Tranh bị xâm hại – chuyện thường ở... triển lãm!
Sự việc một số hoạ sĩ rút tranh khỏi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 vì lý do tranh bị hư hại, xước, bị bắn sơn lên bề mặt... những tưởng đây là “cú sốc” lớn đối với giới mộ điệu nghệ thuật nhưng không, những “tai nạn” này như chuyện thường ở triển lãm. Theo hoạ sĩ Hiền Nguyễn, “do mọi năm, nghệ sĩ không lên tiếng” hoặc “do hiện nay, mạng xã hội nhanh nhạy nên ai cũng biết chứ sự việc không mới”.
Hoạ sĩ Đinh Công Đạt bức xúc trước vụ tranh sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy bị xước bề mặt, phải lập tức rút khỏi sự kiện triển lãm 5 năm mới tổ chức một lần. Tuy nhiên, vụ việc như của hoạ sĩ Quốc Huy không quá lạ lẫm với người trong giới, thậm chí triển lãm lớn, nhỏ nào cũng dễ xảy ra.
|
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy bị xước. |
“Khi nghệ sĩ gửi tác phẩm tham gia triển lãm, thường phía ban tổ chức (BTC) sẽ có 1 bản biên nhận xem như hợp đồng. Ai đồng ý điều khoản nào sẽ đánh dấu vào đó. Nếu trên biên bản, BTC nói rằng họ không chịu trách nhiệm trong việc gãy, vỡ, hỏng thì xem như nghệ sĩ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Theo tôi nhớ một triển lãm điêu khắc từ lâu rồi, vào năm 2003, BTC nói thẳng rằng vì ít kinh phí nên các nghệ sĩ đừng gửi tượng điêu khắc quá to, khó cho việc di chuyển. Tượng chỉ nên nhẹ hơn 200kg để thuận tiện hơn cho việc bốc dỡ”, hoạ sĩ Đinh Công Đạt nói.
Anh cũng nói thêm rằng giá như, BTC làm kỹ càng, cẩn thận thì đã không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Anh bày tỏ sự thất vọng lớn vì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 không phải sự kiện lần đầu Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm phối hợp với các đơn vị tổ chức, để xảy ra lỗi “kinh điển” như thế là sự việc đáng trách hơn là cảm thông.
Hợp đồng trách nhiệm vốn đã nghiêng phần thiệt thòi về phía họa sĩ, nhưng ở rất nhiều cuộc triển lãm có yếu tố "công lập" thậm chí mang tầm quốc gia nhưng theo như họa sĩ Phạm An Hải, Hiền Nguyễn cho biết thì hợp đồng, biên bản cũng không hề có.
|
Tác phẩm bị bắn sơn làm mất giá trị. |
“Khi gửi tranh đi dự triển lãm, hầu như không có điều khoản bảo vệ tác phẩm của hoạ sĩ, phía tác giả và BTC chỉ làm việc dựa trên uy tín. Những người tham gia như tôi đòi hỏi quy trình làm việc nghiêm túc, ý thức bảo vệ tranh của họa sĩ phải được nâng cao hơn từ khâu giao nhận tranh cho tới hoàn trả tác phẩm. Nhưng đó là thoả thuận, làm việc dựa trên uy tín không có hợp đồng cụ thể để quy trách nhiệm”, hoạ sĩ Phạm An Hải nói.
Nhà phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, một thành viên thuộc BTC Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 cho biết hiện tại, sự kiện hoạt động vẫn “nghiệp dư rất nhiều mặt”, từ khâu vận chuyển cho tới khâu trưng bày. Ông cho rằng người vác tranh đi nhưng không biết họ đang vác cái gì. Chưa kể, người treo tranh cũng chỉ là thợ bốc vác, không hiểu giá trị tác phẩm nên dễ xảy ra hư hại. Ông cũng từng mất tranh tại triển lãm và cho biết đã đến lúc cần phải thay đổi.
BTC “đá bóng” trách nhiệm, hoạ sĩ mất niềm tin
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn nói hơn 10 năm nay, chị không còn tham gia những sự kiện triển lãm của Hội Mỹ thuật nữa dù chị là hội viên. Lý do mà nữ hoạ sĩ đưa ra là bởi: “Tôi cảm thấy không được an toàn cho tranh của mình. Một triển lãm lớn như thế nhưng công tác bảo quản, giao nhận tranh không được đảm bảo. Thường những trường hợp hư hại, hoạ sĩ là người chịu thiệt vì không có bất kỳ sự bảo hiểm nào cả”.
Hoạ sĩ Hiền Nguyễn nói thêm rằng, ngay cả khi tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy bị xước, ông Mã Thế Anh - Phó cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Trưởng BTC buông ra lời nói xúc phạm nghiêm trọng đến giới nghệ sĩ thì hỏi mấy ai còn đủ niềm tin gửi những đứa con tinh thần của mình.
Khi tác phẩm nghệ thuật bị xâm hại mà ông Phó cục trưởng nói “nó xước xát tí” hay “xước một chút có gì đâu”. “Câu phát biểu của Phó cục trưởng khiến giới nghệ sĩ chúng tôi "choáng toàn tập". Ông phải xin lỗi, vì ở vị trí người làm văn hoá mà phát biểu như vậy là điều đáng tiếc vô cùng. Làm ra một tác phẩm sơn mài mất rất nhiều thời gian, có thể từ 6 tháng đến 2 năm là chuyện bình thường nên khi bị xước, dù có được sửa chữa, tác phẩm không còn giữ được giá trị ban đầu. Chúng tôi cần sự thay đổi lớn trong khâu tổ chức để mọi người an tâm gửi tranh tham dự”, hoạ sĩ Hiền Nguyễn nói.
|
Một tác phẩm khác gửi đến triển lãm bị xước. |
Đồng quan điểm với Hiền Nguyễn, hoạ sĩ Phạm An Hải nói, để gầy dựng lòng tin với nghệ sĩ, ngoài thay đổi khâu tổ chức, BTC các sự kiện triển lãm nói chung phải công khai người chịu trách nhiệm vì nếu không có người đứng ra nhận trách nhiệm thì chẳng nghệ sĩ nào đủ niềm tin để gửi tranh đi dự. Còn khi “tai nạn” đáng tiếc xảy ra, điều đầu tiên BTC nên làm là thông báo đến tác giả và xin lỗi, đề xuất hỗ trợ.
Giới hoạ sĩ luôn cần sân chơi để trưng bày tác phẩm, giao lưu cùng những anh em trong nghề nhưng điều quan trọng, họ cần khâu tổ chức phải chặt chẽ, thấu hiểu công sức lao động của người nghệ sĩ. “Chúng tôi mong muốn công tác tổ chức thay đổi nhưng nhiều năm qua, dù đã lên tiếng mà cho đến nay, mọi thứ vẫn trì trệ, mong thì mong vậy nhưng các cơ quan liên quan có thực hiện không mới là điều quan trọng”, hoạ sĩ Hiền Nguyễn cho biết.
Vậy, phải cần bao nhiêu tranh bị xước, bao nhiêu tác phẩm hư hỏng nữa thì BTC Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc mới thay đổi khâu tổ chức?
Trong buổi họp báo chiều 1/12, BTC cho rằng, không riêng gì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 mà tất cả triển lãm khác làm theo cách thức như thế cũng sẽ đều như thế, mà “đều như thế” thì sự việc có gì mới nữa đâu mà hoạ sĩ kêu trời (?!) Một phát biểu như vậy có thể cho thấy, BTC chưa có tinh thần cầu thị.
Nếu vẫn giữ tinh thần “đá bóng” trách nhiệm, xem nhẹ sự việc như BTC Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 thì có chăng, uy tín của BTC chỉ còn là số 0 tròn trĩnh, hoạ sĩ vốn đã mất niềm tin càng không có lý do gì để tin tưởng.
Diễm Mi