, tôi không dễ xin vào các nhà máy nên chỉ có thể làm thuê ở các cơ sở may nhỏ. Tiền công bữa có bữa không, hai vợ chồng gom hết tiền rồi vay mượn thêm để sắm chiếc máy may cũ rồi nhận hàng về làm thêm tại nhà. Thỉnh thoảng, có người nhận sửa đồ giúp” – chị Ly nói. 

Lo mất phần hỗ trợ 

Chưa kịp vui khi công ty phổ biến xét duyệt gói hỗ trợ thuê nhà trọ 6.600 tỷ đồng từ Chính phủ, thì chị Trần Minh Giang (32 tuổi, công nhân Công ty in quận Tân Phú) đã có ý định bỏ cuộc. Nguyên nhân vì trong đơn xin hỗ trợ có yêu cầu chủ trọ xác nhận và cung cấp số CMND hoặc thẻ căn cước, trong khi “5 lần 7 lượt” chị vẫn chưa gặp được chủ trọ. “Chủ trọ ở địa phương khác đến, họ giao cho người khác quản. Người này cho biết không tự ý quyết định nên tới giờ, phần thông tin chủ trọ vẫn bỏ trống. 

Những khu nhà trọ ọp ẹp nhưng có giá rẻ là lựa chọn của nhiều công nhân
Những khu nhà trọ ọp ẹp nhưng có giá rẻ là lựa chọn của nhiều công nhân

Trở lại làm việc tại TPHCM sau khi thành phố mở cửa hậu dịch, gia đình chị Bùi Thị Thảo (28 tuổi, quê An Giang) cho rằng, mình đủ điều kiện được hỗ trợ tiền thuê trọ. Vậy nhưng, mẫu đơn công ty gửi có phần chủ trọ cung cấp CMND thực sự làm khó chị vì chủ nhà không đồng ý. “Họ bảo đó là thông tin cá nhân nên không thể cung cấp. Chúng tôi đành nộp đơn và bỏ trống mục chủ trọ, không biết có được chấp nhận không" – chị Thảo bộc bạch.

Được chủ trọ thông báo từ tháng 5 này tiền trọ sẽ tăng thêm 200.000 đồng/phòng, anh Mai Hữu Tình (công nhân khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức) không khỏi bất an: “Vậy là giờ phải tiêu tiết kiệm thêm chút nữa để cân đối ngân sách, tôi tính cho con nghỉ lớp năng khiếu, cắt mọi khoản không cần thiết. Có thể con bé rất buồn nhưng mình sẽ giải thích cho con hiểu”.

Theo anh Tình, khu nhà trọ của anh hầu như tăng giá đều hàng năm. Chỉ riêng năm 2021, do dịch bệnh, công nhân trả phòng về quê nhiều nên chủ trọ không tăng giá. “Tôi thuê trọ ở đây đã 5 năm, từ khi giá phòng 2 triệu đồng, nay đã lên gần 3 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước" - anh Tình, nói.

Để nhẹ tiền trọ, nhiều công nhân chấp nhận ghép thêm người, chịu khó chật một chút nhưng đỡ chi phí.

Kịp thời trợ sức

Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đã triển khai đến các chủ nhà trọ để tiến hành hỗ trợ người thuê trọ ký giấy xác nhận. Tuy nhiên, đại diện LĐLĐ TPHCM cho rằng, rất cần sự phối hợp của địa phương, nhất là cảnh sát khu vực, để xác nhận việc NLĐ đang thuê trọ và tạm trú. Ngoài ra, nếu hồ sơ của NLĐ chưa đúng, chưa đủ, phía cơ quan chức năng cần thông tin sớm để NLĐ kịp thời hoàn thiện, tránh mất quyền lợi của mình. 

Công nhân mừng rơn khi được mua hàng tại Phiên chợ nghĩa tình
Công nhân mừng rơn khi được mua hàng tại Phiên chợ nghĩa tình

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TPHCM nhìn nhận, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân trong thời điểm này không chỉ kịp thời động viên NLĐ mà còn giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổ chức Công đoàn TPHCM đã triển khai đến các cấp Công đoàn cơ sở để tham gia giám sát việc thực hiện. Tổ chức Công đoàn đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp thông tin rộng rãi chủ trương đến NLĐ, đồng thời tham gia hỗ trợ NLĐ thực hiện các thủ tục xác nhận theo quy định.

Để giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, thời gian qua, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình chăm lo, như tổ chức các “Điểm phúc lợi đoàn viên” tại các nhà văn hóa lao động quận, huyện, trong các khu nhà trọ, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công nhân còn tham gia các hội thi trong chương trình “Giờ thứ 9” với các trò chơi vận động hấp dẫn; trao tặng xe đạp điện; tặng mái ấm Công đoàn; thi tìm hiểu về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động…

Ăn uống tằn tiện trong thời “bão giá”
Ăn uống tằn tiện trong thời “bão giá”

Theo LĐLĐ TPHCM, để hỗ trợ cho công nhân, NLĐ trong thời kỳ bão giá như hiện nay, Liên đoàn đã triển khai nhiều chương trình, điển hình là tổ chức các Điểm phúc lợi đoàn viên, bán các mặt hàng thiết yếu, thường xuyên với giá tốt cho NLĐ.

Cụ thể, tại Điểm phúc lợi đoàn viên, đoàn viên Công đoàn, NLĐ được mua hàng với giá ưu đãi từ 10-30% so với giá thị trường. Các doanh nghiệp (DN) sẽ chủ động phối hợp đưa các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng hàng ngày như gạo, dầu ăn, nước mắm, áo quần, giày dép… đến tay NLĐ. Bên cạnh đó, DN cũng tặng phiếu mua hàng trị giá 20.000 đồng/phiếu cho đoàn viên Công đoàn và NLĐ khi mua một số sản phẩm thiết yếu mang nhãn hàng của DN.

“Điểm phúc lợi đoàn viên được tổ chức theo hình thức điểm cố định hoặc lưu động theo yêu cầu của các đơn vị DN, khu lưu trú, nhà trọ có đông công nhân. Trong tình hình dịch bệnh và giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao như hiện nay, việc ra mắt Điểm phúc lợi đoàn viên sẽ góp phần chăm lo NLĐ ngày càng tốt hơn” - ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch LĐLĐ quận 7 chia sẻ khi đơn vị này triển khai Điểm phúc lợi.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM, “Tháng Công nhân” năm nay, LĐLĐ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp Công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức chăm lo. Như vậy công tác chăm lo đoàn viên, NLĐ sẽ được đầy đủ, phân kỳ, đảm bảo không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất. “Sẽ có 100 tỷ đồng chăm lo cho công nhân, NLĐ dịp này" – ông Trung khẳng định. 

Phương Vy

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI