Tuyến lửa 1C - Huyền thoại dệt nên từ những bờ vai con gái - Bài 2:

Gửi thanh xuân nơi tuyến lửa

24/07/2024 - 05:57

PNO - Tuổi đời còn thơ ngây, nhưng khi đất nước cần, những cô gái đã không ngại bước ra tuyến lửa. Thanh xuân của họ gắn với đạn bom, chiến trường ác liệt.

Trong hơn 800 con người hoạt động trên tuyến đường 1C có đến 2/3 là những cô gái tuổi từ mười lăm, đôi mươi. Ở nơi được mệnh danh là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi “sắt thép cũng tan chảy”, những cô gái thanh niên xung phong đã chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ, đưa các cán bộ, phương tiện về khắp các chiến trường. Bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình, họ đã làm nên con đường 1C huyền thoại.

Bài 1: Những cô gái tuổi trăng theo tiếng gọi lên đường

Tiếng hát át tiếng bom

Nhắc lại những ngày làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C, bà Lâm Thị Minh Tâm - nữ chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) TP Cần Thơ, người từng là Trung đội trưởng, Phó chính trị viên đại đội - kể, hồi ra đi chỉ mới 14, 15 tuổi, nên ngoài chuyện vì căm thù giặc, bà và các bạn còn háo hức vì nghe nói chiến trường Hà Tiên cảnh đẹp lắm. Nhưng đến nơi thì chỉ thấy có rừng tràm, đồng bưng, chứ không có lấy một bóng người dân, vì giặc đánh phá ác liệt. Chiều xuống, nỗi nhớ nhà lại trào lên, chỉ một tiếng chim kêu cũng khiến cả đội nhìn nhau khóc.

Lược đồ hoạt động của thanh niên xung phong trên tuyến đường huyền thoại 1C
Lược đồ hoạt động của thanh niên xung phong trên tuyến đường huyền thoại 1C

Từ tháng Bảy đến tháng Mười, nước nổi mênh mông, TNXP sẽ dùng xuồng mỏ đi tải hàng. “Đây là loại xuồng lướt đồng cỏ nhanh hơn xuồng ba lá, nhưng khó giữ thăng bằng, 2 đứa đứng 2 đầu, đứa này té thì đứa kia cũng té đùng đùng xuống nước, chiếc xuồng thì quay mòng mòng giữa sông. Vậy mà lúc đó đâu đứa nào biết đau, còn nhìn nhau cười ha hả. Làm xong nhiệm vụ về mới biết đầu gối sưng vù” - bà Minh Tâm kể.

Khổ nhất là vận chuyển hàng vào mùa “lỡ nước lỡ khô”. Trên cung đường quen thuộc từ kênh Vĩnh Tế đến lộ Cái Sắn, mỗi xuồng tải 400 - 500kg vũ khí, có đoạn chèo xuồng, nhưng đến đoạn khô, các nữ TNXP phải bỏ hàng để vác xuồng hết đoạn khô rồi quay lại vác vũ khí. Mỗi cô gái mang trên mình 1 khẩu AK, vài trăm viên đạn, trên vai vác vài chục ký rồi càn lướt trên cỏ mà đi. Có khi bị cỏ tranh cắt chằng chịt 2 bàn chân. Những đoạn nước ngang ống quần, bước hụt chân là sụp xuống hố, hàng nặng không đứng dậy nổi thì người này nắm tay người kia kéo lên.

Là người phụ trách một tiểu đội có 10 nữ TNXP tuổi 15-17, ông Cao Long Phiêu - Tiểu đội trưởng tiểu đội 9, trung đội 2, đại đội Nguyễn Việt Khái 3 - cho biết, ông hiểu rõ những hy sinh to lớn mà những nữ TNXP đã trải qua. Bốn bề là nước nên quanh năm họ ở nhà sàn mái lá, đốn tràm làm sạp nằm. Khoảng 5g chiều, họ ra moi xuồng lên bơi đi công tác, có khi 3 - 4g khuya mới về đến cứ, lại nhận chìm xuồng cẩn thận rồi mới yên tâm vào lán nghỉ ngơi. Nói nghỉ vậy chứ không nghỉ gì được bởi giặc đánh tối ngày. Mùa khô, sáng ra, mỗi cô 1 cây súng ra công sự gác. Ngày treo võng ngủ vài tiếng đồng hồ, đêm ngủ được 15-20 phút là êm. Có khi 1 tháng thức hai mươi mấy đêm liền.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, gian khổ khi tham gia TNXP trên tuyến đường 1C, bà Hồ Thị Hoàng Em - TNXP đại đội Mai Thanh Thế - cho biết, bao năm bà cùng đồng đội hoàn toàn dùng nước sông. Quy định nước đầu lán dùng để sinh hoạt, ăn uống, còn cuối lán để tắm rửa, vệ sinh. Lá rừng rơi xuống lâu ngày mục rữa trong nước, nên nồi cơm nấu ra lúc nào cũng có màu như xôi gấc. Chưa kể, xác chết của địch và ta trôi sông mỗi ngày làm nguồn nước bị ô nhiễm, rồi bệnh sốt rét rình rập. Trang phục chỉ có 2 bộ để thay đổi, cả tháng không tắm, ngụp lặn trong nước bẩn suốt khiến áo quần chưa kịp khô thì đã ướt tiếp, nên chị em nào cũng bị lác da và bệnh phụ khoa. Thậm chí, họ phải động viên nhau cắt đi mái tóc dài bóng mượt để đỡ vướng víu khi làm nhiệm vụ.

Chẳng tiếc đời xanh

Tháng 4/1969, địch bắt đầu phản công với quyết tâm “nhổ cỏ” U Minh, đồng thời nhổ cỏ chiến trường 1C nên bắn phá ác liệt. Ông Cao Long Phiêu nhớ lại, một đêm, khoảng 3 - 4g sáng, đi công tác về, ông đang vo gạo nấu cơm thì nghe như có 1 cái máy xay lúa đang hoạt động trên trời. Chưa kịp định thần thì 3 đợt B52 bừa xối xả. Lán tan hoang, xuồng vỡ nát, những chiếc cầu nội bộ bí mật gãy đứt. Tàu sắt xếp hàng dọc trên kênh Vĩnh Tế. Trên bờ thì dày đặc xe tăng và các loại máy bay do thám. Chỉ huy đơn vị họp khẩn và nhận định tình hình không tránh khỏi cuộc chiến, có thể phải trả giá rất cao nên đã phát động đoàn viên, đảng viên nêu cao tinh thần quyết tâm. Lực lượng hiện có hết 2/3 là nữ với nhiệm vụ tải hàng, không phải đơn vị tác chiến. Vậy mà họ tình nguyện gia nhập đội cảm tử quân cùng với cánh nam giới của từng liên đội và cảnh vệ đại đội, du kích địa phương, tổ chức tấn công kẻ thù.

Những nữ thanh niên xung phong từng hoạt động trên tuyến đường 1C tham gia giao lưu trong chương trình  “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tháng 3/2024. Từ trái sang: bà Lâm Thị Minh Tâm (TP Cần Thơ),  bà Võ Tuyết Lệ (Cà Mau), bà Đoàn Thị Hồng Thắm (TPHCM), bà Phạm Tuyết Hồng (Cà Mau) và bà Nguyễn Xuân Phấn (TP Cần Thơ)
Những nữ thanh niên xung phong từng hoạt động trên tuyến đường 1C tham gia giao lưu trong chương trình “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tháng 3/2024. Từ trái sang: bà Lâm Thị Minh Tâm (TP Cần Thơ), bà Võ Tuyết Lệ (Cà Mau), bà Đoàn Thị Hồng Thắm (TPHCM), bà Phạm Tuyết Hồng (Cà Mau) và bà Nguyễn Xuân Phấn (TP Cần Thơ)

Nhắc lại trận đánh tháng 11/1969, bà Đoàn Thị Hồng Thắm (tiểu đội 9) nhớ như in đợt bom dội xuống trong đêm đã ném 9 cô gái ra xa khỏi lán mấy thước. Người chảy máu miệng, người chảy máu mũi, các cô bảo nhau bám vào những cây tràm ngã đổ mà nằm tránh bom. Cả đêm ngâm mình trong dòng nước lạnh, ai cũng run bần bật. Bom ngừng, họ lại bò lên hong quần áo, quần áo vừa khô thì pháo lại dập. 7 ngày như thế trôi qua, muỗi cắn không còn sót chỗ nào. Sang ngày thứ tám, thấy tình hình êm ắng, họ rút về một công sự cũ thì nghe tiếng súng AK rất gần. 9 cô gái chỉ có 3 cây súng và 3 bao đạn, họ bàn nhau đợi địch đến thật gần… Khi đoàn người đến gần, nhìn thấy phía sau là 1 phụ nữ đội nón tai bèo, lưng mang thùng đại liên mới biết là người của mình. Thấy còn đủ 9 cô gái, tất cả ôm nhau khóc. Người anh trong đoàn nói: “Tưởng tụi bây chết hết rồi, tao bắn cho quạ bay lên đặng chôn xác”.

“Chúng tôi may mắn còn sống là nhờ đạn tránh người, chứ mình không có cách nào tránh đạn” - bà Hồng Thắm nói. Trong 8 năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C, không ít lần các đội viên chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. Bà Phạm Tuyết Hồng - cựu nữ TNXP tỉnh Cà Mau - kể, bà thoát ly gia đình đi TNXP trên tuyến đường 1C khi mới 15 tuổi, với vai trò là y tá ở đại đội Nguyễn Việt Khái 2. Mỗi ngày tham gia tải đạn, vận chuyển vũ khí, bà đều mang theo thùng thuốc bên mình để kịp thời cứu chữa cho đồng đội.

Trong một đêm của năm 1967, tại Gộc Xây, Hà Tiên, bà Hồng chứng kiến trung đội trưởng của mình là nữ TNXP Phạm Thị Phiên bị thương nặng. Cố gắng băng bó cho đồng đội, cả người bà Hồng cũng ướt đẫm máu. Nhưng cuối cùng, trung đội trưởng Ba Phiên không qua khỏi. Vì đơn vị còn phải làm nhiệm vụ trong đêm, nên bà Hồng được phân công ở lại giữ xác đồng đội, chờ đơn vị đến chôn cất.

Nhớ lại thời khắc ấy, bà Hồng xúc động: “Tôi vốn là người rất nhát và sợ ma. Nhưng chứng kiến đồng đội mình hy sinh, tôi không còn biết sợ là gì nữa. Tôi giăng mùng cho chị Ba đỡ lạnh và tránh bị ruồi muỗi. Đêm tối mịt, tiếng côn trùng rỉ rả, nghe đau buốt tâm can. Thương chị, tôi bật khóc nức nở. Tình đồng đội đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi và đêm tối bao trùm”.

Ngoài nhiệm vụ nhận hàng hóa trực tiếp từ trung ương đưa vào, liên đội 1 TNXP còn nhận quân từ miền Đông đưa xuống, do đó, đường 1C như là con đường giao liên, vừa phục vụ cho chiến đấu, nhưng cũng là tuyến lửa ác liệt. TNXP làm nhiệm vụ trên tuyến đường này vừa tải hàng, vừa chiến đấu, đã vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, tiền bạc và đưa rước hơn 30.000 lượt quân về miền Tây, đưa cán bộ từ miền Tây về miền Đông để ra miền Bắc.

Gần 400 đội viên TNXP trong số 800 người tham gia hoạt động trên tuyến đường 1C đã hy sinh và hơn 300 người bị thương. Để giữ vững tuyến đường trọng yếu trong suốt 8 năm, sự hy sinh, cống hiến của họ là vô cùng to lớn, xứng đáng được ghi vào lịch sử. Liên đội 1 TNXP và 2 nữ TNXP (Võ Thị Hồng Láng và Nguyễn Ngọc Đẹp) làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Trần Văn Mãnh - nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong

Kỳ cuối: Tri ân những người đã anh dũng nằm xuống

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI