Gửi vàng cưới cho mẹ chồng, con dâu tá hỏa khi đòi lại

08/12/2018 - 11:05

PNO - Khi gửi vàng cưới cho mẹ chồng, tôi vô tư nghĩ bà sẽ giữ hộ. Nhưng giờ cần việc lấy lại, mẹ lại bảo đã trừ hết vào tiền ăn, còn đâu mà lấy.

Tôi cưới chồng được 4 năm và đã có hai con, bé sau chưa đầy một tuổi. Hai vợ chồng tôi sống chung với ba mẹ vì anh là con trai một. Mẹ chồng tôi là người đảm đang tháo vát.  Bố chồng lại là trưởng họ, mỗi năm có tới mấy chục đám giỗ, cúng quảy các thứ nhưng mọi việc lớn nhỏ trong nhà mẹ đều quán xuyến tươm tất.

Gui vang cuoi cho me chong, con dau ta hoa khi doi lai
Tôi gửi vàng cưới cho mẹ chồng giữ hộ từ khi mới về làm dâu. (Ảnh minh họa)

Trong khi tôi con út, được ba mẹ cưng chiều nên ít khi phải làm gì. Về nhà chồng, đụng vào việc gì cũng lạ lẫm. Mẹ chồng ban đầu còn hướng dẫn nhưng về sau, tôi làm không đúng ý lại sinh ra bực bội hay mắng mỏ. Tôi thấy buồn vì mình không được giỏi giang như mẹ dù đã cố gắng học hỏi rất nhiều. Nhưng giữa hai mẹ con không hề có mâu thuẫn cho đến gần đây.

Chuyện xuất phát từ lúc mới cưới về, ngoài tiền mừng, vợ chồng tôi có 4 cây vàng làm của hồi môn. Hai đứa còn trẻ, không biết cất vào đâu nên chồng bảo cứ gửi cho mẹ giữ hộ. Bên phòng bố mẹ có két sắt, mẹ buôn bán nên chuyện cất giữ tiền vàng rất thạo.

Tôi cũng nghĩ đơn giản, gửi mẹ chồng chứ có mất vào đâu mà lo. Thế là, mới về làm dâu hôm trước, hôm sau đã giao vàng cho mẹ chồng. Lúc ấy, bà nửa đùa nửa thật sẽ cho vay để lấy lãi mà tôi không để ý.

Đến tháng đầu tiên, tôi cũng biết ý, đóng tiền sinh hoạt phí cho mẹ chồng nhưng bà không lấy. Bà chỉ bảo: “Con cứ để đấy, lúc nào lấy thì mẹ sẽ nói với hai vợ chồng sau”. Tôi cứ đinh ninh như thế nên 4 năm qua, vợ chồng tôi không phải đóng tiền ăn uống điện nước cho ông bà.

Thỉnh thoảng, tôi mua sắm vài thứ lặt vặt trong nhà. Đến giỗ chạp thì mua ít trái cây thắp hương trên bàn thờ. Thực ra, lương bổng hai vợ chồng tôi cũng không được bao nhiêu lại nuôi con nhỏ.

Ông bà bận việc không trông cháu được nên tôi phải thuê giúp việc khá tốn kém. Tiền đi làm chỉ đủ trả tiền giúp việc, trang trải chi phí cá nhân và mua đồ ăn cho con. Tôi cứ nghĩ bà không lấy tiền vì bà thương bởi ông bà ngoài lương hưu còn buôn bán khá đắt hàng.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho đến cách đây mấy tháng, khi chồng tôi tự ý đi đầu tư làm ăn mà bị thua lỗ. Hai vợ chồng phải gánh khoản nợ 200 triệu đồng. Tính tôi hay lo, nghe nợ nần là hốt hoảng, thêm khoản tiền lãi không hề nhỏ hàng tháng.

Bởi thế, hai vợ chồng mới bàn nhau lấy vàng cưới bán để trả bớt nợ. Nhưng khi tôi hỏi mẹ chồng, bà trả lời tỉnh bơ: “Số vàng đó mẹ trừ vào tiền ăn uống sinh hoạt của cả nhà con mấy năm qua rồi còn đâu mà lấy”.

Gui vang cuoi cho me chong, con dau ta hoa khi doi lai
Đến khi có việc cần lấy lại vàng, lời nói của mẹ chồng khiến tôi tá hỏa. (Ảnh minh họa)

Tôi nghe như sét đánh ngang tai nhưng vẫn bình tĩnh hỏi lại: “Sao mẹ không nói ngay từ đầu, lúc con đóng tiền mẹ bảo khi nào lấy sẽ nói sau mà”. Lúc ấy, bà mới đổi giọng: “Chị đã nói thế thì tôi cũng nói luôn cho rõ, tháng sau đóng thêm tiền ăn chứ 4 cây vàng trừ cũng hết rồi đó”.

Mẹ nói thế, tôi không còn biết nói sao nữa. Chẳng lẽ bảo bà tính toán cụ thể mỗi tháng hết bao nhiêu. Từ ngày đó, mẹ chồng không còn vui vẻ nữa. Tôi đang khó khăn nên chưa thể đóng tiền ngay cho bà.

Đi làm về mệt, bà lại than thở cằn nhằn: “Không biết phải hầu hạ nhà này cho đến bao giờ”. Bà còn đi kể với hàng xóm: con dâu vụng thối vụng nát, đi làm cả ngày về chỉ mỗi việc cho con ăn mà quát tháo om sòm, đã thế lại còn không biết điều.

Tôi thấy rất ấm ức nhưng không thể nào nói được bởi “há miệng mắc quai”. Bốn năm qua cả nhà tôi không đóng tiền, giờ bà bảo thế thì không thể cãi lại. Biết vậy, tôi đã rành mạch sòng phẳng ngay từ đầu thì đến bây giờ không phải khổ như thế này. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng sau chuyện lấy vàng cưới, nợ nần không trả được khiến tôi rất mệt mỏi.

Xuân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI