Huy động tiền gửi như ngân hàng
Chúng tôi thử vào ứng dụng Finhay - được giới thiệu là của Công ty Chứng khoán Vina - và được một thành viên đưa vào nhóm “Cộng động Finhay” có hơn 200.000 thành viên trên Facebook. Đây giống như một kênh để phổ biến hình thức đầu tư của ứng dụng này.
Finhay đưa ra 3 sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn, gồm đầu tư chứng khoán, đầu tư quỹ và tích lũy lợi nhuận cố định. Mỗi sản phẩm được chia nhỏ thành các gói để thu hút người tham gia.
Chẳng hạn, với sản phẩm đầu tư quỹ, có 6 gói được đặt tên riêng, gọi là các linh vật. Gói có độ rủi ro thấp nhất cho người gửi tiền là linh vật “rùa Hoàn Kiếm”. Những gói có độ rủi ro trung bình là “cò trắng”, “voi rừng”. Những gói mạo hiểm là “trâu nước” và “sao la”. Nhà đầu tư các gói mạo hiểm phải chấp nhận đầu tư dài hạn, có thể 4-5 năm nhưng càng mạo hiểm, mức lợi nhuận càng cao, có thể lên đến 49,5%/năm.
“Nếu muốn an toàn, chị có thể nạp tiền vào sản phẩm “Tích lũy lợi nhuận cố định”, hưởng lãi suất 5%/năm với hình thức tích lũy không kỳ hạn hoặc hưởng lãi suất 6%/năm với kỳ hạn 3 tháng, hưởng lãi suất 8%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng” - một thanh niên tên Long hướng dẫn chúng tôi.
|
Theo các chuyên gia, hiện nay, người tham gia góp vốn qua các ứng dụng huy động tiền với lãi suất cao trên mạng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro - Ảnh: Minh An |
Một ứng dụng khác có tên Tikop - được giới thiệu thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Techlab - đưa ra 2 sản phẩm để mời gọi đầu tư, gồm “Tích lũy” và “Đầu tư chứng chỉ quỹ”. Với sản phẩm tích lũy, nhà đầu tư có thể nạp tối thiểu 50.000 đồng hoặc tối đa 10 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 5 tháng là 8,5%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 8%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 6,25%/năm. Nhà đầu tư có thể chọn không kỳ hạn để hưởng lãi suất 5,5%/năm. Sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ gồm những gói có mức lợi nhuận 27%/năm, thậm chí lên đến 41%/năm (gói đầu tư mạo hiểm). Tikop cho rằng, tiền gửi của nhà đầu tư sẽ được dùng đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ.
Ngoài Finhay, Tikop, còn có hàng loạt ứng dụng với cách thức hoạt động khá tương đồng, như Passion Invest, Infina, Savenow, Buff, Fmarket… Các ứng dụng này đều chấp nhận số tiền gửi rất nhỏ, từ 10.000 đồng đến vài tỷ đồng, lãi suất thì luôn cao hơn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.
Cần có khung pháp lý
Nhiều người sau khi thử đầu tư 10.000-50.000 đồng, thấy được trả lãi cao, liền tăng tiền gửi lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Không ít nhân viên văn phòng đang xem đây là cách “bỏ ống heo”.
Ông Võ Đình Trí cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước đưa ra cảnh báo là hợp lý, nhưng vấn đề đặt ra là, làm thế nào để các ứng dụng này có được giấy phép để hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Hiện nghị định về hoạt động fintech vẫn đang ở dạng dự thảo và chưa biết khi nào mới được ban hành chính thức. |
Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia, một số nhà đầu tư đã nhận ra thực tế phũ phàng. Chị A.N. - người đã nạp 19 triệu đồng vào ứng dụng Finhay - cho biết, hiện số tiền của chị bị giảm hơn 2,1 triệu đồng so với 6 tháng trước. Sau 1 năm gửi tổng cộng 315,1 triệu đồng vào gói “Đầu tư quỹ” của Finhay, anh N.T. bị lỗ hơn 52,1 triệu đồng. Hầu hết nhà đầu tư không biết tiền của mình được dùng vào việc gì, có được mang đi đầu tư hay không. Một số nhà đầu tư cho biết, họ vẫn có lãi khi gửi tiền vào các gói bất động sản, nhưng mức lãi không bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã yêu cầu các nhà đầu tư cảnh giác với các trang web, ứng dụng như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, Buff… Cơ quan này cho rằng, các doanh nghiệp là chủ các trang web và ứng dụng trên có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán trái phép. Sau cảnh báo này, một số nhà đầu tư đã rút tiền khỏi các ứng dụng, một số ứng dụng liền tăng lãi suất lên thêm 1 - 2% để hấp dẫn nhà đầu tư.
Tiến sĩ Võ Đình Trí - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định: Có không ít người đang nạp tiền vào các sản phẩm tích lũy của các ứng dụng kể trên do chúng tiện lợi, dễ sử dụng, lãi suất cam kết hấp dẫn và có thể bắt đầu bằng những khoản tiền rất nhỏ. Hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình công nghệ tài chính (fintech) nên khó phân biệt được ứng dụng nào thực sự đàng hoàng, ứng dụng nào có ý đồ xấu.
Theo ông, do hoạt động trong “vùng xám” nên các bên cung cấp dịch vụ không rõ trách nhiệm bắt buộc của mình hoặc cố tình lờ đi trách nhiệm. Họ không cảnh báo rủi ro, không minh bạch hóa điều khoản hợp đồng và điều kiện sử dụng dịch vụ, không thông tin cho người dùng biết ứng dụng của họ là nền tảng trung gian kết nối (như ứng dụng gọi xe) hay là nơi quản lý tài sản của khách. Do đó, nếu có tranh chấp hoặc muốn yêu cầu ứng dụng giải ngân, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Theo tiến sĩ Võ Đình Trí, nhu cầu đầu tư những khoản tiền nhỏ lẻ là có thật. Ở các nước phát triển, mô hình tiết kiệm bằng cách làm tròn số tiền chi tiêu để tạo thành khoản tích lũy đã nở rộ. Chẳng hạn, khi uống ly cà phê với giá 4,5 USD, khách sẽ được làm tròn thành 5 USD và 0,5 USD còn dư sẽ được tự động chuyển vào một tài khoản đầu tư. Nhà đầu tư cũng có thể dùng 1 USD để mua 1% của một cổ phiếu giá 100 USD đang có trên thị trường, gọi là chia nhỏ tài sản đầu tư (fraction).
Ông nói: “Các mô hình mới này cần được thử nghiệm thay vì trì hoãn do sợ rủi ro. Thay vì cảnh báo, cơ quan quản lý nhà nước cần có khung pháp lý để giám sát chặt chẽ sản phẩm và hoạt động này”.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng, Luật Chứng khoán năm 2019 nghiêm cấm hoạt động kinh doanh chứng khoán (có 7 hoạt động), cung cấp dịch vụ về chứng khoán (có khoảng 11 dịch vụ) khi chưa được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lẫn nhà đầu tư - nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ - rất khó phân biệt ranh giới giữa được và không được làm.
Theo ông, rất khó phân biệt giữa việc không được huy động vốn, cho vay vốn theo Luật Các tổ chức tín dụng với việc được huy động vốn, cho vay vốn theo Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Không thể phân biệt được hoạt động đầu tư, hợp tác, kinh doanh chứng khoán, cung ứng giải pháp công nghệ vi phạm Luật Chứng khoán với hoạt động đầu tư, hợp tác, kinh doanh hoặc cung ứng giải pháp công nghệ, hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
“Các cơ quan chức năng cần phải truyền thông, hướng dẫn, giải thích cụ thể, dễ hiểu để doanh nghiệp và người dân biết rõ, rằng họ được quyền làm gì, không được làm những gì, để tránh việc vi phạm pháp luật” - luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.
Thiếu quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính Theo ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) - đang có một số khoảng trống khiến quyền lợi người tiêu dùng tài chính hiện chưa được bảo vệ tốt. Trong đó phải kể đến sự thiếu hụt các quy định pháp lý chuyên ngành; thiếu các cơ chế khiếu nại đặc thù; thiếu một cơ quan đầu mối chuyên trách để thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đặc biệt với nhóm người tiêu dùng là người già, trẻ em, người dân ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… là những người rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động tài chính. Dịch vụ này lại có nhiều thuật ngữ chuyên môn đòi hỏi người sử dụng, tham gia phải có kiến thức cơ bản nhất định. Nếu họ không được trang bị kiến thức, kỹ năng có thể gặp những rủi ro. Tại nhiều nước như Mỹ, Nhật, Úc… cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính gần như là yêu cầu bắt buộc phải có trong cơ cấu tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức hiệp hội. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp phù hợp bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đang tổ chức lấy ý kiến, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tài chính được đưa vào để khắc phục những khoảng trống trong hoạt động này. Quang Bình |
Thanh Hoa