Gửi tiền 8 năm, nhận thông báo sổ tiết kiệm giả

17/07/2020 - 11:30

PNO - Bà Hằng mở sổ tiết kiệm nhưng lại đưa tiền cho người khác giao dịch. Sau 8 năm, bà nhận về sổ tiết kiệm giả, mất hàng tỷ đồng.

Nhận sổ tiết kiệm giả tại ngân hàng

Mới đây, bà Huỳnh Tuyết Hằng (TPHCM) phải cầu cứu luật sư vì sau gần 8 năm gửi tiết kiệm, bà mới phát hiện sổ tiết kiệm của mình là giả. Cụ thể, tháng 9/2011, bà Hằng nghe Vũ Phương Thảo - cháu gọi bà Hằng bằng dì - giới thiệu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đang huy động vốn với lãi suất rất cao. Nghe Thảo thuyết phục, bà Hằng cùng Thảo đến hội sở OCB, số 41-45 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 để gửi tiền. 

Sổ tiết kiệm giả mà Vũ Phương Thảo đưa cho bà Châu
Sổ tiết kiệm giả mà Vũ Phương Thảo đưa cho bà Châu

“Lúc đó, Thảo vẫn đang là cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng, thuộc khối hỗ trợ của OCB nên khi đến gửi tiền, tôi đưa toàn bộ tiền để Thảo vào quầy làm thủ tục. Tôi thấy Thảo đưa tiền cho nhân viên giao dịch kiểm đếm và làm thủ tục nên yên tâm ngồi đợi” - bà Hằng kể. Sau khi làm thủ tục xong, Thảo đưa cho bà Hằng hai quyển số tiết kiệm của OCB, một sổ do bà Hằng đứng tên, trị giá 4,7 tỷ đồng và một sổ do chồng bà Hằng đứng tên, trị giá 1 tỷ đồng. 

Từ năm 2011-2019, hằng tháng, bà Hằng vẫn nhận đầy đủ tiền lãi từ sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, từ tháng 3/2019, bà Hằng không còn nhận được số tiền lãi như thường lệ nên phản ánh với OCB. Lúc này, bà Hằng mới biết, Thảo đã nghỉ việc tại OCB từ năm 2018, đồng thời, hai sổ tiết kiệm có tổng trị giá 5,7 tỷ đồng của bà Hằng và chồng đều là giả. 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện OCB xác nhận, tháng 3/2019, bà Hằng yêu cầu OCB phải trả số tiền tiết kiệm là 5,7 tỷ đồng thông qua đại diện là Công ty Luật Hưng Yên. Tuy nhiên, khi kiểm tra, ngân hàng xác định, sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả. Toàn bộ phôi sổ tiết kiệm bị làm giả, chữ ký đại diện OCB trên các chứng từ không đúng và mẫu dấu sử dụng không phải mẫu thật của OCB. Do vậy, OCB cho rằng, không có căn cứ xác định OCB nhận tiền huy động của bà Hằng với số tiền 5,7 tỷ đồng. 

Phía OCB cho biết thêm, khi còn là nhân viên của OCB, bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của khách hàng tại OCB. Bà Hằng là dì ruột của Thảo nên giao dịch của bà Thảo và bà Hằng có thể xem như giao dịch cá nhân, hoàn toàn không nằm trong thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát của OCB. “Khi nhận được phản ánh của bà Hằng, nhận thấy bà Thảo có dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi đã hỗ trợ bà Hằng gặp cơ quan điều tra” - đại diện OCB nói. 

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, thời gian qua, PC02 nhận được nhiều phản ánh liên quan đến bà Vũ Phương Thảo. Lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, Thảo đã dụ nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Nhằm tạo lòng tin, Thảo đã lập sổ tiết kiệm giả, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các nạn nhân. Trong quá trình điều tra và khám xét nhà bà Thảo, PC02 đã phát hiện nhiều hồ sơ, giấy tờ và con dấu giả có liên quan đến OCB để làm phương tiện lừa đảo. Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”. 

Ngân hàng có vô can?

Bà Hằng không phải là trường hợp đầu tiên hay nạn nhân duy nhất của Vũ Phương Thảo. Tháng 11/2018, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận được đơn của bà Lê Thị Minh Châu (Q.6, TP.HCM) phản ánh việc bị Vũ Phương Thảo dụ mở sổ tiết kiệm tại OCB với lãi suất cao (gửi 3 tỷ đồng, trong vòng một tuần sẽ nhận lãi 100 triệu đồng) nhưng sau khi gửi tiền tại chi nhánh OCB Q.5 xong, bà Châu nhờ bạn bè kiểm tra thì không thấy số tiền 3 tỷ đồng trên hệ thống OCB và sổ tiết kiệm mà bà Châu đang giữ là sổ giả. 

Cả hai vụ việc trên đều có một điểm chung là nạn nhân đều tin tưởng Thảo, chỉ đưa tiền vào quầy giao dịch cho nhân viên rồi ra ngoài ngồi đợi bà Thảo làm thủ tục giúp. Toàn bộ sổ tiết kiệm của hai nạn nhân đều nhận từ tay bà Thảo chứ không phải trực tiếp từ nhân viên quầy giao dịch. 

Cả bà Châu và bà Hằng đều bị sốc vì không nghĩ mình bị lừa ngay trong khuôn viên ngân hàng. Cả hai bà đều không đồng tình khi OCB trả lời rằng giao dịch của bà Thảo và các nạn nhân là giao dịch cá nhân, bởi cả hai cùng bà Thảo đến phòng giao dịch OCB, đều tận tay đưa tiền cho nhân viên kiểm đếm, tận mắt thấy bà Thảo ngồi đếm tiền và cột tiền cùng nhân viên ngân hàng. 

Tuy nhiên, theo quy định, ngân hàng chỉ quản lý giao dịch ngay tại quầy giao dịch, có quay camera đối chiếu. Mọi việc xảy ra ngoài quầy giao dịch đều là giao dịch giữa cá nhân với nhau, không thuộc phạm vi quản lý của ngân hàng. Tại quầy, không chỉ có giao dịch rút tiền, gửi tiền, chuyển tiền mà còn có dịch vụ kiểm đếm tiền. Do đó, hành động ngồi tại quầy đếm tiền và cột tiền cùng nhân viên ngân hàng của bà Thảo trên thực tế là bà Thảo nhờ dịch vụ đếm tiền hộ. Sau khi kiểm đếm xong, lợi dụng nạn nhân không để ý, bà Thảo đã ra khỏi khu có camera cất tiền vào giỏ rồi đưa cho nạn nhân sổ tiết kiệm giả. 

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính đầu tư - qua các vụ việc này, lỗi không hoàn toàn thuộc về khách hàng mà còn do quy trình quản lý nội bộ, quản lý việc tuân thủ quy định đạo đức kinh doanh, giám sát việc thực hiện quy trình của các ngân hàng quá lỏng lẻo, yếu kém. Ngân hàng Nhà nước cần phải tăng cường giám sát các ngân hàng nhiều hơn nữa. 
“Sự quản trị lỏng lẻo giống như nhà không đóng cửa và không có tên trộm nào thấy vậy mà từ chối. Trộm chỉ không vào nhà khi không tìm được kẽ hở của gia chủ” - vị chuyên gia này ví von. 

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • PKT 15-09-2020 15:54:40

    bà Hằng vẫn nhận được tiền lãi hàng tháng là sao? số tiền này có phải ngân hàng chuyển hay do Thảo chuyển? Các cụ bảo "Đồng tiền đi liền khúc ruột" cơ mà sao lại đi ra ngoài thế kia.

  • Xăm 18-07-2020 18:54:18

    Con dại cái phải mang.

  • Nguyễn ngọc lương 18-07-2020 18:49:14

    Có tiền rồi cũng chưa phải là chắc chắn, cũng không nên tin người quá.

  • nguyễn phương 18-07-2020 04:13:05

    Thoạt đầu xem thông tin thì thưởng bà Hằng tự tay đi giao dịch gởi tiền với ngân hàng nhưng sau thì biết người cháu bà Hằng giao dịch với ngân hàng ,bà chỉ ngồi xem .Vậy khó mà quy trách nhiệm cho ngân hàng được ,chỉ vì tin tưởng người thân nên mất của .

  • Trần Văn Hùng 17-07-2020 15:58:55

    Khách hàng nên tự mình giao tiền cho nhân viên giao dịch, ngồi kiểm tra đếm lại tiền, ký giấy tờ (không được ký khống), nhận lại sổ tiết kiệm và chứng minh thư (hoặc CCCD). Kiểm tra kỹ các thông tin trên sổ tiết kiệm. Nếu cần, nhờ nhân viên giao dịch kiểm tra và khẳng định sổ gửi tiết kiệm là thật hay giả!!!!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI