Giảm giá vải và tiền công may
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - chủ nhà may Thanh Hà (phường Võ Thị Sáu, quận 3) - khoe: “Nhà may vừa được UBND TPHCM tặng bằng khen có đóng góp tích cực cho lễ hội áo dài, giai đoạn 2014-2024. Cả gia đình tôi ai cũng thấy vui vì đã góp một phần nho nhỏ cùng thành phố quảng bá hình ảnh chiếc áo dài đến với mọi người”.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - chủ Nhà may Thanh Hà cho biết, nhà may đã giảm 30% tiền công may cho khách trong suốt tháng 3 - Ảnh: Thiên Ân. |
Tiệm may Thanh Hà nằm trên đường Pasteur, được bài trí ấn tượng với rất nhiều bộ áo dài thêu, đính đá, kết cườm lấp lánh. Chúng tôi đến khi chị chủ tiệm đang phác thảo những mẫu áo mới cho khách. Dừng tay, chị nói với chúng tôi về sự đồng hành của nhà may với lễ hội: để đóng góp cho lễ hội, năm nay, nhà may Thanh Hà tiếp tục thực hiện chương trình giảm giá 30% tiền công may cho cả áo dài truyền thống và áo dài cách tân; may áo dài lấy liền trong ngày cho du khách nước ngoài trong suốt tháng Ba. Bình quân mỗi năm có từ 100-200 hội viên phụ nữ và du khách được giảm giá…
|
Cán bộ Hội LHPN phường Phước Long B trình diễn trong cuộc thi “Duyên dáng áo dài Thủ Đức” - Ảnh: Mẫn Nhi |
Nói chuyện nghề, chị Hà cho biết, tuy gia đình có nghề may áo dài lâu đời nhưng chị lại thích đi làm văn phòng. Cho nên, sau khi tốt nghiệp trung cấp tin học, chị xin đi làm. Làm được một thời gian thì mẹ gọi về phụ trông coi tiệm và trả lương. Dẫu không hứng thú nhưng chị Hà vẫn nghe lời mẹ. Bẵng đi một thời gian thì nghề “thấm” vào chị lúc nào không hay.
Chị yêu công việc và luôn thấy phấn khích khi biết cách thêm bớt số đo để mỗi chiếc áo đều có thể cân chỉnh lại vóc dáng, che đi khuyết điểm cho những ai có dáng người không chuẩn. Khéo nghề, lại duyên dáng trong ứng xử, chị Hà luôn được lòng khách hàng.
Sau vài năm, tích lũy được chút vốn liếng, chị Hà thuê mặt bằng mở cửa hàng áo dài cưới. Công việc không thuận lợi nên chị buộc phải đóng cửa. 2-3 năm sau, chị thử sức mở thêm một tiệm may gần cửa tiệm của gia đình với mong muốn khuếch trương nghề truyền thống. Rồi mẹ chị bị tai biến, chị phải đóng cửa tiệm của mình để lui về giữ gìn và phát triển tiệm may của gia đình.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay chị Hà đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Theo chị, cái nghề không thể làm giàu nhưng vẫn ổn định, có thu nhập và quan trọng là có thời gian chăm sóc, đưa đón các con học hành. Chị Hà chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, nhất là sau ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đến may có giảm, nhưng trước tết vừa qua và tháng Ba này, tiệm bắt đầu có thêm nhiều đơn hàng. Một tín hiệu rất đáng mừng. Tôi tin chắc rằng, áo dài sẽ mãi trường tồn theo thời gian”.
Rất nhiều đơn vị, cá nhân đã có thời gian dài đồng hành cùng Lễ hội Áo dài TPHCM. Tiệm áo dài Hieuhieu Fashino (phường 10, quận Gò Vấp) cũng được vinh danh vì những đồng hành cùng lễ hội suốt từ năm 2019 đến nay với những chương trình giảm giá từ 30 - 50% cho các sản phẩm áo dài may sẵn; giảm 30% tiền công may áo dài trong tháng Ba hằng năm. Chị Tạ Thị Hiếu - chủ tiệm - cho biết, trung bình mỗi đợt đồng hành cùng lễ hội, chị giảm giá cho từ 50-80 khách đến cửa hàng mua, may áo dài.
Áo dài Dung Nguyễn (phường Cầu Kho, quận 1) của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng đã đồng hành với lễ hội suốt 6 năm qua với trên 1.000 lượt khách được hưởng chính sách giảm giá, nhất là nữ công nhân vệ sinh…
Thông tin từ ban tổ chức chương trình lễ hội cho biết, năm nay có gần 400 nhà may, cửa hàng vải trên địa bàn thành phố triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá từ 5 - 50% tiền công may, tiền vải hoặc mua 2 tặng 1, giảm giá cho các sản phẩm thứ hai, thứ ba, giảm theo giá trị hóa đơn…
Các chương trình khuyến mãi đang tiếp tục thực hiện cho đến hết tháng Ba với mong muốn quảng bá và khuyến khích người dân, phụ nữ chọn mặc áo dài trong suốt mùa lễ hội, trong các sự kiện, góp phần giữ gìn và tôn vinh giá trị của chiếc áo dài.
Tổ chức hội thi, cho tặng áo dài
Mới đây, Hội LHPN TPHCM tổ chức tặng áo dài cho chị em khối nữ du kích miền Nam tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tặng thêm 200 bộ áo dài cho những chị em khó khăn.
Tại TPHCM, các quận huyện, phường xã cũng tổ chức nhiều sự kiện đồng hành cùng lễ hội. TP Thủ Đức tổ chức hội thi “Duyên dáng áo dài Thủ Đức” thu hút hơn 500 thí sinh tham gia. Để lan tỏa vẻ đẹp cũng như tình yêu áo dài trong trái tim mỗi người Việt, tại hội thi, với sự tài trợ của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc TPHCM, hội đã tặng 100 bộ áo dài mới cho chị em cán bộ hội.
|
Cán bộ Hội LHPN phường Tam Phú, TP Thủ Đức mặc áo dài tham quan Đường sách TP Thủ Đức - Ảnh: Mẫn Nhi |
Tại quận Tân Phú, Hội LHPN quận tổ chức hành trình về nguồn, tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tọa đàm “Nét đẹp áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển”. Hội LHPN quận 6 tổ chức hội thi trang trí áo dài trên giấy và nón lá với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt”. Hội LHPN huyện Hóc Môn tổ chức đồng diễn và diễu hành áo dài với 600 người tham gia.
Còn tại Bình Tân, Hội LHPN và UBND quận, trung tâm thương mại Aeon Mall phối hợp tổ chức triển lãm bộ sưu tập áo dài Hương xuân. Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà - đại sứ Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2024 - đảm nhận vai trò quảng bá. Bộ sưu tập gồm 16 mẫu áo dài được triển lãm tại sảnh lầu 1 Aeon Mall Bình Tân.
Chị Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân - thông tin: “Chúng tôi quyết định mở triển lãm áo dài tại Aeon Mall Bình Tân vì đây là trung tâm thương mại sầm uất, có khách tham quan mua sắm đa dạng, đặc biệt là du khách nước ngoài, phù hợp mục tiêu tôn vinh, quảng bá áo dài”.
Thiên Ân - Mẫn Nhi